Bảo đảm nhân dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm

Cập nhật: 10:08 | 28/01/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngày 28/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, trong đó tập trung bàn việc ưu tiên phòng, chống dịch, bảo đảm nhân dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm; làm tốt công tác an sinh xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người mọi nhà đều có Tết.

0605-thu-tuong-1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 1 có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội, đối ngoại rất quan trọng, đánh giá lại công tác năm trước, đề ra nhiệm vụ giải pháp cho năm nay. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thực hiện chương trình Tết, nhất là thăm hỏi, chúc Tết các gia đình chính sách, hộ nghèo, các lực lượng tuyến đầu, công nhân...

Hầu hết các ban, bộ, ngành, địa phương đã đánh giá công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Chúng ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP để phòng, chống dịch hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm nay. Năm 2022 tiếp nối kết quả tích cực của quý IV/2021, cụ thể là, dịch bệnh được kiểm soát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác; nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh được nối lại, khôi phục chuỗi cung ứng lao động.

0657-thu-tuong-2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Thủ tướng nêu rõ, phiên họp này tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, bàn triển khai công tác tháng 2, quý I và các tháng tiếp theo; hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội vừa qua...

Phiên họp cũng tập trung bàn việc ưu tiên phòng, chống dịch, bảo đảm nhân dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm; làm tốt công tác an sinh xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người mọi nhà đều có Tết.

Thủ tướng chỉ đạo, có rất nhiều việc phải làm tốt, liên tục ngay cả trong Tết, bảo đảm triển khai tích cực công việc ngay từ những ngày đầu năm mới sau Tết Nguyên đán, không để tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi".

0716-thu-tuong-3
Toàn cảnh phiên họp.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 tăng 2,4 % so cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%. Trong tháng 1, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao nhất từ trước đến nay, tăng 28,9% và 194% so cùng kỳ, thể hiện kỳ vọng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng năm 2022; quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh và các chính sách, giải pháp hỗ trợ đã ban hành tác động tích cực tới môi trường đầu tư kinh doanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so tháng trước và tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách ước đạt 165,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15% so tháng trước. Hoạt động dịch vụ tăng cao; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá do thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế và khôi phục một số đường bay. Sức cầu của nền kinh tế đang tăng trở lại, nhất là thời gian gần Tết.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 29,5 tỷ USD tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước; đã giải quyết hiệu quả việc xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ...

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong các tháng cuối năm. Mặc dù năm 2021 có nhiều khó khăn hơn so năm 2020 do đặc thù của năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn, như: cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án như thiết kế lập dự toán, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị nhân công, máy móc, vật liệu... và phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, ảnh hưởng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động... nhưng ước đến ngày 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt, giải ngân các tháng cuối năm tăng mạnh so 6 tháng đầu năm (64,45% kế hoạch cả năm) và cao hơn so cùng kỳ năm 2020 (64,04%).

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy hiệu quả tích cực của các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành...

Nguồn báo Nhân dân

Tin cũ hơn
Xem thêm