Bia Sài Gòn – Sông Lam chia cổ tức, vẫn còn hàng trăm tỷ gửi ngân hàng

Cập nhật: 08:20 | 22/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Bia Sài Gòn – Sông Lam (UPCoM: BSL) giữ nguyên mức chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ bằng năm 2022. Công ty vẫn rủng rỉnh hàng trăm tỷ gửi ngân hàng.

Mới đây, Bia Sài Gòn – Sông Lam đã thông báo chốt ngày 27/5/2024 là hạn chót đăng ký danh sách nhận cổ tức bằng tiền năm 2023 (24/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền). Tỷ lệ thực hiện là 7% (mỗi cổ phiếu nhận 700 đồng), thời gian thực hiện thanh toán vào ngày 17/6/2024.

Với 45 triệu cổ phiếu lưu hành, Bia Sài Gòn – Sông Lam cần 31,5 tỷ đồng để thanh toán hết cho cổ đông. Trong đó, Công ty mẹ là Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận phần lớn số cổ tức này (Sabeco hiện nắm 68,78% cổ phần BSL).

Năm 2022, Bia Sài Gòn – Sông Lam cũng chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 7% cho cổ đông, nhưng chia làm 2 đợt thanh toán. Tính cả giai đoạn 2017 – 2023, Công ty đều đặn chi trả cổ tức mỗi năm cho cổ đông, mức cao nhất là năm 2020 (tỷ lệ 13%).

Bia Sài Gòn – Sông Lam chia cổ tức, vẫn còn hàng trăm tỷ gửi ngân hàng
Bia Sài Gòn - Sông Lam giảm lãi 1 nửa trong quý 1/2024

Về kinh doanh, quý 1/2024, doanh thu của Bia Sài Gòn – Sông Lam tăng 10,4% so với cùng kỳ, ở mức 179 tỷ đồng. Tuy vậy giá vốn tăng cao khiến lãi gộp chỉ còn hơn 4 tỷ đồng, giảm khoảng 1 nửa so với quý 1/2023. Khấu trừ hết chi phí và thuế, BSL lãi ròng hơn 2 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm 2024, chưa bằng 1 nửa so với cùng kỳ.

Quy mô tài sản BSL tăng thêm hơn 30 tỷ đồng sau 3 tháng, lên 689,7 tỷ đồng, do tăng tài sản ngắn hạn. Soi kỹ hơn vào tài sản ngắn hạn, có thể thấy các chỉ số về tiền, hàng tồn kho hay các khoản phải thu đều không có biến động đáng kể, khoản mục tăng mạnh nhất là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Sau 3 tháng, khoản này tăng từ 249,7 tỷ đồng lên 305,8 tỷ đồng. Khoản này được diễn giải là tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng tại các ngân hàng, lãi suất 3,4%/năm.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Công ty tăng thêm hơn 30 tỷ đồng sau quý đầu năm, lên hơn 185,8 tỷ đồng, trong đó 99,9% là nợ ngắn hạn. Nợ vay của Công ty hiện chiếm 103 tỷ đồng và phải trả trong ngắn hạn. Công ty hiện có vốn chủ sở hữu hơn 503,9 tỷ đồng, gồm 450 tỷ đồng vốn góp. Trong đó, Công ty mẹ Sabeco nắm 68,78% vốn góp như đã nêu.

Điểm trừ trong bức tranh tài chính quý 1/2024 của BSL là dù ghi nhận có lãi, nhưng dòng tiền kinh doanh bị âm đến 34,2 tỷ đồng, cho thấy Công ty đang bị khách hàng chiếm dụng vốn (cùng kỳ âm hơn 1 tỷ đồng). Để bù đắp dòng tiền, Công ty tích cực đi vay, với việc đã vay thêm 178 tỷ đồng trong quý 1/2024.

Ở 31/3/2024, tiền và tương đương tiền của Công ty ở mức 29,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt trong ‘két’ chỉ hơn 360,8 triệu đồng, còn lại 28,7 tỷ đồng là gửi ngân hàng. Công ty còn 305,8 tỷ đồng gửi ngân hàng, là khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn như đã đề cập ở trên.

Bia Sài Gòn – Sông Lam là một trong số các doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn tại tỉnh Nghệ An. Chỉ riêng quý 1/2024, Công ty đã nộp hơn 242,2 tỷ đồng các khoản thuế, phí, trong đó có 211,7 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây cũng là công ty có vốn điều lệ cao thứ 2 trong số 26 công ty con của Sabeco, ngang với Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (450 tỷ đồng) và chỉ xếp sau Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (700 tỷ đồng).

Doanh nghiệp ngành bia - công ty liên kết của Sabeco sắp “gia nhập” UPCoM: Nỗ lực giảm nợ để “chào sàn”

Ngày 12/12 tới đây, Sabibeco - công ty liên kết của “đại gia” ngành bia Sabeco, cũng là chủ thương hiệu bia Sagota và nước ...

Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB): Doanh thu sụt giảm nhưng vẫn vượt 117% kế hoạch lợi nhuận

Rút kinh nghiệm 2022 với gánh nặng chi phí, Bia Sài Gòn - Miền Trung đặt kế hoạch 2023 về lợi nhuận trước thuế 90 ...

Cổ phiếu SAB (Sabeco) về vùng đáy, tỷ phú người Thái có ôm "trái đắng"?

Với thị giá gần vùng đáy như hiện tại, giá trị vốn hoá của Sabeco đang ngày càng cách xa nhóm doanh nghiệp vốn hoá ...

Cao Thái

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm