Bộ Công thương đề nghị lùi thời hạn thoái vốn tại TISCO: Hy vọng "hồi sinh" đang ngày càng bé lại?

Cập nhật: 06:10 | 05/11/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã đưa ra kế hoạch thoái vốn tại dự án gang thép Thái Nguyên – một trong 12 đại dự án thua lỗ trong quý I-2018. Thế nhưng trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khiến dư luận bất ngờ khi đưa ra quan điểm xin lùi thời hạn thoái vốn….

Đề nghị thoái vốn của 5000 công nhân

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 27/10/2018, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, đại diện 5000 công nhân gang thép Thái Nguyên đã gửi tâm thư đề nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm việc thoái vốn nhà nước nhưng đến nay việc này bế tắc. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng công ty phải trả cho ngân hàng khoảng 47 tỷ đồng, sức ép rất lớn. 5.000 công nhân lao động tha thiết đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc thoái vốn nhà nước. Đây là con đường sống khả thi duy nhất vì nếu kéo dài một thời gian nữa, Gang thép Thái Nguyên có thể “sụp đổ”.

de nghi lui thoi han thoai von tai tisco bo cong thuong dang di lui
Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên

Chiều 31/10/2018, tại phiên Quốc hội chất vấn, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã nêu câu hỏi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có văn bản kết luận từ ngày 19/12/2017, phải hoàn thành thoái vốn khói dự án Gang thép Thái Nguyên trong quý I/2018. Thế nhưng nay đã bước sang quý IV.2018, việc này vẫn chưa được triển khai thì có có "lợi ích nhóm" hay không?

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định không có "lợi ích nhóm" nhưng cho rằng nếu thoái vốn ngay thì Nhà nước sẽ bị “thiệt hại” và nhiều vướng mắc như kiện tụng với tổng thầu nước ngoài, cam kết bảo lãnh của Tổng công ty Thép Việt Nam đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; khoản vay hơn 1.800 tỷ của Vietinbank; giải quyết cho xong khoản giải chấp của Tổng Công ty Thép Việt Nam với khoản bảo lãnh của TISCO thì mới có thể tiến hành thoái vốn…

de nghi lui thoi han thoai von tai tisco bo cong thuong dang di lui
Đại biểu Hoàng Văn Hùng phát biểu về Dự án Gang thép thái nguyên 2

Không nên kéo dài "nỗi đau" tại TISCO

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình cảnh TISCO đang đứng trước bờ "sụp đổ" là bởi những sai lầm, sai phạm trong việc đầu tư Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Với những bế tắc trong việc đàm phán với các Nhà thầu EPC, đặc biệt là Nhà thầu MCC, các ngân hàng, nhiều năm nay dự án đã nằm "đắp chiếu" cùng gần 10.000 tỷ đồng đã rót vào. Hệ quả tất yếu, con tàu TISCO, từ một niềm tự hào của ngành thép cũng sa lầy và lay lắt theo.

Cuối tháng 12/2017, Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển hồ sơ liên quan đến dự án gang thép Thái Nguyên sang Bộ Công an để điều tra.

Vậy nên, vấn đề cấp thiết lúc này là vực dậy TISCO bằng cách nào?

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rất nhiều lần là Nhà nước không rót thêm tiền vào để cứu các dự án thua lỗ này. Trước đó, lãnh đạo TISCO từng đưa ra đề nghị Chính phủ giảm thuế, khoanh nợ, bảo lãnh cho việc bơm thêm hàng nghìn tỷ đồng từ ngân hàng vào dự án gang thép Thái Nguyên 2 nhưng đã bị bác bỏ.

Theo nhiều chuyên gia, con đường để đưa TISCO dần thoát khỏi vũng lầy nợ nần, thua lỗ không gì khác ngoài việc thoái vốn, tìm kiếm nhà đầu tư đủ tiêm lực bởi sau tất cả TISCO với giá trị thương hiệu và tài sản còn lại nếu có nguồn vốn mới cùng phương án quản trị tốt sẽ có nhiều điều kiện để hồi sinh.

​Một số chuyên gia kinh tế cho biết, các quy định hiện hành về doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, không có bất kỳ quy định ngăn cấm hay hạn chế nào đối với việc DN có vốn Nhà nước tiến hành thoái vốn tại công ty con khi DN có vốn Nhà nước đó đang có một cam kết bảo lãnh cho Công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng, chưa kể việc ban hành cam kết bảo lãnh đó cũng cần phải xem xét lại có phù hợp không, có giá trị pháp lý không?. Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định ngăn cấm hay hạn chế Tổng công ty Thép Việt nam (VNS) thoái vốn khỏi TISCO khi VNS vẫn còn nghĩa vụ bảo lãnh. Tìm hiểu vấn đề vướng mắc bảo lãnh này, một cán bộ của VNS cũng đã chia sẻ phương án TISCO dùng chính tài sản của mình là các Mỏ khoáng sản nguyên liệu hiện hữu để làm tài sản thế chấp thay thế cho nghĩa vụ bảo lãnh trên đã từng được đem ra đàm phán với Vietinbank, cơ bản đã được hai bên xem là một phương án tốt.

​Nói như vậy, để thấy rằng việc giải quyết những vấn đề vướng mắc giữa các doanh nghiệp phải được giải quyết giữa các doanh nghiệp với nhau. Trong khi đó, TISCO hay Ngân hàng Vietinbank cũng đều là doanh nghiệp và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, vậy tại sao không để chính doanh nghiệp thỏa thuận giải pháp tháo gỡ cho nhau. Trường hợp Thủy sản Phương Nam là một ví dụ mà lại phải trông chờ vào một giải pháp mới nào đó từ Nhà nước? Tại sao phải xử lý bằng cách trông chờ vào một mệnh lệnh hành chính, một chính sách đặc thù nào đó cho riêng dự án?.

​Tương tự như vậy, việc đàm phán với các Nhà thầu EPC, đặc biệt là Nhà thầu MCC sẽ dễ dàng hơn nếu nó được tiến hành giữa hai doanh nghiệp, nhất là giữa doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước (nếu Nhà nước đã thoái vốn) sẽ vô cùng rễ dàng. Thực tế việc đàm phán với Nhà thầu MCC về DA2 TISCO, một lãnh đạo của TISCO cho biết đã từng đàm phán quá nhiều lần, kể cả đàm phán đến cấp Chính phủ nhưng vẫn không giải quyết được. Trong khi đó, phương án pháp lý mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra, theo tham khảo một vài văn phòng Luật sư cho biết, là vô cùng phức tạp, khó khăn, kéo dài vì có yếu tố giải quyết quốc tế; chưa kể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn tại TISCO, ảnh hướng đến chi phí mà TISCO phải gánh chịu nếu giải pháp này không có lợi, mà còn ảnh hưởng cả đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Dư luận đặt câu hỏi về sự chậm trễ trong khi hàng nghìn lao động kêu cứu, muốn đẩy nhanh thoái vốn thì gần đây lại có một số ý kiến muốn đi ngược cả chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục đưa ra phương án mong Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục thu xếp đủ vốn và có cơ chế đặc thù để khắc phục những tồn tại, khó khăn hiện nay để sớm triển khai Dự án.

“Hiện tình hình tài chính của TISCO hết sức khó khăn, mất cân đối tài chính dài hạn 744 tỷ đồng, toàn bộ vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh phải vay ngân hàng và nợ của nhà cung cấp”, phía TISCO từng cho biết.

Tổng vốn điều lệ của TISCO là 1.840 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã chi cho dự án giai đoạn 2 vào khoảng 1.531 tỷ đồng. Trong đó, trả gốc và lãi cho các ngân hàng là 1.313 tỷ đồng, chi đầu tư cho các doanh nghiệp khác hơn 530 tỷ đồng nhưng vẫn chưa nhìn thấy hiệu quả. Hiện số nợ phải thu khó đòi tuy đã giảm nhưng vẫn còn số nợ gốc lên đến 453 tỷ đồng, dẫn đến việc mất cân đối nguồn vốn do lấy ngắn hạn đầu tư dài hạn số tiền 744 tỷ đồng.

Theo phân tích báo cáo tài chính của TISCO cho thấy lợi nhuận mang lại là của hoạt động sản xuất kinh doanh Giai đoạn 1 hiện hữu; TISCO đang tách riêng chi phí hoạt động đầu tư giai đoạn 2 ra khỏi Báo cáo tài chính (Điểm 2.14; 2.15 trong Báo cáo tài chính năm 2017 kỳ 31/12/2017 có ghi).

de nghi lui thoi han thoai von tai tisco bo cong thuong dang di lui

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị lùi thoái vốn tại TISCO

Tuy nhiên đối với ngay trong hoạt động của giai đoạn 1 cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh việc TISCO đang sản xuất và tiêu thụ các loại thép sản xuất; TISCO còn đang bán một phần lớn quặng sắt mà lượng quặng bán lại chính là lấy từ mỏ sắt Tiến Bộ đang khai thác nằm một phần trong dự án giai đoạn 2; có nghĩa là TISCO đang tự bán máu mình đi để trang trải chi phí và để có lãi.

Chỉ riêng trong năm 2017, TISCO đã bán đi tổng cộng 403.086 tấn quặng sắt, với tốc độ bán quặng như hiện nay, giả thiết giai đoạn 2 được khôi phục hoặc kể cả giai đoạn 1 đang chạy hiện nay, trong vòng 5-7 năm nữa thì TISCO sẽ không còn đủ quặng để sản xuất, lại phải mua ngoài hoặc nhập khẩu.

Đối với dự án giai đoạn 2, theo báo cáo của lãnh đạo TISCO gửi cho các cơ quan, lãi suất phải trả hàng tháng phát sinh khoảng 30 tỷ đồng/tháng; trong khi bắt đầu từ ngày 1/1/2017 TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi các khoản vay giai đoạn 2, bình quân cho riêng 2 ngân hàng cả gốc và lãi là 47,5 tỷ đồng/tháng. Nếu cứ tiếp tục kéo dài dự án thì lãi vay sẽ lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc TISCO cũng khẳng định: “Việc thoái vốn phải làm quyết liệt. Nếu càng để lâu, khó khăn của công ty càng đội lên".

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thời gian qua được dư luận đồng tình với việc chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ 12 đại dự án thua lỗ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nhưng với những phát biểu trước Quốc hội của Bộ Công thương theo hướng chưa thể thoái vốn ngay khiến dư luận lo ngại quá trình tháo gỡ Dự án gang thép Thái Nguyên – một trong những đại dự án thua lỗ lớn nhất ngày càng trở nên nặng nề, phức tạp.

Anh Minh

Tin cũ hơn
Xem thêm