BCG Energy làm ăn ra sao trước khi lên UPCOM và tham vọng góp mặt trên sàn chứng khoán Mỹ?

Cập nhật: 12:22 | 25/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 23/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đã chấp thuận cho 730 triệu cổ phiếu BGE của Công ty CP BCG Energy – thành viên Tập đoàn Bamboo Capital giao dịch trên UPCoM.

Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu BGE trên UPCoM là 31/7/2024. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.600 đồng/cp, biên độ dao động +/- 40%. Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 730 triệu cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt 11.388 tỷ đồng.

BCG Energy làm ăn ra sao trước khi lên UPCOM và tham vọng góp mặt trên sàn chứng khoán Mỹ?

BCG Energy bắt đầu làm thủ tục IPO từ năm 2023. Ngày 20/5/2024, BCG Energy chính thức trở thành công ty đại chúng, sau đó được Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) cấp mã chứng khoán BGE vào ngày 18/6/2024. Việc giao dịch trên UPCoM ngày 31/7 tới đây là cột mốc quan trọng trong hành trình trở thành công ty niêm yết chính thức của BCG Energy.

Tham vọng lên Nasdaq

Trước đó, Hội đồng quản trị BCG Energy đã có tờ trình lên đại hội đồng cổ đông về chủ trương đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq (Mỹ). Như vậy, ngoài VinFast đã niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq và VNG còn đang "loay hoay", đến nay mới có thêm BCG Energy có tham vọng vươn ra thế giới.

Tờ trình đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch Nasdaq tại đây

Tuy nhiên, việc đăng ký giao dịch trên Nasdaq không phải là chuyện dễ. Để được niêm yết trên sàn chứng khoán hàng đầu này, ngoài việc tuân thủ các bộ quy tắc quản trị thị trường chung, doanh nghiệp phải đáp ứng được các hàng loạt tiêu chí về tài chính như không có lỗ ròng trong 3 năm gần nhất, tổng thu nhập trước thuế trong 3 năm đạt ít nhất 11 triệu USD, dòng tiền tổng hợp trong 3 năm gần nhất tối thiểu 27,5 triệu USD và không có dòng tiền âm…

BCG Energy được thành lập vào năm 2017, là công ty trụ cột mảng năng lượng của Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG). Hiện nay, công ty đang có vốn điều lệ là 7.300 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 10.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng. Công ty đang vận hành khoảng 600 MW điện mặt trời và là doanh nghiệp năng lượng tái tạo trong top 3 của Việt Nam.

BCG Energy sẽ là doanh nghiệp thứ 5 trong hệ sinh thái Bamboo Capital lên sàn chứng khoán, bên cạnh tập đoàn mẹ – Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG), Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận Tải (Tracodi – HOSE: TCD), Công ty CP Dược Tiền Giang – Tipharco (HNX: DTG) và Công ty CP BCG Land (UPCOM: BCR).

Tính đến cuối quý 3/2023, tỷ lệ sở hữu của BCG tại BCG Energy được duy trì ở mức 82,18%. Vào ngày 27/12/2023, BCG Energy đã tiến hành tăng vốn điều lệ lên gấp rưỡi, từ 4.500 tỷ đồng lên 7.300 tỷ đồng. Bamboo Capital không tham gia đợt tăng vốn này của BCG Energy, tỷ lệ sở hữu giảm mạnh từ 82,18% về còn 50,66%.

Đến ngày 11/6/2024, bằng phương pháp chuyển nhượng ngoài hệ thống, Bamboo Capital đã bán ra 21,5 triệu trong số 26,5 triệu cổ phiếu BCG Energy đã đăng ký, hạ sở hữu tại công ty này xuống còn 348,3 triệu cổ phần, tương đương 47,71% vốn điều lệ BCG Energy.

Lý do không hoàn tất giao dịch được Bamboo Capital cho biết là “số lượng bán ra đã đáp ứng đủ nhu cầu tài chính”.

BCG Energy làm ăn ra sao trước khi lên UPCOM và tham vọng góp mặt trên sàn chứng khoán Mỹ?

Ngoài ra, ông Nguyễn Hồ Nam (Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital) và bà Huỳnh Thị Kim Tuyết ủy quyền biểu quyết tại BCG Energy cho Bamboo Capital với số lượng lần lượt là 6 triệu cổ phần (0,82%) và 21 triệu cổ phần (2,88%). Sau khi nhận ủy quyền, Bamboo Capital nắm quyền kiểm soát tại BCG Energy với tổng quyền biểu quyết là 51,41%.

Chi tiết bản công bố thông tin của BCG Energy (BGE) tại đây.

Lỗ trăm tỷ trong năm 2023

Về kết quả kinh doanh, năm 2023, kết quả kinh doanh của BCG Energy đạt doanh thu thuần ở mức 1.125,6 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu điện mặt trời và chỉ hoàn thành 79,3% kế hoạch đề ra, chủ yếu đến từ việc các chính sách mua bán điện, chính sách giá cho năng lượng tái tạo chưa được Nhà nước phê duyệt.

Tuy nhiên, BCG Energy đã lỗ thuần 186 tỷ đồng và lỗ sau thuế 152 tỷ đồng trong năm 2023, không hoàn thành được kế hoạch đề ra trước đó là 273 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

BCG Energy (BGE) kinh doanh ra sao trước khi lên UPCoM
Nguồn. BGE

Theo giải trình, lợi nhuận của Công ty ghi nhân âm, chủ yếu do hai nguyên nhân:

Thứ nhất, đánh giá chênh lệch tỷ giá đối với các khoản vay bằng USD với tổng dư nợ khoảng 140 triệu USD đã gây ra mức lỗ chưa hiện thực hóa.

Thứ hai, các chi phí tài chính phát sinh một lần liên quan đến các gói tài trợ tài chính quốc tế như chi phí tư vấn thu xếp vốn và chi phí thẩm định. Ngoài ra, do ảnh hưởng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mà một số dự án của Công ty đưa vào vận hành chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất điện và kết quả kinh doanh của Công ty trong năm 2023.

Tính đến cuối 2023, tổng tài sản của công ty năng lượng tái tạo này là 19.036 tỷ đồng, trong đó hơn 60% là tài sản dài hạn. Nợ phải trả chiếm 9.300 tỷ đồng.

Đến quý 1/2024, BCG Energy ghi nhận doanh thu thuần 320,4 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức 152 tỷ đồng, tăng 32%.

Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính gần 138 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Các loại chi phí đều được tiết giảm, trong đó chi phí tài chính giảm 25% còn hơn 250 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, công ty còn ghi nhận lãi 2,7 tỷ đồng trong công ty liên kết, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế ở mức 65,4 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều khoản lỗ ròng hơn 73 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2023.

Năm 2024, BCG Energy đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 513 tỷ đồng. Như vậy, công ty hoàn thành 12,7% chỉ tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.

Tại thời điểm cuối quý 1, tổng tài sản của BCG Energy đạt hơn 19.624 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 25% còn 244 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ lên mức 7.286 tỷ đồng.

Về đầu tư tài chính ngắn hạn, công ty phát sinh khoản đầu tư 490 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa ghi nhận là chứng khoán kinh doanh. Tổng giá trị đầu tư góp vốn vào đơn vị khác tăng từ 81 tỷ đồng lên hơn 203 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, do ghi nhận 122,5 tỷ đồng góp vốn vào Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả tăng 5,6% sau ba tháng đầu năm lên mức 9.825,5 tỷ đồng. Công ty phát sinh hơn 98 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn.

Vay nợ tài chính ngắn hạn tăng gần 3% lên mức 1.404 tỷ đồng. Vay nợ dài hạn giảm nhẹ còn gần 4.985 tỷ đồng, với hơn 4.000 tỷ đồng là vay ngân hàng và 500 tỷ đồng vay trái phiếu. Trong số đó có nhiều khoản vay sẽ đáo hạn trong quý II/2024, điển hình là khoản vay ngắn hạn 27 triệu USD tại Công ty TNHH Sembcorp Energy Việt Nam.

Rục rịch chào UPCoM, BCG Energy muốn vay công ty mẹ nhằm bổ sung nguồn vốn

Động thái chào sàn UPCoM là cột mốc quan trọng trong kế hoạch IPO của BCG Energy - một công ty con của Tập đoàn ...

730 triệu cổ phiếu BCG Energy (BGE) sắp lên sàn UPCoM

BCG Energy (BGE) được thành lập vào năm 2017, là công ty phụ trách mảng năng lượng của Bamboo Capital (BCG).

BCG Energy sắp lên UPCoM, hé lộ tham vọng sau cái bắt tay với Chaebol Hàn Quốc

BCG Energy là một trong các công ty thành viên trụ cột của Tập đoàn Bamboo Capital, phụ trách mảng năng lượng tái tạo...

Đức Anh

Tin cũ hơn
Xem thêm