Bàn về những giải pháp cụ thể để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

Cập nhật: 14:20 | 21/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Bàn về những giải pháp cụ thể để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp khác nhau, trong đó lưu ý phải gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Gỡ nghẽn dòng tiền doanh nghiệp

Tại Talkshow Chọn danh mục do Báo Đầu tư tổ chức, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ câu chuyện chính sách, từ các kênh dẫn vốn: tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu đều đang tắc nghẽn, doanh nghiệp đang gặp khó khăn vô cùng lớn về thanh khoản.

Bàn về những giải pháp cụ thể để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

Để cứu TPDN, TS Võ Trí Thành cho rằng, một mặt chúng ta hướng đến minh bạch thông tin, mặt khác các cam kết của nhà hoạch định chính sách, cam kết của Chính phủ phải rất rõ. Hình minh họa

“Hơn nữa, tâm lý thị trường hiện nay là tâm lý phòng thủ rất cao, người ta có thể có tiền nhưng không muốn xuống tiền, nói vui trong giai đoạn này thì 'ai có tiền mặt là vua'. Đó là những lý do vì sao thanh khoản hiện nay lại khó khăn như vậy” – vị chuyên gia nói thêm.

Theo ông, cái khó lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý 3 bài toán: Thứ nhất là ổn định vĩ mô. Thứ hai là tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế của chúng ta (dòng tiền ra, dòng tiền vào) tuy không quá khó khăn nhưng không còn đẹp như những năm trước đây. Thứ ba là câu chuyện an toàn của hệ thống ngân hàng.

Theo quan sát của TS. Võ Trí Thành, dưới góc độ của doanh nghiệp, “khát vốn” là nhu cầu rất chính đáng. Dưới góc độ của người tiêu dùng, nhu cầu thu nhập đảm bảo đời sống và nhu cầu này cũng rất chính đáng. Riêng đối với những nhà quản lý vĩ mô, việc ổn định được vĩ mô và an toàn hệ thống cực kỳ quan trọng.

"Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm được điểm cân bằng, quan trọng nhất không gây ra sự đổ vỡ. Bài học của thế giới có rồi, nếu để vỡ trận bất động sản thì cái gì cũng vỡ. Đó là cái giỏi cái khéo khi tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá. Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đối với tín dụng ngân hàng, nhất là tín dụng bất động sản, TS Võ Trí Thành cho biết, với Việt Nam còn có mấy đặc thù sau:

Bàn về những giải pháp cụ thể để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp
TS Võ Trí Thành

Thứ nhất, trong những tháng đầu năm nay, do nhu cầu phục hồi kinh tế, tốc độ tăng tín dụng rất mạnh. Cả năm nay chúng ta định room tín dụng là khoảng 14% nhưng nếu so từng tháng của năm nay so với năm ngoái thì có những thời điểm tốc độ tăng room tín dụng đạt tới 17%, nhưng tổng cung tiền chỉ tăng 5-6%, dẫn đến áp lực thanh khoản đối với không ít ngân hàng rất khó khăn, đòi hỏi phải tăng lãi suất để huy động vào.

Thứ hai, mặc dù NHNN đã nhiều năm trì hoãn giảm dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay đầu tư thứ cấp) thì lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng.

Khi cho vay trung và dài hạn thì khoản nợ có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn. Khoản cũ thu lại chậm thì cho vay cũng khó.

“Tôi muốn nói là bên cạnh khó khăn tổng thể thì có những đặc thù của hệ thống tài chính của mình, cũng như hoạt động huy động tín dụng trong năm nay. Có những giai đoạn có ngân hàng huy động được 10 đồng thì cho vay 9,5 đồng” – ông nói.

Một lý do nữa, theo vị chuyên gia, đó là một lượng tiền rất lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng của ngân sách qua phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển chưa chi được. “Chúng ta rất hi vọng đầu tư công sẽ trở thành động lực nhưng rất tiếc đầu tư công lại chậm” – ông nói.

Để tìm điểm cân bằng giữa các mục tiêu, theo TS Võ Trí Thành, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm thế giới để áp dụng thực tế tại Việt Nam. Khó khăn của Việt Nam có thể không hoàn toàn tương đồng với thế giới về quy mô, mức độ, cách thức tạo ra nguồn vốn cho thị trường bất động sản, nhưng có thể tham khảo thế giới.

Vừa qua Trung Quốc đã có chương trình giải cứu bất động sản gồm 16 điều, ông Thành nhận thấy có 3 điểm cơ bản: Một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản; hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở; ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành.

Từ đây, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể nhìn nhận và học hỏi để có giải pháp tương ứng. Hiện, Chính phủ cũng đang có những giải pháp gỡ khó từ tổng thể dòng tiền gắn với 3 điều trên để có thể ổn định, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và phục hồi, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh.

Tập trung "giải cứu" thị trường trái phiếu

Bàn về những giải pháp cụ thể để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp khác nhau, trong đó lưu ý phải gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trên quan điểm của TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest nói: Khó khăn trong việc tiếp cận vốn hiện nay là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt với hơn 900.000 tỷ đồng do các tổ chức phi tài chính phát hành. Để gỡ nghẽn được thì chúng ta cần gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu.

Trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn, việc thị trường này biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Song với quy mô được mở rộng như hiện tại, thị trường trái phiếu bị "nghẽn" làm mất niềm tin của nhà đầu tư, từ đó dẫn đến các thị trường vốn khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm.

Bàn về những giải pháp cụ thể để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

TS. Trần Minh Tuấn

Trước mắt, để "giải cứu" khối lượng trái phiếu sắp đáo hạn, ông Tuấn đề xuất thành lập hội đồng trái chủ, nơi nhà phát hành và nhà đầu tư có thể ngồi lại với nhau để bàn biện pháp tháo gỡ tắc nghẽn dòng tiền, cụ thể là tìm kiếm sự thương thảo nhằm cơ cấu lại tài sản của nhà phát hành để khơi thông nguồn vốn cho thị trường trái phiếu.

Mặt khác, khi room tín dụng vẫn là một công cụ để kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường, ông Tuấn đề xuất room tín dụng cần được linh hoạt hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, TS. Trần Minh Tuấn nhận định rằng không nên "bó cứng" room tín dụng cho toàn ngành mà chỉ nên bó cứng ở một số phân ngành có tính chất đầu cơ cao đặc biệt về đầu tư cổ phiếu.

"Trong đó, bất động sản là một phân ngành mà chúng ta phải lựa chọn xem đâu là nhóm ngành cần phải bó cứng. Rõ ràng, nhiều dự án BĐS tốt không nên bó cứng, nếu như bó cứng không đúng, giá BĐS sẽ tăng lên và việc tiếp cận với BĐS chính yếu của những người có nhu cầu thực sự sẽ ngày càng khó khăn hơn do lượng cung thấp trên thị trường ", chuyên gia từ Smart Invest nêu rõ.

Theo quan điểm của ông Võ Trí Thành, hiện nay tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường đã xấp xỉ với giá trị trái phiếu Chính phủ, trước đây khoảng 1,5 triệu tỷ đồng bây giờ còn khoảng 1,3 - 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu về phát hành là ngân hàng thương mại, sau đó là ngành bất động sản chiếm gần 1/3, tiếp đó là năng lượng và lĩnh vực khác.

Trong khi đó, bất động sản và nhóm ngành nghề liên quan đang đóng góp khoảng 12% GDP, sự khó khăn của nhóm này tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế.

Để cứu trái phiếu doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành cho rằng, một mặt chúng ta hướng đến minh bạch thông tin, mặt khác các cam kết của nhà hoạch định chính sách, cam kết của Chính phủ phải rất rõ.

Đối với Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ vừa được Bộ Tài chính phát hành hôm 16/9, ông Thành cho rằng, cần phải nới một số điểm chặt chẽ quá, ví dụ quy định phát hành cho nhà đầu tư cá nhân nhưng đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Thêm nữa là cách xử lý sai phạm về trái phiếu trong giai đoạn khó khăn này phải làm sao cho hài hoà hơn, khéo hơn. "Sai thì phải xử nhưng cách xử thế nào rất quan trọng", ông Thành nhấn mạnh.

Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng, tuy bối cảnh Việt Nam có nhiều điểm không tương đồng với thế giới nhưng chúng ta rất nên xem xét, tham khảo gói giải cứu thị trường bất động sản mà Trung Quốc vừa công bố.

Theo vị chuyên gia, gói giải cứu này có 16 điểm chính nhưng có thể gút lại ở ba chủ đề: Một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản, hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở, ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần dành quỹ bình ổn “giải cứu” thị trường trái phiếu. Về đề xuất này, TS. Võ Trí Thành cho rằng không phải ý tưởng mới, nó có nét tương đồng với việc trước đây VAMC xử lý nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên, ông Thành nói rằng, để áp dụng được giải pháp này thì cần phải được Quốc hội cho phép sử dụng tiền ngân sách và khi áp dụng phải có cơ chế để xử lý những vấn đề phát sinh, rút kinh nghiệm Nghị quyết 43 về xử lý nợ xấu, khi chưa tháo gỡ được điểm nghẽn này thì lại phát sinh điểm nghẽn mới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

TS Nguyễn Hữu Huân: Để ngân hàng xử lý trái phiếu là không khả thi

TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng các ngân hàng không có trách nhiệm và chẳng mấy mặn mà với việc ...

Khi nào quỹ Đầu tư cần áp dụng liệu pháp “phanh khẩn cấp”?

Bối cảnh thị trường biến động kém tích cực, đi kèm các tin đồn không xác thực, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng bán ...

Những điều cần biết về trái phiếu Outright, đặc trưng của trái phiếu Outright

Outright vẫn còn là một khái niệm còn xa lạ đối với những nhà đầu tư cơ bản hay những ai mới tham gia đầu ...

Quỳnh Nga