Bản tin tài chính ngân hàng ngày 29/11: Quy định mới giúp người chuyển khoản nhầm lấy lại tiền

Cập nhật: 09:40 | 29/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 29/11/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: HDBank dự kiến phát hành tối đa 3.000 tỉ đồng trái phiếu lần 4, Tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh trong tháng 9, vượt 10 triệu tỉ đồng,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2911 quy dinh moi giup nguoi chuyen khoan nham lay lai tien

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 28/11: Nắn dòng cho vay tiêu dùng các công ty tài chính

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2911 quy dinh moi giup nguoi chuyen khoan nham lay lai tien

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 27/11: BIDV thu về 6.600 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu trong tháng 11

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2911 quy dinh moi giup nguoi chuyen khoan nham lay lai tien

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 26/11: Tín dụng đen “bủa vây” những tháng cuối năm

HDBank dự kiến phát hành tối đa 3.000 tỉ đồng trái phiếu lần 4

Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) thông báo Hội đồng quản trị vừa chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu lần 4 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 3.000 tỉ đồng và phê duyệt phương án phát hành lần thứ 4 năm 2019.

Kể từ tháng 8 đến nay, ngân hàng đã phát hành thành công hơn 2.500 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất 6,3% đến 8,5%/năm.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 3.448 tỉ đồng, tăng khiêm tốn hơn ở mức 19,6% so với cùng kì, bằng 68% so với kế hoạch năm (5.077 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 2.764 tỉ đồng.

Điểm sáng trong báo cáo kết quả kinh doanh của HDBank 9 tháng đầu năm là thu nhập lãi thuần của HDBank tăng trưởng mạnh hơn 25% trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng 13,8%. Đặc biệt trong quí III, thu nhập lãi thuần đã tăng hơn 41%.

Cùng với đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng lần lượt 27,6% và 36%.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2911 quy dinh moi giup nguoi chuyen khoan nham lay lai tien
Ảnh minh họa

Tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh trong tháng 9, vượt 10 triệu tỉ đồng

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 9/2019, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 10,08 triệu tỉ đồng, tăng 9,46% so với cuối năm 2018. Kế hoạch năm nay, NHNN dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trong các khoản cấu thành nên tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức gần 3,65 triệu tỉ đồng, tăng 9,23% so với cuối năm 2018 và chiếm 36%. Tiền gửi của dân cư đạt 4,77 triệu tỉ đồng tăng 9,02% và chiếm 47%.

Riêng trong tháng 9, tổng phương tiện thanh toán đã tăng thêm gần 135.000 tỉ đồng, tương đương tăng 1,36%. Trong đó, số tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng gần 110.000 tỉ đồng, tăng 3,1%; tiền gửi của dân cư tăng 27.800 tỉ đồng, tương đương tăng 0,59%.

Việc tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vượt tăng trưởng tiền gửi của dân cư sau 9 tháng là một diễn biến đáng chú ý, bởi 8 tháng trước đó, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đều kém xa so với tiền gửi dân cư.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, tổng số tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống TCTD giảm 1,62% tương đương với mức giảm hơn 54.200 tỉ đồng xuống còn 3,29 triệu tỉ. Trong khi, tiền gửi của dân cư vẫn tăng 5,98% đạt 4,64 triệu tỉ.

Kể từ tháng 5/2019, khoảng cách giữa hai mức tăng trưởng tiền gửi dân cư và tổ chức bắt đầu thu hẹp, tuy nhiên cho đến tháng 8, mức chênh lệch vẫn khá lớn khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 5,96%, trong khi tiền gửi dân cư tăng tới 8,39%.

Như vậy, sự bứt phá mạnh trong tháng 9 đã giúp tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã vượt tăng trưởng tiền gửi dân cư, 9,23% so với 9,02%.

Sắp có qui định giúp người chuyển khoản nhầm lấy lại tiền

Dự thảo qui định mới cho phép ngân hàng có thể phong toả tài khoản người nhận trong trường hợp người chuyển nhầm, qua đó giúp người chuyển lấy lại được tiền.

Theo đó, dự thảo thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến có đề cập đến việc các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền phong tỏa tài khoản người nhận khi phát hiện có nhầm lẫn, sai sót… khi khách hàng chuyển tiền hoặc phong tỏa theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển.

Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán của người nhận không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Tài khoản của khách hàng cũng có thể bị phong tỏa khi ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện và có bằng chứng về việc chủ tài khoản gian lận, vi phạm pháp luật.

Quy định mới này nếu được thông qua, theo các chuyên gia, sẽ hỗ trợ nhiều khách hàng chuyển tiền nhầm có khả năng lấy lại được tiền. Ngân hàng sẽ có quyền nhiều hơn khi được phép phong tỏa tài khoản người nhận nhầm bất chấp chủ tài khoản này có đồng ý hay không.

Thực tế nhiều người cho biết đã chuyển tiền qua số tài khoản, số thẻ cho bạn bè, người thân nhưng gõ sai thông tin nên bị chuyển nhầm cho người khác.

Tuy nhiên, việc đòi lại tiền chuyển nhầm gặp rất nhiều khó khăn vì người nhận tiền không hợp tác, không chịu trả, trong khi ngân hàng cũng không có cơ sở pháp lý để hỗ trợ lấy lại tiền (nếu không được sự đồng ý của người nhận nhầm).

Tuy nhiên, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản, bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đâu là những đồng tiền châu Á đáng theo dõi trong năm 2020?

Một bài nghiên cứu 9 đồng tiền châu Á mới nổi của Bloomberg cho thấy hai đồng tiền này có khả năng có thành quả tốt nhất, dựa trên phân tích mối tương quan của chúng với tăng trưởng toàn cầu, tăng trưởng của Trung Quốc và diễn biến của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trong 5 năm qua.

Trong khi đồng rupee của Ấn Độ cũng đứng thứ hạng cao về phương diện tương quan với tăng trưởng toàn cầu, nhưng đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ có khả năng sẽ triệt tiêu đáng kể ảnh hưởng tích cực này vì đà tăng lợi suất trái phiếu Mỹ tương quan nghịch biến với đồng rupee.

Cũng vì lý do trên, đồng peso, đồng tiền có thành quả tốt nhất ở khu vực châu Á mới nổi trong quí này, có thể hưởng lợi ít nhất từ đà tăng trưởng toàn cầu.

Tín hiệu tiến triển trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự cải thiện tạm thời của dữ liệu kinh tế toàn cầu đang góp phần củng cố quan điểm cho rằng điều tồi tệ nhất có thể đã chấm dứt sau khi kinh tế thế giới giảm tốc mạnh nhất trong 1 thập kỉ.

Làn sóng hạ lãi suất từ các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng góp phần gia tăng tâm lí tích cực cho nhà đầu tư, trong đó chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ thúc đẩy các tài sản có rủi ro cao.

Chỉ báo Hoạt động Hiện tại của Thế giới từ Goldman Sachs, có sử dụng trong bài nghiên cứu này, cho thấy khả năng cao là tăng trưởng toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2020.

Đồng won và đô la Đài Loan (TWD) có vị thế tốt nhất để hưởng lợi, chúng có tương quan cao với hoạt động toàn cầu.

Mức định giá tương đối cao của đồng TWD có thể hạn chế tiềm năng tăng giá, theo Bloomberg.

VietinBank điều chỉnh số liệu BCTC 2018, lợi nhuận giảm gần 172 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) phát đi thông báo điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính (BCTC riêng lẻ) và hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, VietinBank đã điều chỉnh các khoản mục gồm chi phí dự phòng, chi phí hoạt động, thu nhập lãi, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng được điều chỉnh giảm 120 tỉ đồng, từ 14.256 tỉ xuống 14.084 tỉ đồng; trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng từ 7.751 tỉ lên 7.803 tỉ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VietinBank giảm gần 172 tỉ đồng, xuống còn 6.559 tỉ đồng. Sau khi, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp 1.281 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 139 tỉ xuống còn 5.277 tỉ đồng.

Đối với Bảng cân đối kế toán, VietinBank thực điều chỉnh phân loại nợ, nguyên giá tài sản cố định, khấu hao, tài sản có khác, các khoản phải trả và công nợ khác, vốn và các quĩ. Sau điều chỉnh, giá trị tổng tài sản VietinBank giảm hơn 145 tỉ đồng xuống còn gần 1.164.435 tỉ đồng.

Trong các khoản mục được điều chỉnh tại Bảng cân đối kế toán, khoản mục lãi và phí phải thu có sự thay đổi mạnh nhất khi giảm gần 308 tỉ đồng so với báo cáo kiểm toán trước đó.

Ngoài ra, VietinBank cũng cho biết do Kiểm toán Nhà nước chỉ điều chỉnh số liệu trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất nên ngân hàng phải điều chỉnh tương ứng với Bảng cân đối kế toán riêng lẻ và Báo cáo kết quả kinh doanh riêng lẻ.

Đồng thời, việc điều chỉnh số liệu cũng được thực hiện cho số liệu đầu kì tại BCTC quí IV/2019. Trong khi các số liệu trên BCTC quí I, II và III/2019 giữ nguyên không thay đổi.

BIDV có thêm 1.200 tỉ đồng bổ sung vào vốn cấp 2

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) thông báo phát hành riêng lẻ thành công 1.200 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 6 năm trong ngày 28/11.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp.

Trái phiếu là nợ thứ cấp của ngân hàng và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV theo qui định hiện hành. Với loại trái phiếu này, BIDV có quyền mua lại từ các nhà đầu tư sau một năm.

BIDV cho biết lãi suất trái phiếu được tính bằng lãi suất tham chiếu (trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam, trả sau áp dụng cho kì hạn 12 tháng của 4 ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV – khu vực Hà Nội và Vietcombank Sở giao dịch) cộng thêm 1,3%/năm.

Như vậy, kể từ đầu tháng 11 đến nay, BIDV đã phát hành tổng cộng 4.535 tỉ đồng trái phiếu với kì hạn 6 năm và 7 năm.

Quan hệ tín dụng ngân hàng – doanh nghiệp: Bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi

Nhằm kịp thời trao đổi, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, vừa qua tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Toạ đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và Hiệp hội Lương thực về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN. Với DNNVV, tại Thông tư số 45/2018/TT-NHNN, NHNN hướng dẫn các TCTD trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ với mức lãi suất cho vay không cao hơn lãi suất cho vay cùng kỳ hạn, cùng ngành, lĩnh vực của bên cho vay. Các chính sách cho DN khởi nghiệp sáng tạo, DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, DNNVV hoạt động trong ngành lúa gạo, DN công nghiệp hỗ trợ... cũng được cơ quan điều hành rất quan tâm.

Theo đó, TCTD cần xây dựng hệ thống quy trình thu thập, tập trung khai thác thông tin dữ liệu tín dụng, phân tích đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ DN xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đưa ra hai đề xuất.

Thứ nhất, NHNN có thể hỗ trợ để NHTM tạo ra một platform (nền tảng) cho vay bảo lãnh theo chuỗi cung ứng, và đề nghị các tập đoàn lớn tham gia cùng.

Thứ hai, có giải pháp để hỗ trợ về lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ, từ đó sẽ giúp cải thiện được tình hình tín dụng, vốn, giúp DN cạnh tranh bình đẳng với các DN khác trên thị trường...

Kho thông tin và vấn đề chấm điểm tín dụng

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN Việt Nam), thu thập thông tin khách hàng và chấm điểm tín dụng cho khách hàng cá nhân là hai hoạt động đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo cho việc cung ứng tín dụng một cách chính xác và an toàn, hạn chế rủi ro ngay từ khâu xét duyệt.

Đặc biệt, việc thu thập thông tin khách hàng và áp dụng một mô hình chấm điểm phù hợp đóng vai trò chủ chốt quyết định ưu thế của TCTD trong thị trường tín dụng bán lẻ.

Một trong những ngân hàng có hệ thống chấm điểm tín dụng khá chi tiết cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam là BIDV theo nguyên tắc hạn chế tối đa ảnh hưởng chủ quan của các chỉ tiêu tài chính bằng cách thiết kế các chỉ tiêu phi tài chính, và cung cấp những hướng dẫn chi tiết cho việc đánh giá chấm điểm các chỉ tiêu. Mô hình chấm điểm của ngân hàng này gồm hai phần là nhóm các chỉ tiêu chấm điểm nhân thân với trọng số 0,4 và nhóm các chỉ tiêu chấm điểm quan hệ với ngân hàng với trọng số 0,6.

Giám đốc Trung tâm Quản trị Dữ liệu & Nghiên cứu Ứng dụng TPBank, Nguyễn Quang Hoàng thừa nhận thách thức mà các ngân hàng gặp phải hiện tại không nằm ở kỹ thuật xây dựng mô hình mà ở khâu quản lý tài sản dữ liệu tại ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần cân nhắc về loại dữ liệu khi tiếp cận. Mặc dù một số kênh thông tin phi truyền thống đang dần trở nên thông dụng cho các ứng dụng khoa học dữ liệu trong xây dựng mô hình.

Tuy nhiên, mức độ hiệu quả dự đoán khách hàng tốt/xấu của mỗi loại dữ liệu không đồng đều. Do đó, tùy theo chiến lược và lộ trình xây dựng mô hình tại từng thời kỳ mà ngân hàng có thể định hướng tiếp cận nguồn dữ liệu phù hợp.

Theo đề xuất của đại diện Học viện Ngân hàng, các ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn thông tin thu thập và phương thức thu thập thông tin. Đồng thời hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu và mô hình chấm điểm tín dụng để tránh các chỉ tiêu trùng lặp có thể dẫn đến làm sai lệch kết quả chấm điểm và định dạng khách hàng.

Còn bà Phan Thị Minh Tâm, đại diện VietinBank lại đưa ra lời khuyên, cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý đối với việc thu thập thông tin để tạo kho dữ liệu và cung cấp dịch vụ chấm điểm của các công ty. Trên cơ sở đó, xây dựng các chính sách để khuyến khích phát triển loại hình các DN cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng khách hàng nhằm từng bước minh bạch hóa các thông tin của người dân. Đại diện Agribank đề xuất CIC liên kết với các tổng công ty, tập đoàn cung cấp dịch vụ điện, nước… cho người dân để thu thông tin về tình hình trả cước của khách hàng, qua đó giúp ngân hàng đánh giá đầy đủ khả năng tài chính để trả nợ của khách hàng.

Hoài Dương