Bản tin tài chính ngân hàng ngày 25/11: Lộ trình siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng

Cập nhật: 09:48 | 25/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 25/11/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Hiệu ứng tích cực khi lãi suất giảm, doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực “trẻ hóa” khách hàng,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2511 lo trinh siet chat hoat dong cho vay tieu dung

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/11: Nhiều ngân hàng vẫn 'khát' nhân sự

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2511 lo trinh siet chat hoat dong cho vay tieu dung

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/11: Moody's cảnh báo các công ty Hàn Quốc đang đầu tư và M&A quá mức

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2511 lo trinh siet chat hoat dong cho vay tieu dung

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 20/11: BIDV nối gót xu hướng giảm lãi suất cho vay và huy động

Từ năm 2020, công ty tài chính không được nhắc nợ người thân, người không có nghĩa vụ trả nợ vay

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016 qui định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Trong đó, Thông tư mới đã sửa đổi, bổ sung về hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng.

Cụ thể, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải các công ty tài chính phù hợp với đặc thù của khách hàng, qui định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày.

Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ.

Thông tư cũng qui định rõ, công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo qui định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật

Đáng chú ý, qui định mới yêu cầu công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng. Trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lí trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và có xác nhận của khách hàng để từ đó khách hàng xem xét, quyết định trước khi kí kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2511 lo trinh siet chat hoat dong cho vay tieu dung
Ảnh minh họa

Giải pháp công nghệ: 'Lá chắn thép' cho nhà băng

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, những năm gần đây đã ghi nhận hàng loạt các cuộc tấn công có chủ đích được thiết kế tinh vi và có quy mô lớn trên thế giới nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp như: Cổng thanh toán trực tuyến Wonga của Anh bị lộ 270.000 tài khoản khách hàng; Tesco Bank bị đánh cắp 2,5 triệu Bảng Anh từ 9.000 khách hàng; mã độc mã hóa dữ liệu WannaCry và Petya tấn công các ngân hàng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Ngân hàng Trung Quốc Bank of China và NHTW Nga…

Ý kiến của các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) cũng nhìn nhận, sự phát triển của công nghệ sẽ đi liền với rủi ro tiềm ẩn, nhất là khi ngân sách còn thiếu nên việc ứng dụng CNTT luôn đi sau thế giới, đó là chưa kể nguồn nhân lực và nhận thức của khách hàng, chuyên gia CNTT, nhà quản lý chưa theo kịp với yêu cầu thực tế.

Việc chú trọng phát triển hoạt động của NHTM dựa trên khai thác công nghệ để có thể phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ và quản trị rủi ro, hay tạo điều kiện lan toả văn hoá bảo mật cho toàn bộ các bên liên quan trong hệ thống đều là những thay đổi phù hợp và cần thiết mà ngân hàng đang hướng tới.

Đại diện Ngân hàng SHB cho biết: Với việc triển khai toàn diện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, SHB đang rất nỗ lực để đảm bảo an toàn dữ liệu cho ngân hàng và khách hàng, qua đó duy trì tối đa lợi ích cho khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên toàn hệ thống.

Cuộc đua giảm lãi suất lan sang ngân hàng nhỏ

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng đã vào cuộc đua giảm lãi suất. Không chỉ với nhà băng lớn, mà cuộc đua giảm lãi suất đang lan sang ngân hàng nhỏ.

Song song với việc giảm lãi suất đầu vào, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được NHNN giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm.

Hưởng ứng chủ trương trên của NHNN, các ngân hàng cũng đã vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay.

PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, khả năng mặt bằng lãi suất sẽ theo chiều hướng giảm từ nay đến đầu năm 2020, do các yếu tố bên ngoài đang tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm 3 lần lãi suất trong năm nay và có thể giảm thêm, lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức không cao hơn năm trước...

Ngày 20/11, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phân tích, những đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trên quy mô lớn vừa qua chính là yếu tố giúp kéo dài dư địa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong năm 2019, Fed đã giảm lãi suất 3 lần liên tiếp và truyền đi thông điệp sẵn sàng để nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng hơn trong một khoảng thời gian dài hơn. Nếu Fed giảm thêm lãi suất cuối năm nay thì tạo thêm điều kiện để mặt bằng lãi suất tiền đồng giảm thêm.

Chia sẻ quan điểm này, SSI Research đánh giá, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua và thời gian tới đây, thì mặt bằng lãi suất huy động có khả năng giảm tiếp vào đầu năm 2020.

Doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực “trẻ hóa” khách hàng

Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, cơ quan chức năng đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường bảo hiểm là 20%/năm đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025. Đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15%...

So với tỷ lệ khoảng 8% dân số hiện nay có hợp đồng bảo hiểm, mục tiêu trên không quá tham vọng, nhưng cũng không dễ dàng để thực hiện.

Tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá còn rất rộng lớn, tỷ lệ tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ những năm qua đạt khoảng 30%/năm, nhưng thực tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người dân tăng trưởng rất chậm và chỉ tập trung tại một số tệp khách hàng nhất định.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đang nỗ lực để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia bảo hiểm, đặc biệt với những khách hàng trẻ tuổi.

Chính vì thế, thời gian qua, hãng bảo hiểm này đã xây dựng nhiều chương trình từ phát triển sản phẩm đến tiếp thị để hấp dẫn các đối tương khách hàng trẻ.

Theo đó, khách hàng tham gia bảo hiểm thường xuyên tập thể dục chăm sóc sức khỏe có thể được giảm phí bảo hiểm…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai các kênh phân phối mới (bảo hiểm trực tuyến, tư vấn bán hàng trực tiếp qua thiết bị số) và cải tiến các dịch vụ liên quan đến chăm sóc khách hàng của các hãng bảo hiểm đã giúp người dân, đặc biệt là ở thành thị, dễ dàng tìm hiểu và kết nối với bảo hiểm nhân thọ.

Chẳng hạn, FWD Việt Nam ngay từ khi mới vào thị trường đã phát triển các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến đơn giản, dễ hiểu, phí thấp, dễ mua, dễ bồi thường để tiếp cận các khách hàng trẻ…

Cùng với chiến lược số hóa để dịch vụ tới nhanh và gần hơn với mỗi người dân, nhiều công ty bảo hiểm đang theo đuổi việc điều chỉnh và tiếp thị đúng sản phẩm, trải nghiệm tới đúng người vào đúng thời điểm.

Hiệu ứng tích cực khi lãi suất giảm

Hàng loạt ngân hàng đang tiến hành giảm lãi suất cho vay ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất.

Yêu cầu giảm lãi suất mà Thủ tướng Chính phủ “đặt hàng” ngành ngân hàng được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới cắt giảm lãi suất, dư địa giảm lãi suất trong nước cũng rất lớn. Có nhiều lý do để khẳng định rằng, dư địa giảm lãi suất trong nước hiện rất lớn:

Thứ nhất, thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất dồi dào, lợi nhuận ngân hàng 9 tháng tăng mạnh.

Thứ hai, các nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam mạnh mẽ, thu nhập của người dân tăng, khiến luồng tiền đổ vào ngân hàng tiếp tục khả quan.

Thứ ba, hàng loạt ngân hàng thương mại, sau một thời gian dài gấp rút tăng huy động vốn để đáp ứng các chuẩn mới về quản trị của NHNN, cũng không còn khát vốn như trước.

Trước mắt, tác động của đợt giảm lãi suất này với nền kinh tế trong năm 2019 là chưa nhiều và còn có độ trễ, bởi việc giảm lãi suất chỉ áp dụng với các hợp đồng tín dụng mới, lĩnh vực được giảm lãi suất là lĩnh vực ưu tiên, khách hàng phải có tình hình tài chính lành mạnh…

Dù vậy, quyết định giảm lãi suất huy động và cho vay đang tạo tâm lý rất tốt cho thị trường, góp phần kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, kinh doanh. Quyết định hạ trần lãi suất của NHNN cũng phát đi chỉ báo định hướng, khiến những ngân hàng nhỏ - dù chưa hết căng thẳng vốn - không thể tùy tiện đua lãi suất huy động như trước.

Với người gửi tiền, lãi suất giảm sâu có thể khiến họ phải cân nhắc việc có nên tiếp tục gửi tiết kiệm hay đầu tư sang kênh khác. Để giữ chân người gửi, ngân hàng buộc phải duy trì lãi suất huy động ở mức phù hợp. Việc giữ lãi suất huy động chênh lệch hợp lý so với ngoại tệ còn là một trong những giải pháp để người dân giảm đầu cơ ngoại tệ. Trong thế khó nêu trên, lãi suất sẽ chưa thể giảm sâu.

Kiểm soát nhóm tín dụng rủi ro cao

Mặc dù NHNN đã đưa ra chủ trương siết dần tín dụng vào bất động sản bởi rủi ro cao, nhưng từ đầu năm đến nay, vốn đổ vào các lĩnh vực này vẫn tiếp tục tăng mạnh. Cơ cấu cho vay của một số ngân hàng hiện cũng tập trung nhiều vào mảng bất động sản (bao gồm cả cho vay tiêu dùng), nên nguy cơ nợ xấu rất cao.

Trong báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, các lĩnh vực rủi ro bất động sản và tiêu dùng đều tăng so với cuối năm ngoái. Cụ thể, tính đến tháng 8, tín dụng bất động sản tăng tới 14,58% (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.

Theo tính toán, tồn kho bất động sản của 67 DN đang niêm yết, đến 30/6/2019 là gần 170.319 tỷ đồng, tăng 1,7% so với thời điểm đầu năm. Với lĩnh vực bất động sản, tồn kho theo kế hoạch và tồn kho trong quá trình phân phối, lưu thông là điều bình thường. Tuy nhiên, đáng quan tâm là hàng tồn kho đã đưa ra thị trường nhưng chưa tiêu thụ được vì có liên quan đến tính thanh khoản. Ngoài ra còn liên quan tới các ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu.

Thị trường bất động sản thời gian qua có thanh khoản thấp, sản phẩm tồn đọng nhiều. Hàng loạt dự án bất động sản đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Đặc biệt là những dự án condotel tại ven biển miền Trung, hay chung cư tại các thành phố lớn, có lượng khách mua rất thấp. Không ít DN có khoản nợ ngân hàng đến kỳ phải trả, nhưng không biết lấy đâu tiền trả nợ, để lâu đã thành nợ quá hạn và nợ xấu.

Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng tăng cũng dẫn đến nhiều rủi ro, góp phần làm nợ xấu gia tăng. Theo NHNN, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống 8 tháng đầu năm 2019 tăng 13,92% so với cuối năm 2018 và chiếm 20,69% tổng dư nợ nền kinh tế.

Lãi suất trái phiếu 20%/năm: Bất thường!

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cuối tháng 10/2019, Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng) đã hoàn tất đợt phát hành hơn 14 triệu trái phiếu doanh nghiệp (DN) mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm. Toàn bộ số trái phiếu này được phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Đáng chú ý là trái phiếu của Công ty Hồng Hoàng có lãi suất cao kỷ lục: 20%/năm. Trước đó, trái phiếu DN có lãi suất cao nhất là 14,5%/năm do một DN bất động sản phát hành.

Số liệu của HNX cho thấy trong tháng 10/2019 có 34 DN đăng ký phát hành trái phiếu và đã huy động thành công gần 17.000 tỉ đồng (bao gồm cả đợt phát hành của Công ty Hồng Hoàng). Tính từ đầu năm 2019 đến nay, có 176 công ty (chủ yếu là DN bất động sản) đăng ký 760 đợt phát hành trái phiếu DN; trong đó, 617 đợt phát hành thành công, huy động trên 202.000 tỉ đồng.

Một hiện tượng khác của sân chơi trái phiếu là trong bối cảnh các ngân hàng (NH) hạn chế tăng trưởng tín dụng, hệ thống NH thương mại giảm dần tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn buộc các DN cần vốn hoặc đến hạn tất toán nợ đã vay phải huy động vốn bằng trái phiếu DN để giải quyết các vấn đề tài chính. Ngoài ra, một số DN phát hành trái phiếu với mục đích đầu tư, kinh doanh. Nếu chẳng may DN phát hành trái phiếu mất khả năng thanh toán hoặc cố tình lừa đảo thì người mua trái phiếu đối mặt nguy cơ mất tiền.

NHNN đưa ra lộ trình siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 18/2019 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016 qui định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Trong thông tư mới NHNN đã đưa ra lộ trình chi tiết đưa tỉ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng về mức 30%.

Theo đó, tỉ lệ này tối đa ở mức 70% trong năm 2021. Năm 2022, tỉ lệ tối đa là 60% và năm 2023 là 50%. Tỉ lệ này sẽ giảm về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024.

Như vậy, các công ty tài chính còn hơn 4 năm để đưa tỉ lệ giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ về mức 30%.

Theo Thông tư 18/2019, giải ngân trực tiếp cho khách hàng là việc công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo qui định của pháp luật.

Như vậy, giải ngân trực tiếp bao gồm cả tiền mặt và giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt (thẻ tín dụng).

Ngoài ra, trong thông tư mới, NHNN cũng đã bổ sung thêm một số qui định trong hoạt động giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính.

Theo đó, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam tại thời điểm gần nhất so với thời điểm kí kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Hoài Sơn