Chính sách - Đầu tư

Bình Dương đề xuất làm đường sắt đô thị mới, vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng

Tuấn Anh 18/04/2025 14:09

Tuyến đường sắt đô thị số 1 có tổng mức đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng, sẽ khởi công từ năm 2027.

Bình Dương đề xuất đầu tư đường sắt đô thị

Tuyến đường sắt đô thị số 1 có chiều dài chính 29,01 km, đi qua địa bàn 4 thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương là Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Điểm đầu dự án đặt tại ga trung tâm Thành phố mới Bình Dương (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một) và kết thúc tại ga Bến xe Suối Tiên (TP. Dĩ An) – điểm nối với tuyến metro số 1 của TP.HCM (Bến Thành – Suối Tiên).

Tuyến đường sắt đô thị số 1
Bình Dương đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1

Với 19 nhà ga và tốc độ thiết kế 120 km/h, tuyến đường sắt sử dụng công nghệ động lực phân tán EMU, khổ ray tiêu chuẩn 1.435 mm, vận hành trên cao toàn tuyến. Theo UBND tỉnh Bình Dương, đây là tuyến trục chính nhằm kết nối đô thị, dịch chuyển dân cư và tạo động lực phát triển đô thị dọc hành lang từ trung tâm hành chính của tỉnh đến khu vực giáp ranh TP.HCM.

Tuyến đường sắt này còn đóng vai trò kết nối vùng đô thị trung tâm sau khi Bình Dương – TP.HCM – Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập theo định hướng tại Kết luận Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII ngày 12/4/2024.

Tổng mức đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng, đa dạng nguồn vốn

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 56.301 tỷ đồng, trong đó gồm:

  • Giải phóng mặt bằng: 6.679 tỷ đồng
  • Chi phí xây dựng: 20.265 tỷ đồng
  • Thiết bị: 15.287 tỷ đồng
  • Quản lý – tư vấn – chi phí khác: 5.333 tỷ đồng
  • Dự phòng: 8.737 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Dương đề xuất cơ cấu nguồn vốn gồm:

  • Ngân sách tỉnh: 21.654 tỷ đồng (39%)
  • Phát triển theo định hướng TOD (Transit Oriented Development): 23.387 tỷ đồng (41%)
  • Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 11.260 tỷ đồng (20%)

Lộ trình thực hiện

Dự án sẽ được triển khai theo lộ trình gồm 5 giai đoạn chính:

Quý II/2025: Lập và phê duyệt chủ trương đầu tư

Quý II/2025 – Quý II/2026: Lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi

Quý III/2026 – Quý I/2027: Lựa chọn nhà thầu EPC

Quý II/2027 – Quý II/2028: GPMB và chuẩn bị mặt bằng

Quý II/2027 – năm 2031: Thi công xây dựng

Việc tuyến đường đi qua các trục giao thông lớn như Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐX.01 hay Hùng Vương cho thấy tính kết nối liên vùng mạnh mẽ, giúp liên kết hệ thống hạ tầng giao thông giữa đường sắt quốc gia, metro TP.HCM và các tuyến vành đai.

Tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ hình thành hệ sinh thái đô thị mới xung quanh các nhà ga, với khoảng cách trung bình 1,7 km/ga. Đây là tiền đề cho việc phân bổ lại mật độ dân cư, phát triển các khu đô thị vệ tinh và giảm áp lực dân số cho TP.HCM sau khi sáp nhập.

Đặc biệt, các ga kết nối giữa Bình Dương và TP.HCM sẽ tạo ra "vành đai vận chuyển lao động" hiện đại, giảm thời gian đi lại và kích hoạt hàng loạt chuỗi đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bình Dương đề xuất làm đường sắt đô thị mới, vốn đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO