Biến động bất thường ngày đáo hạn phái sinh sẽ khó lặp lại với cơ chế tính giá mới

Vũ Duy Bắc/ĐTCK 27/05/2022 08:02

Sau khi liên tục chứng kiến nhiều phiên biến động mạnh của thị trường cơ sở và phái sinh ngày đáo hạn, cơ quan nhà nước cuối cùng cũng đã ban hành quy định tính giá đóng cửa mới từ ngày 1/6/2022.

Bắt đầu áp dụng cơ chế tính giá trung bình ngày đáo hạn phái sinh từ 1/6

Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã ký Quyết định số 61/QĐ-VSD về việc ban hành Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại VSD thay thế Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 và Quyết định 87/QĐ-VSD ngày 19/7/2018 sửa đổi, bổ sung Quy chế ban hành kèm Quyết định số 96/QĐ-VSD.

Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh được ban hành để phù hợp với các quy định pháp lý mới của Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 158/2020/NĐ-CP cũng như thực tiễn hoạt động của thị trường.

Một số nội dung thay đổi đáng chú ý như, thay đổi phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng (FSP) của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 từ ''là giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng'' thành ''là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục".

Dự kiến sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đầu tiên áp dụng phương pháp tính giá FSP này là VN30F2206 đáo hạn vào ngày 16/6/2022, sau khi Sở giao dịch Chứng khoán đã hoàn tất việc điều chỉnh mẫu Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và công bố thông tin theo quy định.

Nội dung chú ý khác là loại trừ giá giao dịch thỏa thuận khi tính toán mức ký quỹ yêu cầu và tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trong phiên giao dịch cũng như khi tính giá thanh toán hàng ngày theo phương pháp bình quân gia quyền (trong trường hợp không có giá đóng cửa). Thay đổi này sẽ được áp dụng ngay khi Quy chế có hiệu lực.

Về thời điểm áp dụng, để đảm bảo thời gian cho Sở giao dịch Chứng khoán hoàn tất việc điều chỉnh mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và công bố thông tin theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC đối với nội dung liên quan đến phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng (FSP) mới của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, Quy chế mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2022.

Nhiều thị trường phát triển đã áp dụng giá trung bình ngày đáo hạn

Để xác định giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai, thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) quy định đó là giá chỉ số trung bình cộng đơn giản của chỉ số cơ sở trong 30 phút giao dịch cuối cùng trước khi thị trường đóng cửa.

Tại Thái Lan, giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số SET50 là giá trung bình của chỉ số SET50 được lấy trong 15 phút trước khi đóng cửa, sau khi loại đi 3 giá trị lớn nhất và 3 giá trị thấp nhất.

Theo Quy tắc thanh toán bù trừ của Sở giao dịch hợp đồng tương lai Trung Quốc (CFFEX), giá thanh toán cuối cùng hợp đồng tương lai chỉ số CSI 300 là giá trung bình số học của chỉ số CSI 300 trong 2 giờ giao dịch cuối cùng vào ngày giao dịch cuối cùng nhằm ngăn chặn nguy cơ thao túng thị trường. CFFEX được quyền điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán theo điều kiện thị trường.

Tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai được xác định là giá trung bình 5 phút cuối trước khi đóng cửa.

Như vậy có thể thấy, các thị trường phái sinh hợp đồng tương lai của các thị trường đều thường dùng giá trung bình, cũng như kéo dài thời gian tính giá trung bình để hạn chế việc thao túng, cũng như làm giá trong phiên ATC xác định giá tính lời/lỗ ngày đáo hạn.

Với việc Việt Nam chính thức áp dụng cơ chế tính giá trung bình, loại bỏ các giá đột biến và kéo dài thời gian tính giá trung bình từ ngày 1/6/2022, sẽ làm cho việc thao túng khó khăn hơn, cũng như mất nhiều chi phí hơn, sẽ làm các phiên đáo hạn ít biến động bất thường hơn và giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư phái sinh những ngày chuẩn bị đáo hạn.

Biến động thị trường chứng khoán Việt Nam sau các nhip điều chỉnh lớn

Sau khi giằng co tại vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm trong giai đoạn tháng 3-4/2022, VN-Index đã trải qua một nhịp điều chỉnh giảm ...

Đầu tư chứng khoán: Đừng "dành cả thanh xuân để mong hòa vốn"

Có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không thể đúng trong tất cả trường hợp nếu đi lâu dài trên thị trường chứng ...

Giao dịch dựa trên tín hiệu MACD tại thị trường Việt Nam có thực sự hiệu quả?

MACD (Moving Average Convergence/Divergence) là đường trung bình động hội tụ, phân kỳ. Chỉ báo này sử dụng các đường trung bình động để xác ...

      Nổi bật
          Mới nhất
          Biến động bất thường ngày đáo hạn phái sinh sẽ khó lặp lại với cơ chế tính giá mới
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO