Bình Sơn (BSR) "làm ăn" ra sao trước khi lên HoSE?

Cập nhật: 16:29 | 13/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập năm 2008 để đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công ty tiến hành IPO và đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM từ 2018. Việc cổ phiếu BSR được niêm yết tại HoSE là điều cổ đông mong chờ và nâng cao tính minh bạch của Công ty cùng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). BSR cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), đồng thời chuẩn bị nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục có liên quan để niêm yết cổ phiếu trong năm 2024.

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu BSR trên sàn HoSE được Lọc hoá dầu Bình Sơn đưa ra trong nhiều năm qua nhưng chưa thực hiện được do vướng mắc liên quan đến khoản nợ quá hạn của công ty con - Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF).

Nghị quyết về việc triển khai niêm yết cổ phiếu tại  HOSE
Nghị quyết về việc triển khai niêm yết cổ phiếu BSR tại HOSE

Trước đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 01/2024/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF vào ngày 27/5/2024. Qua đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xoá thành công khoản nợ quá hạn 1.127 tỷ đồng với công ty trên.

Căn cứ theo đó, trên Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn hạch toán kế toán khoản đầu tư này thành khoản “đầu tư góp vốn vào đơn vị khác” thay vì “đầu tư vào công ty con”, do không còn quyền kiểm soát tài sản đối với BSR-BF (tài sản sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ theo phán quyết của tòa án). Do đó trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, những khoản nợ vay quá hạn thanh toán liên quan đến BSR-BF cũng sẽ được ghi giảm tương ứng (1.127 tỷ đồng).

Việc để BSR-BF phá sản sẽ giúp BSR tháo gỡ nút thắt cuối cùng trong 9 điều kiện chuyển sàn là không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm. Từ đó, đáp ứng toàn bộ 9 tiêu chí để niêm yết cổ phiếu BSR trên sàn HoSE.

Theo đó, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định việc niêm yết trên HoSE đóng vai trò quan trọng giúp BSR tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn. Không chỉ vậy, BSC cũng đề cập đến khả năng cổ phiếu này sẽ lọt vào chỉ số VN30 sau khi niêm yết trên HoSE đủ 6 tháng, do đã đáp ứng đủ 4 tiêu chí là tỷ lệ free-float, thanh khoản, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch.

Hiện, ban lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn kỳ vọng cổ phiếu BSR sẽ chính thức được niêm yết trên HoSE trong cuối năm 2024 hoặc ngay đầu năm 2025.

Lọc hoá dầu Bình Sơn có gì trước thềm lên HOSE?

Về kết quả kinh doanh, 7 tháng đầu năm 2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã sản xuất khoảng 3,5 triệu tấn sản phẩm và tiêu thụ 3,3 triệu tấn. Qua đó, BSR ghi nhận tổng doanh thu 63 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 6,5 nghìn tỷ đồng. Với các kết quả trên, BSR đã hoàn thành vượt mức tất cả các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra trong 7 tháng đầu năm 2024.

Đặc biệt, BSR cũng đã hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần 5 NMLD Dung Quất thành công. Đồng thời, BSR cũng thử nghiệm tăng công suất cận biên các phân xưởng CDU, RFCC, KTU. Bên cạnh đó, BSR cũng thử nghiệm, chế biến thành công dầu thô mới là Bunga Orkid với 20%vol và sản xuất thành công 500 tấn sản phẩm mới hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035.

Trước đó, trong báo cáo tài chính quý 2/2024, doanh thu của BSR đạt hơn 24,4 nghìn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 27%. Trừ đi giá vốn, lãi gộp còn 498 tỷ đồng, giảm 58%. Dù doanh thu tài chính vẫn ở mức cao, trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đi lùi, mức rơi của lãi gộp vẫn khiến BSR chịu ảnh hưởng lớn. Sau cùng, BSR lãi ròng 768 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.

Doanh thu và lợi nhuận BSR
Doanh thu và lợi nhuận BSR

Theo BSR, trong tháng 3 và 4/2024, NMLD Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể đợt 5, gây ảnh hưởng đến lượng sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá dầu thô diễn biến phức tạp, giá trung bình giảm từ 90.15 USD/thùng tại tháng 4 còn 82.61 USD/thùng vào tháng 6. Cracking spread cũng giảm so với cùng kỳ, dẫn đến kết quả kinh doanh đi lùi.

Lũy kế 6 tháng, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu 55 nghìn tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,7% về 3,2%. Doanh thu tài chính ổn định, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh, chi phí quản lý tăng không đáng kể. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế công ty vẫn giảm 36% xuống 1,88 nghìn tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty hoàn thành tương ứng 58% mục tiêu doanh thu và vượt 64% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản BSR đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tiền gửi ngắn hạn khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,8 nghìn tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Dư nợ vay tài chính ở mức 14,88 nghìn tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng.

Trước thông tin BSR sắp chuyển nhà sang HOSE, cổ phiếu BSR tiếp đà tăng với chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp tăng nhẹ 0,4% lên 23.500 đồng/cp khi kết phiên 13/8. Thanh khoản đạt gần 14 triệu đơn vị, tăng gần gấp đôi so với phiên liền trước (7,6 triệu đơn vị). Tính từ mức đáy gần nhất 18.000 đồng/cp (giá kết phiên 19/4), giá BSR đã tăng 21%. Tuy nhiên, mức thị giá hiện tại vẫn còn kém khoảng 24% so với đỉnh lịch sử mà cổ phiếu này từng đạt được hồi giữa năm 2022.

Diễn biến giá cổ phiếu BSR
Diễn biến giá cổ phiếu BSR

Với mức giá hiện tại, Lọc hóa dầu Bình Sơn đang là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 23 tính trên toàn thị trường chứng khoán (tại ngày 12/8) với hơn 72.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Nếu tính riêng trên HoSE, vốn hóa Lọc hóa dầu Bình Sơn chỉ xếp sau 19 doanh nghiệp khác.

BSR tổ chức lễ ra mắt sản phẩm mới PP định hình nhiệt TF4035

Ngày 2/7/2024, tại Phân xưởng sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức Lễ ra mắt ...

6 tháng, Lọc hóa dầu Bình Sơn nộp ngân sách Nhà nước hơn 5.700 tỷ đồng

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) khép lại 6 tháng đầu năm 2024 với những chỉ số khả quan, trong đó doanh ...

Đức Anh

Tin liên quan