Bản tin tài chính quốc tế ngày 4/3/2021: Mỹ áp thuế chống bán phá giá nhôm tấm của 18 nước

Cập nhật: 07:21 | 04/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Bản tin tài chính quốc tế ngày 4/3/2021 được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật bao gồm những nội dung chính sau đây: Giá vàng thế giới tiếp tục sụt giảm mạnh; Tỷ giá USD diễn biến theo xu hướng đi lên; S&P 500 giảm hơn 1% khi lợi suất trái phiếu tăng trở lại; Mỹ áp thuế chống bán phá giá nhôm tấm của 18 nước...

S&P 500 giảm hơn 1% khi lợi suất trái phiếu tăng trở lại

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 lùi 1,3% xuống 3.819,72 điểm, dẫn đầu là đà lao dốc của lĩnh vực công nghệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 2,7% xuống 12.997,75 điểm khi cổ phiếu Apple, Amazon, Microsoft và Alphabet đều giảm hơn 2%. Cổ phiếu Netflix sụt 5%. Chỉ số Dow Jones đóng cửa gần mức đáy trong phiên, mất 121,43 điểm (tương đương 0,4%) còn 31.270,09 điểm. Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm nới rộng đà tăng, cộng hơn 8 điểm cơ sở lên mức cao 1,49% vào ngày thứ Tư trước khi giảm nhẹ. Tuần trước, lợi suất kỳ hạn này đã leo lên mức cao 1,6% trong một động thái mà một số người mô tả là một đợt tăng đột biến “chớp nhoáng”.

Dầu vọt hơn 2% khi dự trữ nhiên liệu tại Mỹ giảm

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (03/3), hợp đồng dầu Brent tiến 1,75 USD (tương đương 2,8%) lên 64,45 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2,56% lên 61,28 USD/thùng. Trước đó, giá dầu đã tăng vọt sau khi Reuters đưa tin rằng nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga đang xem xét tiếp tục cắt giảm sản lượng từ tháng 3 đến tháng 4/2021 thay vì gia tăng sản lượng.

5943-taichinh43
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Giá vàng thế giới hôm nay 4/3 tiếp tục sụt giảm mạnh do lợi tức trái phiếu Mỹ tăng và USD hồi phục.

6h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1.710 USD/ounce, giảm 29 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Giá vàng thế giới giảm sâu do lợi tức trái phiếu Mỹ tăng và USD hồi phục. Trong khi đó, sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý khá khiêm tốn do các thị trường chứng khoán tăng giá. Các tín hiệu theo phân tích kỹ thuật cũng ngăn cản vàng hồi phục.

Chuyên gia phân tích Kyle Rodda từ IG Market nhận định chỉ cần các gói kích thích tài chính vẫn được đưa vào nền kinh tế Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục dè dặt trong việc kiểm soát lợi suất, giá vàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Mỹ áp thuế chống bán phá giá nhôm tấm của 18 nước

Bộ Thương mại Mỹ vừa thông báo áp thuế chống bán phá giá nhôm tấm hợp kim nhập khẩu từ 18 thị trường. Trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ bị áp thuế, Đức chịu mức cao nhất là 49,4-242,8%. Đức hiện là quốc gia xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ nhiều nhất, đạt 286,6 triệu USD trong năm 2019. Bahrain đứng thứ hai với tổng trị giá hàng hoá là 241,2 triệu USD, nhận mức áp thuế chống bán phá giá là 4,83% và chống trợ cấp là 6,44%. Các quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng chịu ảnh hưởng từ mức thuế mới với mặt hàng này, gồm: Brazil, Croatia, Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Oman, Romania, Serbia, Slovenia, Nam Phi, Hàn Quốc , Tây Ban Nha, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tỷ giá USD hôm nay 4/3 diễn biến theo xu hướng đi lên trong bối cảnh lợi tức trái phiếu Mỹ tăng trở lại.

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 90,98 điểm, tăng 0,20% so với 90,78 điểm trước đó.

Giới phân tích cho rằng, xu hướng đi lên của tỷ giá USD báo hiệu những tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều biến động về các dòng tiền. Cùng với đó, những thông tin về việc sản xuất vaccine chống COVID-19 cũng là yếu tố khiến nhiều người kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ sáng lên.

Tuy nhiên, thông tin tiêu cực về thị trường lao động Mỹ vừa công bố là yếu tố có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và qua đó gây áp lực lên đồng USD.

Giá Bitcoin bất ngờ phá mốc 50.000 USD sau chuỗi ngày chao đảo lên xuống thất thường gần đây, đẩy giá trị vốn hóa lên hơn 945 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ CoinDesk, giá Bitcoin vừa tăng 4,38% lên 50.400 USD. Trong 24 giờ gần nhất, tiền ảo hàng đầu giao dịch thấp nhất ghi nhận được tại 48.195 USD và cao nhất là 52.636 USD.

Thống kê từ CoinMarketCap cho thấy lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng thời gian trên là 53,2 tỷ USD, vốn hóa ghi nhận mức 945,2 tỷ USD. Trên Vicuta, sàn giao dịch được nhiều người Việt quan tâm, giá Bitcoin tăng 5,8%, hiện giao dịch mức 1.174 – 1.227 triệu đồng/BTC (mua - bán).

Samsung công bố kế hoạch chi tiết về nhà máy chip 17 tỷ USD ở Mỹ

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vừa tiết lộ thêm những thông tin chi tiết về kế hoạch xây nhà máy chip tối tân ở Mỹ trong hồ sơ gửi lên chính quyền bang Texas.

Thông tin này được hé lộ trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết tâm đưa vấn đề bảo mật nguồn cung cấp chip trở thành ưu tiên quốc gia của nước Mỹ.

Cụ thể, công ty Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD vào Dự án Silicon Silver và tạo ra khoảng 1.800 việc làm trong 10 năm đầu tiên. Khoảng 5,1 tỷ USD được chi cho xây dựng các tòa nhà và cải tạo bất động sản trong khi 9,9 tỷ USD còn lại sẽ được dùng để đầu tư máy móc, trang thiết bị.

Việc Samsung nộp hồ sơ lên Chính quyền bang Texas cho thấy dự án này được ưu tiên ở bang này. Bên cạnh đó, gã khổng lồ Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu các địa điểm dự phòng ở bang Arizona, bang New York và cả ở Hàn Quốc.

4 triệu người Tây Ban Nha mất việc làm do dịch Covid-19

Theo số liệu chính thức, trong tháng Hai, số người thất nghiệp tại Tây Ban Nha đã vượt mốc 4 triệu người lần đầu tiên trong 5 năm, trong bối cảnh chính sách hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế vốn đã ốm yếu của nước này.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Tây Ban Nha đã mất hơn 400.000 việc làm và khoảng 2/3 trong số này thuộc lĩnh vực khách sạn do ảnh hưởng của những quy định giới hạn giờ mở cửa, công suất cũng như du lịch quốc tế sụt giảm 80%.

Bộ Lao động Tây Ban Nha cho biết trong tháng Hai số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng 1,12% so với một tháng trước tương đương 44.436 lên 4.008.789 người.

EC cân nhắc tiếp tục hoãn quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực nền kinh tế, ngày 3/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất tiếp tục tạm hoãn quy định hạn chế chính phủ các nước thành viên chi tiêu công quá tay cho đến hết năm 2022.

EC đã đình chỉ các quy định trên cách đây một năm, thời điểm Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Điều này cho phép các nước sử dụng ngân sách để giải cứu nền kinh tế và giúp các công ty vượt qua đại dịch.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho rằng dựa trên các dự báo hiện nay, EU nên tiếp tục việc đình chỉ các quy định cho đến năm 2022 và kích hoạt trở lại vào năm 2023, khi kinh tế các nước có thể trở về như trước khi khủng hoảng y tế bùng phát.

Mỹ đề xuất luật đánh thuế Jeff Bezos 5 tỷ USD/năm

Một nhóm nghị sĩ Dân chủ ở Thượng viện và Hạ viện cùng thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders hôm 1/3 đề xuất Đạo luật Thuế Siêu giàu, áp thuế đối với những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ nhằm giúp ngân sách liên bang tăng thêm hàng nghìn tỷ USD và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên trong thời gian đại dịch.

Dự luật đề xuất thu thuế thường niên 2% với những người sở hữu tài sản trên 50 triệu USD và 3% với người có trên 1 tỷ USD. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cho hay khoản thuế này chỉ ảnh hưởng tới 100.000 gia đình giàu có nhất nước Mỹ và sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 3.000 tỷ USD trong 10 năm.

Sàn thương mại điện tử hàng đầu Indonesia lên kế hoạch IPO

Sàn thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) và IDX (Indonesia), theo chân hai công ty khởi nghiệp đồng hương là Tokopedia và Traveloka.

Hồi năm ngoái, nhà sáng lập Bukalapak là ông Achmad Zaky và các đối tác thành lập từng thông báo ý định niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài và trên sàn chứng khoán trong nước. Phát biểu hồi tháng 1/2020, Giám đốc điều hành Bukalapak, ông Rachmat Kaimuddin cho biết doanh nghiệp này luôn cởi mở với phương án này.

Deloitte chi trả 80 triệu USD liên quan tới bê bối 1MDB tại Malaysia

Ngày 3/3, Bộ Tài chính Malaysia thông báo công ty kiểm toán Deloitte PLT đã đồng ý chi trả chính phủ nước này 80 triệu USD nhằm giải quyết cả các khiếu nại pháp lý liên quan đến nghĩa vụ ủy thác của công ty này đối với việc kiểm toán tài khoản của quỹ đầu tư 1MDB và SRC International Sdn Bhd trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014.

Bộ trên cho biết thỏa thuận này, đạt được không có sự can thiệp của tòa án, sẽ đẩy nhanh việc thanh toán các khoản tiền nhằm hoàn thành các nghĩa vụ chưa thanh toán của 1MDB và SRC.

Bản tin tài chính quốc tế ngày 3/3/2021: Bê bối chấn động tại Nike

Bản tin tài chính quốc tế ngày 3/3/2021 được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật bao gồm những nội ...

Bộ Tài chính cảnh báo về các sàn giao dịch tiền ảo trái phép

Theo Bộ Tài chính, các sàn giao dịch tiền ảo chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép, do nhiều cá nhân và ...

Bản tin tài chính quốc tế ngày 2/3/2021: Nợ nước Mỹ tăng lên mức kỷ lục 29 nghìn tỷ USD

Bản tin tài chính quốc tế ngày 2/3/2021 được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật bao gồm những nội ...

Lưu Lâm

Tin liên quan