BCTC quý II PGBank: Hoạt động dịch vụ sụt giảm 60%, lỗ chục tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối

Cập nhật: 11:17 | 21/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 khi lợi nhuận trước thuế gần như đi ngang so với cùng kỳ. Đáng nói, chi phí từ hoạt động của nhà băng này tăng mạnh gần gấp đôi, trong khi hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận khoản lỗ 11 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PGB diễn biến khá èo uột, so với vùng đỉnh hồi đầu năm, mã này cũng đã mất khoảng 23% giá trị.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - UpCoM: PGB) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Theo đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm nhẹ 3,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm mạnh tới 23% giúp thu nhập lãi thuần của PGBank tăng 28% so với cùng kỳ, lên 437 tỷ đồng.

Riêng quý II/2024, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Tính riêng quý II/2024, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh đến gần 60% từ hoạt động dịch vụ do chi phí từ hoạt động này tăng gần gấp đôi lên 19 tỷ đồng, trong khi thu nhập chỉ tăng nhẹ 1 tỷ đồng. Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng không mấy khả quan khi PGBank báo lỗ 11 tỷ đồng.

Trong quý II/2024, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 255 tỷ đồng. Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lần lượt đạt 201 tỷ đồng và 103 tỷ đồng, tăng 12,3% và 115%. Sau khi khấu trừ chi phí, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng nhẹ 0,6% so với quý II năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt gần 268 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ. So với mục tiêu đạt 554 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 (tăng 58% so với năm 2023) được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 thông qua, PGBank đã hoàn thành 48% kế hoạch đề ra.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 59.715 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 36.342 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2023. Tiền vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và chứng khoán đầu tư lần lượt đạt 18.490 tỷ đồng và 2.597 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của PGBank tăng hơn 4.000 tỷ đồng, lên 54.675 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiền gửi khách hàng tăng 4,7%, đạt 37.392 tỷ đồng. Theo sau là tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác với 15.857 tỷ đồng.

BCTC quý II PGBank: Hoạt động dịch vụ sụt giảm 60%, lỗ chục tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối
Tổng nợ phải trả của PGBank tăng hơn 4.000 tỷ đồng, lên 54.675 tỷ đồng

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PGB diễn biến khá èo uột với thanh khoản mỗi phiên khá thấp. Trong 6 phiên gần nhất, mã náy có đến 2 phiên giảm giá, 3 phiên đứng tham chiếu và chỉ 1 phiên tăng nhẹ. Chốt phiên giao dịch ngày 19/7/2024, cổ phiếu của PGBank giảm 1,18% xuống mức 16.800 đồng/cp với khối lượng giao dịch chỉ vỏn vẹn 6.568 đơn vị. Nhìn rộng ra, nếu so với vùng đỉnh gần nhất thiết lập được vào ngày 19/2/2024 là 21.800 đồng/cp, hiện tại cổ phiếu PGB đã mất khoảng 23% giá trị. Trong khi đó, các cổ phiếu cùng ngành khác đã tăng mạnh, thậm chí có mã đã tăng vượt đỉnh.

BCTC quý II PGBank: Hoạt động dịch vụ sụt giảm 60%, lỗ chục tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối
So với vùng đỉnh gần nhất thiết lập được vào ngày 19/2/2024 là 21.800 đồng/cp, hiện cổ phiếu PGB đã mất khoảng 23% giá trị

Ở diễn biến liên quan, vào ngày 5/7/2024 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt đối với Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).

Theo văn bản xử phạt, PGB đã công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu: Nghị quyết ngày 20/10/2023 về việc thay đổi nhân sự; Nghị quyết ngày 25/5/2023 về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật; Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu 2022; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán 2022; Nghị quyết ngày 1/1/2022 và 1/1/2023 về việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan.

Với hành vi này, PGB bị xử phạt 65 triệu đồng.

Ngoài ra, PGB bị phạt thêm 65 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định. Cụ thể, theo thuyết minh BCTC kiểm toán 2022 và 2023, PGB phát sinh giao dịch với các bên liên quan là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX), nhưng tại Báo cáo tình hình quản trị công ty 2022 và 2023, Ngân hàng đã công bố không đầy đủ về giao dịch với đối tượng nêu trên theo quy định.

Bên cạnh đó, PGB đã không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong BCTC 2022 và 2023 của công ty, và trong báo cáo ĐHĐCĐ thường niên. Với vi phạm này, PGB bị phạt thêm 27,5 triệu đồng.

Như vậy, tổng cộng số tiền phạt là 157,5 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

PGBank bị UBCKNN phạt nặng vì dính loạt vi phạm

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng TMCP Thịnh ...

PGBank liên tiếp muốn tăng vốn sau hơn 1 thập kỷ “im hơi”

Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) vừa thông qua nghị quyết triển khai thực hiện ...

Biến động nhân sự tại PGBank

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - UPCOM: PGB) vừa công bố nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc ...

PV