Bản tin tài chính ngân hàng ngày 7/1: Trái phiếu doanh nghiệp được dự báo tiếp tục nóng năm 2020

Cập nhật: 10:09 | 07/01/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 7/1/2020 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Nam A Bank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh cho vay tiêu dùng dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 71 trai phieu doanh nghiep duoc du bao tiep tuc nong nam 2020

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 3/1: Thủ tướng giao ‘đề bài’ lớn cho ngành ngân hàng

ban tin tai chinh ngan hang ngay 71 trai phieu doanh nghiep duoc du bao tiep tuc nong nam 2020

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 2/1: Dự trữ ngoại hối dự kiến tăng lên gần 92 tỉ USD trong năm 2020

ban tin tai chinh ngan hang ngay 71 trai phieu doanh nghiep duoc du bao tiep tuc nong nam 2020

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 31/12: Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước đạt trên 13%

Dự báo xu hướng tỷ giá năm 2020

Đóng cửa ngày giao dịch ngày 31/12/2019, tỷ giá USD trung tâm được niêm yết ở 23.155 VND/USD, tăng 330 đồng so với mức công bố ngày 31/12/2018, tương đương tăng 1,4% và hoàn toàn nằm trong dự báo của các chuyên gia và giới phân tích (không quá 2%).

Trong khi tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo hướng tăng lên thì giá USD giao dịch trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do đều có xu hướng giảm so với hồi đầu năm.

Cụ thể, kết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, giá USD tại Vietcombank mua – bán ở 23.080 – 23.230 VND/USD, giá mua giảm 35 đồng trong khi giá bán giảm 15 đồng so với mức đóng cửa của năm 2018. Trên thị trường chợ đen, giá USD cũng giảm khoảng 90 – 100 đồng trên mỗi chiều giao dịch, tương đương mức giảm 0,4%.

Như vậy, 2019 là một trong những năm hiếm hoi mà giá USD giao dịch trên cả thị trường ngân hàng và thị trường chợ đen sụt giảm so với cuối năm trước.

Thực tế, việc tỷ giá ổn định trong năm 2019 phản ánh các nền tảng vĩ mô tích cực của Việt Nam cũng như được hỗ trợ từ xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, tỷ giá trong năm 2020 sẽ không có nhiều biến động nhờ cung cầu ngoại tệ vẫn tiếp tục ổn định. Cụ thể, cán cân thương mại đang rất tích cực (xuất siêu hơn 9 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm). Đồng thời cán cân thanh toán vẫn trong trạng thái dương nhờ vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào và nguồn kiều hối ổn định.

Ngoài ra, việc Mỹ đưa Việt Nam vào trong danh sách giám sát về "chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối" cũng khiến NHNN thận trọng trong hoạt động mua vào ngoại tệ, qua đó giúp tỷ giá không dao dộng mạnh trong năm 2020.

Dự báo về xu hướng tỷ giá năm 2020, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh ngoại tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC cho rằng có cơ sở để kì vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt.

Tuy nhiên, theo BVSC rủi ro Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách "thao túng tiền tệ" là một rủi ro lớn, buộc NHNN phải thận trọng trong việc giảm giá mạnh tiền đồng.

Với quan điểm tích cực hơn, nhóm phân tích đến từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên tỷ giá được phần nào giảm bớt khi nhà đầu tư đã quen với thực tế chiến tranh thương mại sẽ khó có thể sớm kết thúc trong tương lai gần.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 71 trai phieu doanh nghiep duoc du bao tiep tuc nong nam 2020
Ảnh minh họa

Nam A Bank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2019 của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) từ hơn 3.890 tỉ đồng lên 5.000 tỉ đồng.

Đối với phương án xử lí cổ phiếu lẻ và cổ phiếu cổ đông hiện hữu không mua hết, NHNN sẽ xem xét, có ý kiến sau khi Nam A Bank trình NHNN phương án xử lí cụ thể, phù hợp với qui định của pháp luật.

NHNN yêu cầu Nam A Bank thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo qui định, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông, cổ đông và người có liên quan của những cổ đông này.

Mặt khác, ngân hàng phải thông báo cho các tổ chức, cá nhân mua cổ phần của Nam A Bank thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cổ đông theo đúng qui định tại Điều 54 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, Nam A Bank thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động theo qui định.

Theo phương án tăng vốn năm 2019 được đại hội cổ đông của Nam A Bank thông qua ngày 23/3/2019, ngân hàng sẽ thực hiện 4 đợt phát hành với tổng số lượng hơn 164,6 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 1.646 tỉ đồng để tăng vốn từ hơn 3.350 tỉ đồng lên 5.000 tỉ đồng.

Trong đó ngân hàng phát hành 53,65 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với tỉ lệ 16%, tương ứng với vốn điều lệ tăng thêm là gần 537 tỉ đồng. Và việc này đã được ngân hàng thực hiện trong năm 2019 sau khi được NHNN chấp thuận hồi tháng 9.

Đợt tăng vốn đợt 2 sẽ được thực hiện qua việc chào bán gần 111 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 1.110 tỉ đồng thông qua 3 đợt: Chào bán cho cổ đông hiện hữu 43.924.788 cổ phần (13,1% vốn điều lệ hiện hành), chào bán riêng lẻ 50,3 triệu cổ phiếu (15%), phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động là 16,77 triệu cổ phần (5%)… Giá phát hành tối thiểu không thấp hơn mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cổ phiếu.

NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh cho vay tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành công văn số 10340 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tập trung triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế "tín dụng đen", nhất là trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020.

Theo đó, Thống đốc yêu cầu các TCTD mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Đồng thời, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lí, đẩy mạnh cải cách thủ tục, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân;

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục rà soát các chương trình tín dụng chính sách để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đối với các công ty tài chính, cần tổ chức thực hiện, chấp hành nghiêm các qui định về cho vay tiêu dùng theo Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và các qui định của NHNN về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng.

Các công ty tài chính cũng cần đảm bảo công khai, minh bạch về lãi suất cho vay tiêu dùng, phí và phương pháp tính lãi; cung cấp, giải thích chính xác, đầy đủ các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi kí kết hợp đồng.

Tuần đầu tiên năm 2020: Lãi suất giảm trên cả thị trường 1 và thị trường 2

Theo báo cáo thị trường tiền tệ của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tuần đầu tiên của năm mới, cả hai kênh thị trường mở đều "tạm ngừng" hoạt động khi không phát sinh giao dịch mới nào, số dư OMO và tín phiếu đều giữ ở mức 0. Chỉ có một lượng tiền đồng nhỏ vẫn được bơm ra thông qua giao dịch bán USD về Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cùng với đó, lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng 11 điểm lên mức 2,017%/năm với kì hạn qua đêm nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn lãi suất tín phiếu. Chênh lệch lãi suất VND - USD trong khoảng 0,4% - 0,8%/năm.

Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi ghi nhận bước giảm 30 - 50 điểm với kì hạn trên 6 tháng ở một số ngân hàng thương mại nhỏ, thu hẹp khoảng cách với các nhóm ngân hàng thương mại còn lại.

Hiện lãi suất huy động nằm trong khoảng 4,1% - 5,0%/năm với kì hạn dưới 6 tháng, 5,3% - 7,4%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4% - 7,5%/năm với kì hạn 12, 13 tháng.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng chủ trương hạ lãi suất từ Chính phủ và NHNN đã tiếp tục có tác động đến xu hướng lãi suất khi vừa bước sang năm mới, thời điểm các chỉ tiêu an toàn của năm cũ đã phải hoàn tất.

Sang năm 2020, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên hai nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.

VietCredit đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 gấp ba lần năm trước và gấp 8 lần vào năm 2023

Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) công bố thông tin việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua định hướng kinh doanh của công ty giai đoạn 2019 - 2023.

Theo đó, VietCredit đặt mục tiêu tổng tài sản 2019 - 2023 tăng từ 3.070 tỉ đồng lên 9.816 tỉ đồng trong đó, dư nợ thẻ 1.930 tỉ đồng lên 9.549 tỉ đồng. Vốn huy động từ tổ chức tài chính khác tăng từ 792 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng; vốn huy động từ phát hành chứng chỉ tiền gửi từ 1.286 tỉ đồng lên 7.294 tỉ đồng; vốn điều lệ từ 688 tỉ đồng lên 1.100 tỉ đồng.

Với tốc độ tăng trưởng tài sản giả định trên, doanh thu VietCredit tăng trưởng dự kiến nhanh trong năm 2020 lên mức 1.372 tỉ đồng và tiếp tục tăng trưởng lên mức 3.305 tỉ đồng vào năm 2023. Tỉ lệ tăng trưởng doanh thu doanh thu lần lượt 181%, 52%, 29% và 23% theo các năm 2020 - 2023.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng từ gần 13,4 tỉ đồng lên 45 tỉ đồng vào năm 2020 và lên 105 tỉ đồng vào 2023 (gấp 8 lần sau 4 năm).

VietCredit nhận định với mức tăng trưởng doanh thu dự kiến trong các năm 2020, 2021, 2022, phần lợi nhuận tạo ra đủ để giúp công ty thực hiện việc bán thanh lí 5 tàu biển đang là tài sản xử lí nợ.

Phó Tổng Giám đốc OCB: Sẽ niêm yết cổ phiếu trong năm 2020

OCB là một trong số những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chuẩn Basel II. Ông Lý Hoài Văn cho biết, OCB mặc dù không nằm trong top 10 ngân hàng được chọn của Ngân hàng nhà nước, nhưng OCB quyết định đi trước thị trường và xem đây là điều đương nhiên phải làm.

Trong năm 2019, OCB đã hoàn tất việc phát hành gần 130 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên hơn 7.898 tỉ đồng.

Mới đây, OCB cũng đã công bố đã triển khai chào bán riêng lẻ gần 118,5 triệu cổ phần như đã được đại hội đồng cổ đông đã phê duyệt tại ngày 27/4/2019.

Trong đó, Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) đã thực hiện đăng kí mua gần 87 triệu cổ phần trong số hơn 118 triệu cổ phần được OCB chào bán riêng lẻ. Ước tính giá trị giao dịch hơn 1.200 tỉ đồng.

HĐQT OCB tiếp tục chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư đối với số cổ phần còn lại là hơn 31,6 triệu cổ phần sau khi đã hoàn thành việc phát hành cho Ngân hàng Aozora.

Trái phiếu doanh nghiệp được dự báo tiếp tục nóng năm 2020

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thị trường tài chính Việt Nam đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Năm 2019, thị trường tài chính phát triển tích cực hơn và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế.

Tín dụng tăng 13,7%, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực, và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế.

Với việc tín dụng thắt chặt, trái phiếu trở thành kênh huy động vốn chủ lực của rất nhiều doanh nghiệp lớn trong năm vừa qua. Theo ước tính của ông Cấn Văn Lực, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã đạt đến 250 nghìn tỉ năm 2019.

Năm 2020, ông Lực dự báo ít nhất có 300.000 tỉ đồng trái phiếu sẽ được phát hành ra thị trường trong năm 2020.

Mặc dù thì trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh. Kinh tế trưởng BIDV vẫn cho rằng cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng.

Lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội là 5%/năm trong 2020

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 2734 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Cụ thể, mức lãi suất của NHTM áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo qui định tại Thông tư số 11, Thông tư số 32 và Thông tư số 25 là 5,0%/năm.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 32, đối tượng vay vốn là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng.

Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với qui hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với qui định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế.

Người lao động thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo qui định của Nghị định 188 của Chính phủ về phát triển và quản lí nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kì.

Quyết định 2734 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 và thay thế Quyết định 2570 ngày 25/12/2018 của Thống đốc NHNN.

Nợ khoanh, nợ quá hạn của Ngân hàng chính sách chỉ ở mức 0,7%

Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến ngày 31/12/2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt hơn 206.800 tỉ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt hơn 179.900 tỉ đồng, tăng gần 14.800 tỉ đồng ( tương đương 9%) với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Trong tổng dư nợ, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,8%.

Đáng chú ý, nợ quá hạn và nợ khoanh trên toàn quốc của ngân hàng chỉ chiếm tỉ lệ 0,7% tổng dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2019 đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 266.000 lao động, trong đó giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36.000 học sinh, sinh viền có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 156.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015…

Đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của ngân hàng đạt gần 216.400 tỉ đồng, tăng 17.600 tỉ đồng so với năm 2018; đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 15.400 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 7,1% tổng nguồn vốn, tăng hơn3.600 tỉ đồng so với năm 2018, hoàn thành 162% kế hoạch giao năm 2019.

Hoài Dương

Tin liên quan