Bị kiện chống bán phá giá: nguy cơ mất thị trường

Cập nhật: 16:37 | 25/11/2016 Theo dõi KTCK trên

Trong thời gian gần đây, có không ít vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cho thấy doanh nghiệp khó thoát bị áp thuế cao và chịu nguy cơ mất thị trường, mặc dù họ đã nỗ lực tham gia hỗ trợ điều tra.

bi kien chong ban pha gia nguy co mat thi truong


Ngày càng nhiều hàng hóa Việt Nam bị kiện

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trước đây, từ năm 2000-2013, trung bình mỗi năm có 5 vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM - gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2014 và 2015, số vụ kiện lần lượt là 13 và 14.

Riêng trong 10 tháng đầu năm nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 10 vụ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Theo đó, tính đến cuối tháng 10-2016, tổng số vụ điều tra chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp và tự vệ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là 105 vụ, trong đó có 66 vụ điều tra CBPG, chiếm 63% tổng số các vụ kiện.

Cho đến nay, đã có 17 nước khởi kiện Việt Nam, đứng đầu là Mỹ với 19 vụ, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (14 vụ), Ấn Độ (14 vụ), Liên hiệp châu Âu - EU (12 vụ), Úc (7 vụ), Brazil (7 vụ), Canada (6 vụ), Thái Lan (6 vụ), còn lại là các thị trường khác.

Theo luật sư Nguyễn Hải (luật sư thuộc nhóm chính phủ và thương mại toàn cầu của Công ty Mayer Brown), các vụ kiện CBPG có xu hướng gia tăng trong thời gian qua chủ yếu do các nước, trong đó có Việt Nam, tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) làm cho các hàng rào thuế quan dần dần được dỡ bỏ. Điều này khiến các ngành công nghiệp nội địa tại các quốc gia mất đi công cụ bảo hộ và tìm đến các biện pháp PVTM như là biện pháp khả dĩ thay thế.

Ngoài ra, kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, chững lại và có dấu hiệu đi xuống. Những năm trước đây, Trung Quốc đầu tư quá mức cho các ngành công nghiệp như công nghiệp thép, lượng cung dư thừa dẫn đến sức ép phải bán phá giá cũng tạo động lực cho các quốc gia tiến hành các vụ kiện PVTM để hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, số liệu thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho thấy thép là sản phẩm bị nước ngoài kiện áp dụng biện pháp CBPG nhiều nhất. Tính đến hết tháng 5-2016, có tổng cộng 25 vụ kiện PVTM đối với sản phẩm thép của Việt Nam (gồm 18 vụ kiện CBPG), trong đó các vụ kiện xuất phát từ các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia.

Một khi bị áp thuế CBPG, doanh nghiệp thường đối mặt với việc suy giảm lợi nhuận, giảm lợi ích đáng lẽ ra phải được nhận từ các cam kết mở cửa của các FTA, và buộc phải chuyển hướng thị trường, thậm chí đối mặt với khả năng bị kiện domino từ các nước khác.

Ngoài ra, trước đây, hàng hóa Việt Nam bị nước ngoài kiện áp dụng biện pháp PVTM thường là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu, như thép, giày dép, sợi..., nhưng phạm vi sản phẩm bị kiện ngày càng rộng và đa dạng, bao gồm cả những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp như bật lửa, gạch, máy chế biến nhựa, đá granite...

Số vụ kiện chống lẩn tránh thuế, kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng kiện theo), và kiện kép (kiện đồng thời CBPG và chống trợ cấp) cũng có xu hướng tăng cao.

Bị kiện là đối mặt nguy cơ mất thị trường

Theo chia sẻ của bà Phạm Hương Giang, Phó trưởng phòng xử lý các vụ kiện PVTM của doanh nghiệp nước ngoài (Cục Quản lý cạnh tranh) tại một hội thảo diễn ra hồi cuối tháng 6-2016 ở TPHCM, một khi bị vướng vào các vụ kiện PVTM, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đã sụt giảm mạnh do tác động của biện pháp CBPG ở thị trường nước ngoài. Chẳng hạn như Mỹ áp thuế CBPG đinh thép Việt Nam khiến giá trị xuất khẩu giảm từ mức 36 triệu đô la Mỹ vào năm 2014 xuống còn 800.000 đô la Mỹ vào năm 2015. Hay Mỹ áp thuế lên thép chịu lực không gỉ của Việt Nam vào năm 2013 khiến giá trị xuất khẩu giảm từ mức 178 triệu đô la Mỹ trong năm 2013 xuống còn 81 triệu đô la Mỹ vào năm 2015.

Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm một phần ba lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế CBPG với sợi Việt Nam trong vài năm qua khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh và chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc. Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế CBPG từ 19,48-25,25% đối với sản phẩm sợi (yarn of man-made or synthetic or artificial staple fibres) của Việt Nam, trong năm năm bắt đầu từ tháng 8-2014.

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định áp thuế CBPG đối với một mặt hàng sợi khác của Việt Nam là sợi dún polyester filament (DTY) với mức thuế khá cao, từ 34,81-72,56%, mặc dù phía công ty Việt Nam, như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đã thuê luật sư và tham gia hợp tác trong vụ kiện.

Ngoài ra, theo bà Phạm Hương Giang, khi bị kiện, doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại về tài chính, trong đó, chi phí thuê luật sư nước ngoài trung bình vào khoảng 300.000-400.000 đô la Mỹ/vụ. Bên cạnh đó, khi trả lời các câu hỏi của cơ quan điều tra nước ngoài, doanh nghiệp cũng chịu chi phí dịch thuật tài liệu sang ngôn ngữ cơ quan điều tra yêu cầu, chi phí in ấn, thu thập tài liệu, chi phí nhân lực...

Một khi bị áp thuế CBPG, doanh nghiệp thường đối mặt với việc suy giảm lợi nhuận, giảm lợi ích đáng lẽ ra phải được nhận từ các cam kết mở cửa của các FTA, và buộc phải chuyển hướng thị trường, thậm chí đối mặt với khả năng bị kiện domino từ các nước khác. Trong thời gian qua, nhiều công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam sau khi bị áp thuế đã chấm dứt hoạt động, chuyển sang xây dựng nhà máy tại các nước khác.

Các vụ việc điều tra CBPG mang tính kỹ thuật phức tạp và còn xa lạ với phần đông doanh nghiệp Việt Nam. Việc một doanh nghiệp duy trì sổ sách rõ ràng, minh bạch như doanh nghiệp niêm yết chỉ có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tham gia vụ việc chứ không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó có thể làm tốt các công việc liên quan đến vụ việc. Theo luật sư Nguyễn Hải, sự chủ động tham gia vào các vụ điều tra của doanh nghiệp không phải là yếu tố quyết định thành công. Việc doanh nghiệp có được mức thuế tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: “Tuy việc tham gia có thể thành công cũng có thể thất bại, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan (thông tin giá bán/chi phí) cũng như chủ quan (chất lượng luật sư tư vấn, nhân sự tham gia vụ việc). Nhưng nếu không tham gia, doanh nghiệp được đảm bảo chắc chắn một kết quả thất bại!”.



Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin liên quan