Bị lừa 12 tỷ đồng khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping

Cập nhật: 16:50 | 26/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, Dropshipping được rất nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn vì sự tinh gọn của mô hình này. Tuy nhiên, mới đây lại có thêm một nạn nhân bị chiếm đoạt 12 tỷ đồng khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping qua ứng dụng “Supply Helper”.

Công nghệ phát triển, các đối tượng gian lận cũng liên tục thay đổi các phương thức mới để đánh lừa người tiêu dùng thông qua mạng xã hội, điện thoại di động và các nền tảng trực tuyến khác. Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội cũng đã cảnh báo tình trạng lừa đảo khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping.

Đây là hình thức bán lẻ, mà người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho. Thay vào đó, người bán chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm. Đối tượng lợi dụng mô hình kinh doanh này để dụ dỗ nhiều nạn nhân tham gia, sau đó chiếm đoạt tiền của “người bán hàng”.

Mới đây, thêm một nạn nhân bị chiếm đoạt 12 tỷ đồng khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping qua ứng dụng “Supply Helper”. Cụ thể, chị H (trú tại Hà Nội) cho biết, có quen biết đối tượng giới thiệu bán hàng online và được khoe vừa lãi 80 triệu sau khi bán được 02 chiếc đồng hồ qua ứng dụng “Supply Helper” (đường dẫn https//web.supplyshopsb.com).

Bị lừa 12 tỷ đồng khi tham gia mô hình kinh doanh Dropshipping

Phần mềm lừa đảo “Supply Helper”

Thấy lợi nhuận lớn, chị H đã tải ứng dụng này để kinh doanh. Khi khách hàng đặt hàng, chị H phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển cho các đối tượng. Sau khi khách hàng nhận được tiền, chị H sẽ nhận lại được tiền gốc và 18% tiền lãi. Đơn hàng đầu tiên, chị H nạp 511,28 USD, lãi 61,35 USD. Chị nhận được đầy đủ tiền hàng và lãi. Sau đó, chị tiếp tục đặt 46 đơn hàng, rút được tiền của một số đơn hàng. Khi số tiền nạp mua đơn hàng là 12 tỷ đồng, các đối tượng đã chặn liên lạc với chị H và không cho rút tiền. Lúc này chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Trước đó, Công an thành phố Hà Nội đã thông tin về một vụ việc lừa đảo liên quan đến mô hình kinh doanh này. Chị N tìm kiếm công việc bán hàng mới trên mạng nên đã chủ động nhắn tin vào trang “Taobaovn Store” và được trang cho mã vạch Zalo của nhân viên hỗ trợ.

Chị N tạo cửa hàng và chọn sản phẩm trên trang Taobao muốn bán. Có đơn khách đặt hàng, chị N phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng các đối tượng cung cấp và quy đổi thành tiền Việt và chuyển cho các đối tượng.

Khi số lượng đơn hàng khách đặt quá lớn, chị N không đủ khả năng tài chính để thanh toán nên muốn rút vốn nhưng được yêu cầu phải thanh toán tất cả các đơn hàng mới được hoàn vốn. Các đối tượng lấy các lý do: “thanh toán đủ các đơn”, “đạt doanh thu 10.000 USD”, “ủng hộ trẻ em nghèo”… để yêu cầu chị N nộp thêm tiền. Chị đã chuyển cho các đối tượng và bị chiếm đoạt 340 triệu đồng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, khuyến cáo: Người bán hàng online thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh dropshiping và thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Thận trọng khi đứng trước cơ hội nhận được lợi nhuận lớn nhờ vào các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Dropshipping là gì?

Trong thời gian gần đây, phương pháp kinh doanh online dropshipping được giới thiệu với những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn như “xây dựng hệ thống kinh doanh dropshipping tự động với số vốn 0 đồng”, “khởi nghiệp 0 đồng chinh phục triệu đô”,... thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những ai đang có ý định kinh doanh online.

Dropshipping là hình thức bán lẻ mà người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho, thay vào đó người bán chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm. Người bán hàng chỉ cần chú tâm vào quảng bá sản phẩm, những việc còn lại đơn vị cung cấp sản phẩm phụ trách.

Minh họa cho mô hình kinh doanh dropshipping
Minh họa cho mô hình kinh doanh dropshipping

Khi khách hàng đặt mua sản phẩm, các nhà bán lẻ sẽ thông báo cho đối tác dropshipping - nhà sản xuất hoặc nhà bán buôn, những đơn vị này sẽ đóng gói và vận chuyển sản phẩm cho khách hàng. Đối tác vận chuyển sẽ tính phí cho từng đơn hàng.

Dropshipping được rất nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn vì sự tinh gọn của mô hình này như giảm đáng kể các khoản chi phí mặt bằng, nhà xưởng, nhân viên, vận hành (đóng gói, gửi hàng).... Tuy nhiên, cũng chính hình thức tiện lợi này đã bị đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi. Đặc biệt, các đối tượng thường bị nhắm đến là những người đang có ý định kinh doanh online, mẹ bỉm sữa muốn kiếm thêm thu nhập,...

Vậy để tránh rơi vào những trường hợp bị lừa đảo, những ai đang có ý định kinh doanh online cần lưu ý những khuyến cáo sau:

Doanh nghiệp phải được cấp phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Có trụ sở chính và quy mô tương đối.

Quy trình làm việc rõ ràng, nhất là về sản phẩm (tất cả các sản phẩm đều phải chính hãng, có giấy tờ công khai rõ ràng minh bạch).

Có cộng đồng đủ lớn để tham khảo cũng như lấy feedback.

Cơ chế chính sách trả hoa hồng rõ ràng.

Cảnh báo mạo danh Amazon để lừa đảo tại Việt Nam

Hiện, có những đối tượng mạo danh Amazon để thực hiện hành vi gây tổn hại đến người tiêu dùng, bằng chương trình đầu tư ...

Cảnh giác thủ đoạn giả mạo sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy để trục lợi

Trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đang không ngừng phát triển mạnh mẽ, là kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu ...

Cần bổ sung chế tài xử lý hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng” trên sàn thương mại điện tử

Các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận thay ...

Anh Vũ