Bất ngờ: Nghị quyết 68 làm nên kỷ lục cho thị trường
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6/2025 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, phản ánh tín hiệu hồi phục mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 2/7, bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho biết, chỉ riêng tháng 6/2025 đã có hơn 24.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là mức cao kỷ lục, tăng 1,5 lần so với bình quân 15.000–16.000 doanh nghiệp/tháng giai đoạn trước, và gấp đôi so với mức trung bình giai đoạn 2021–2024.
“Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 91.000 doanh nghiệp thành lập mới, phản ánh làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ”, bà Hương nhấn mạnh.

Đáng chú ý, cùng với số lượng doanh nghiệp mới, số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong tháng 6 cũng tăng vọt lên hơn 14.000, cao hơn 91% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, có hơn 61.000 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, tăng hơn 57%.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, tổng số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường trong tháng đã cao hơn số doanh nghiệp rút lui, với tỷ lệ hơn 1,2 lần. “Một điểm rất tích cực là vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng hơn 170% so với cùng kỳ 2024”, bà Hương cho biết thêm.
Không chỉ doanh nghiệp, số hộ kinh doanh đăng ký mới trong tháng 6 cũng tăng mạnh, với mức tăng hơn 118% so với cùng kỳ và 60% so với tháng trước. Mức tăng này cao gấp 24 lần so với tốc độ tăng trung bình hàng tháng của hai năm gần đây.

Đại diện Bộ Tài chính đánh giá những con số trên phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi kinh tế. Đặc biệt, hiệu ứng từ Nghị quyết 68 đang được thể hiện rõ trong thực tiễn, khi các chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân từng bước đi vào cuộc sống.
Với hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tới 82% tổng số lao động.
Nghị quyết 68 – được Bộ Chính trị ban hành tháng 5/2025 – xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời là lực lượng tiên phong trong ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó tối thiểu 20 doanh nghiệp tư nhân lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 55–58% GDP và chiếm khoảng 84–85% tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, để đạt các mục tiêu trên, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực kinh tế tư nhân phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.