Bí kíp nào giúp doanh nghiệp bất động sản trên sàn niêm yết vượt “bão” Covid?

Cập nhật: 15:47 | 11/06/2021 Theo dõi KTCK trên

“Cái khó ló cái khôn”, nhiều chuyên gia, CEO cho rằng trong khó khăn vẫn có những cơ hội sáng để các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán vượt “bão Covid” thành công. Để biến thách thức thành cơ hội, các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải tuân thủ và vận dụng chặt chẽ chuỗi các giải pháp căn cơ.

Bí kíp nào giúp doanh nghiệp bất động sản trên sàn niêm yết vượt “bão” Covid?
Một dự án bất động sản công nghiệp của Công ty Cổ phần bất động sản EZ Việt Nam chuẩn bị được triển khai trong bối cảnh dịch Covid vẫn chưa kết thúc.

Trao đổi với Kinh tế chứng khoán Việt Nam, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, dịch bệnh khiến nền kinh tế nói chung gặp khó khăn tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít doanh nghiệp bất động sản hoạt động tốt, có lãi lớn. Sở dĩ có điều này là do các doanh nghiệp đó tận dụng được cơ hội trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đổ vào đầu tư một số mảng bất động sản có tính ổn định cao như đất nền, nhà phố, bất động sản công nghiệp.

Theo vị CEO doanh nghiệp này, để chống chọi và trụ vững được trước tác động tiêu cực từ dịch bệnh tới hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản thì việc phản ứng mau lẹ của lãnh đạo đóng vai trò quyết định.

Tùy với từng doanh nghiệp hoạt động trong mảng cụ thể mà có thể có những phương án điều chỉnh khác nhau. Trong số này có những mảng ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid gồm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, mảng cho thuê nhà ở, văn phòng làm việc, chung cư...

Trước hết theo ông Toản, doanh nghiệp cần đánh giá lại tổng quan mảng hoạt động để xem mở rộng, thu hẹp mảng nào để giảm thiệt hại. Với những dự án đang đầu tư dở dang có thẻ giãn tiến độ đầu tư, phân bổ nguồn vốn đầu tư dài hạn để tránh áp lực lớn về tài chính. Riêng những dự án chưa hoặc đang giai đoạn đầu tư thì xem xét tạm dừng.

Thứ hai, doanh nghiệp cần cắt giảm các chi phí; loại bỏ những mảng kinh doanh mở rộng không hiệu quả; sắp xếp lại cơ cấu lương, thưởng. Có thể xem xét thành lập quỹ dự phòng lương trên cơ sở khoản tiết giảm đề phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới dòng tiền và hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.

“Trong bức tranh tổng thể ko chỉ có màu tối mà có cả những điểm sáng, đây cũng là giai đoạn thanh lọc, một số doanh nghiệp sẽ phải bán dự án, tài sản của mình nhưng cũng có những doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra một số doanh nghiệp mới cũng gia nhập thị trường với nguồn lực từ mảng tài chính ngân hàng”, ông Toàn nhận định.

Mặc cho dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, hiện EZ vẫn tập trung đầu tư một số dự án đất nền ở các tỉnh, ngoài ra đang triển khai 2 dự án cụm công nghiệp tại Hà Nam và 2 dự án sinh thái tại Hoà Bình.

Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, sau khi Covid xuất hiện và càn quét nền kinh tế, bất động sản cũng chịu chung số phận. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và nhà đầu tư có góc nhìn thực tế về thị trường trong điều kiện bất khả kháng.

Báo cáo thị trường bất động sản nửa đầu năm 2020 của Savills cho thấy, tại một số phân khúc, Covid-19 có ảnh hưởng rõ rệt khi định hình lại thị trường, tạo ra các xu hướng mới, hoặc tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các bên. Từ đó, bà Hằng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp cần tập trung vào 3 yếu tố trọng tâm sau đây.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố pháp lý. Pháp lý tốt sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn bất khả kháng như đại dịch và phát triển bền vững. Pháp lý rõ ràng sẽ hỗ trợ cho tính thanh khoản của sản phẩm.

Thứ hai, doanh nghiệp cần phải tính đến yếu tố chiến lược dành cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Doanh nghiệp cần rà soát lại các khâu, từ những dòng sản phẩm không còn phù hợp để loại bỏ, các nhóm đối tượng khách hàng, các phân khúc ở từng địa bàn mà doanh nghiệp có thể khai thác…

Thứ ba, cần phải coi trọng yếu tố hoàn thiện hóa hệ sinh thái của dự án, như phát triển thêm các dòng sản phẩm, tiện ích mới, những sản phẩm tích hợp các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính an toàn, hoặc có nguồn cầu lớn mà chưa được thử nghiệm khai thác, như sản phẩm chăm sóc người già kết hợp nghỉ dưỡng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Sơn, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TNS Holdings, cho rằng, qua các đợt dịch bệnh bùng phát và hoành hành, người tiêu dùng đặc biệt chú ý vào yếu tố môi trường sống, chăm lo sức khỏe cá nhân. “Chưa bao giờ tiêu chí sống xanh, an toàn được nâng cao như lúc này”, ông Sơn khẳng định. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản trước khi triển khai dự án cần nghiên cứu thật kỹ về xu hướng của người dùng, khách hàng; phải nắm bắt được tâm lý của họ từ khi họ nghiên cứu dự án đến khi quyết định mua và sống tại dự án.

Cũng theo vị này, Covid-19 làm cho tiến trình triển khai các dự án chậm lại nhưng cũng là dịp để các chủ đầu tư xem xét việc phát triển áp dụng công nghệ 4.0 vào việc hỗ trợ bán sản phẩm, quản lý vận hành bất động sản…

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, dịch bệnh cũng là thời điểm để các doanh nghiệp bất động sản “tĩnh lại”, không phát triển ồ ạt mà nhìn lại mình, nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng, để thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, chú trọng phát triển phân khúc đáp ứng nhu cầu thực sự người tiêu dùng. Các chiến lược tiếp cận và giữ chân khách hàng cũng cần được chú trọng hơn, thay vì chỉ bán hàng ồ ạt, đặt lợi nhuận lên trên hết như xu hướng trước đây.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ

Nam Phúc

Tin cũ hơn
Xem thêm