Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/11: Nhiều ngân hàng vẫn 'khát' nhân sự

Cập nhật: 10:01 | 22/11/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/11/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Nâng mức cho vay học sinh, sinh viên lên tới 2,5 triệu đồng/tháng từ ngày 1/12, hơn 9.000 nhân viên được tuyển thêm trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn 'khát' nhân sự,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2211 nhieu ngan hang van khat nhan su

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/11: Moody's cảnh báo các công ty Hàn Quốc đang đầu tư và M&A quá mức

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2211 nhieu ngan hang van khat nhan su

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 20/11: BIDV nối gót xu hướng giảm lãi suất cho vay và huy động

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2211 nhieu ngan hang van khat nhan su

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/11: Bất động sản gặp khó, vốn chảy vào đâu?

Hơn 9.000 nhân viên được tuyển thêm trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn 'khát' nhân sự

Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất của 25 ngân hàng cho thấy, số lượng nhân sự tính đến cuối tháng 9 đạt khoảng 277.700 người, tăng hơn 9.100 người so với thời điểm đầu năm (tương đương tăng 3%). Trong đó, Agribank là nhà băng có nhiều nhân viên nhất với 38.129 người (ước tính theo số liệu ngày 30/6).

Ngoài Agribank, ba ngân hàng khác cũng sở hữu số lượng nhân viên ở mức hơn 20.000 người gồm VPBank (26.733 người); BIDV (25.745 người) và VietinBank (24.072 người).

Đáng chú ý, số lượng nhận viên của 10 ngân hàng lớn nhất gồm Agribank, VPBank, BIDV, VietinBank, Sacombank, Vietcombank, MBBank, HDBank, ACB và Techcombank là hơn 204.500 người, chiếm 74% tổng nhân sự của 25 ngân hàng được thống kê.

Mặt khác, trong 9 tháng đầu năm, Vietcombank là nhà băng bổ sung thêm nhiều nhân sự nhất (tăng 1.623 người so với cuối năm 2018). Cùng với Vietcombank thì Agribank, VIB, TPBank cũng là những ngân hàng có qui mô nhân sự tăng thêm hơn 1.000 người.

Trong khi đó, xét về mức tăng tương đối, VIB có tốc độ tăng nhân sự nhanh nhất, tăng 25% so với hồi đầu năm, thêm 1.345 người. Nhân sự của TPBank cũng tăng thêm 24% trong ba quí vừa qua và đạt mức kỉ lục 6.717 người.

Sự tăng trưởng nhân sự mạnh mẽ của VIB và TPBank chủ yếu xuất phát từ định hướng phát triển mạnh mảng bán lẻ của hai nhà băng này trong suốt thời gian qua. Thực tế, trong 9 tháng vừa qua, TPBank và VIB là hai ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh nhất hệ thống, lần lượt ở mức 20,4% và 28,6%.

Ngoài VIB và TPBank, VietBank và Techcombank cũng là hai ngân hàng có tăng trưởng nhân sự ở mức hai con số, lần lượt là 17% và 10%. Đáng chú ý, đây cũng là những nhà băng sở hữu tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hai con số trong ba quí đầu năm.

Trong số 25 ngân hàng khảo sát chỉ có 5 ngân hàng có số lượng nhân sự giảm gồm: OCB, VPBank, Saigonbank, ACB và VietinBank. Trong đó, OCB và VPBank là hai ngân hàng cắt giảm nhiều nhân viên nhất với lần lượt 940 người (giảm 13%) và gần 700 người (giảm 3%) so với đầu năm.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2211 nhieu ngan hang van khat nhan su
Ảnh minh họa

Kiểm toán ngân hàng 0 đồng: Cần nhưng chưa đủ

Thực trạng các ngân hàng 0 đồng ra sao đang là mối quan tâm của không ít người, thậm chí có đại biểu Quốc hội đã đề nghị thực hiện kiểm toán 3 ngân hàng 0 đồng.

“Về bản chất, sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng, thì cả 3 ngân hàng này đều là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Vì thế, việc kiểm toán 3 ngân hàng này là điều hoàn toàn bình thường như hoạt động kiểm toán đối với các doanh nghiệp Nhà nước khác”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Thậm chí theo ông, do các ngân hàng 0 đồng đều là những ngân hàng yếu kém, nên việc kiểm toán lại càng cần thiết hơn để xác định thực trạng hoạt động cũng như sớm phát hiện những rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng này.

Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi đầu tiên, là điều kiện cần; bước đi tiếp theo được xem là quan trọng hơn, là “điều kiện đủ”, đó là phải tìm ra được giải pháp để tái cơ cấu nhằm vực dậy các ngân hàng này, hoặc nếu không phục hồi được thì cần phải có giải pháp để xử lý.

Trước đó, trả lời trước cử tri về việc tăng vốn của 3 ngân hàng 0 đồng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết phương án tăng vốn điều lệ là phương án nhanh nhất giúp 3 ngân hàng này phục hồi hoạt động, nhưng lại cần nguồn lực lớn từ Nhà nước nên chưa thể thực hiện khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì thế, NHNN ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập, hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, các ngân hàng 0 đồng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại.

Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ocenbank. Còn đối với CB, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Fed loại bỏ ý định đưa lãi suất xuống mức âm

Hồi tháng 10/2019, Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm%, đưa mức lãi suất này xuống khoảng 1,5-1,75% như một biện pháp "bảo hiểm" trước những nguy cơ tiềm ẩn. Đây là lần thứ ba Fed cắt giảm lãi suất cơ bản kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra trong giai đoạn 2007 - 2008.

Trước đó, tại hai cuộc họp diễn ra vào ngày 31/7 và 18/9, Fed cũng đã cắt giảm lãi suất với cùng một mức 0,25%.

Biên bản cuộc họp cũng cho biết hầu hết thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cảm thấy động thái cắt giảm lãi suất vừa qua đủ để hỗ trợ triển vọng tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động mạnh và lạm phát tiệm cận mức mục tiêu 2% của Fed. Bên cạnh đó, lãi suất hiện tại đã được điều chỉnh vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng và có khả năng sẽ vẫn được duy trì, miễn là triển vọng nền kinh tế vẫn được giữ nguyên.

Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phát đi cảnh báo, việc kéo dài tình trạng lãi suất thấp kỉ lục ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) hay áp dụng lãi suất âm tại nhiều quốc gia đang khiến các nhà đầu tư có xu hướng chấp nhận rủi ro gia tăng khi rót tiền vào nhiều loại tài sản, từ đó có thể đe dọa sự ổn định tài chính.

Biên bản cuộc họp tháng 10 cho thấy các quan chức Fed lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở vị thế khá mạnh với thị trường lao động lành mạnh và sự chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng, hoạt động đóng góp khoảng 70% GDP. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rủi ro từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Fed dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay, cao hơn một chút so với mức tiềm năng 2% mà ngân hàng này từng đưa ra. Mặc dù vậy, các quan chức Fed vẫn cảm thấy giới doanh nghiệp vẫn rất cẩn trọng về hoạt động đầu tư, trong khi xuất khẩu sẽ vẫn yếu do bất ổn thương mại và tăng trưởng toàn cầu chậm chạp.

Nâng mức cho vay học sinh, sinh viên lên tới 2,5 triệu đồng/tháng từ ngày 1/12

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1656 điều chỉnh mức cho vay đối với HSSV. Theo đó, mức cho vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ 15/6/2017 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1 triệu đồng/tháng.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí vốn cho vay, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lí cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện Chương trình sau năm 2020 theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật hiện hành, trong phạm vi tăng trưởng kế hoạch tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm.

Ngân hàng tự cân đối nguồn vốn thực hiện từ nay đến năm 2020 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành.

KBSV: Hạ trần lãi suất huy động kì hạn ngắn trước mắt tác động chủ yếu đến nhóm ngân hàng nhỏ

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo đánh giá tác động của việc hạ trần lãi suất huy động đối với các kì hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo KBSV, về mặt tổng thể, mức độ tác động của việc hạ trần lãi suất huy động đối với hệ thống ngân hàng thương mại là không nhiều do lãi suất huy động kì hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và vẫn đang duy trì tương đối cao (tính đến ngày 18/11, lãi suất kì hạn 6 tháng từ 5,5% - 8,15%).

Theo công ty chứng khoán này, mặt bằng lãi suất đang có diễn biến trái chiều với lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức thấp kỉ lục, trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường giữa các ngân hàng và tổ chức kinh tế, dân cư) liên tục tăng trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này xuất phát từ áp lực tăng lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại nhỏ - nhằm bổ sung thanh khoản giai đoạn cuối năm, kéo theo việc tăng lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại lớn để giữ thị phần.

Với ước lượng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thêm khoảng 300.000 tỉ đồng trong hai tháng cuối năm (tăng trưởng tín dụng khoảng 14%), tác động của việc hạ lãi suất cho vay 0,5%, với giả định sẽ diễn ra trên diện rộng ở toàn bộ khối lượng cho vay trong 2 tháng cuối năm đối với lĩnh vực ưu tiên, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lãi vay vào khoảng 6.000 - 7.000 tỉ đồng.

Đối với thị trường chứng khoán, KBSV cho rằng tác động trong ngắn hạn sẽ là tích cực. Theo thống kê dữ liệu lịch sử, trong 8 lần NHNN hạ trần lãi suất huy động/cho vay giai đoạn 2012 – 2014, chỉ số VN-Index đã tăng trung bình 1,9% sau khi thông tin công bố được 1 tuần.

Đối với tỷ giá, việc giảm lãi suất tiền đồng sẽ giảm phần nào áp lực lên đường tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER) và tỷ giá thực đa phương (REER) trong thời gian tới.

ADB ra qui định mới về cho vay đối với các nền kinh tế đang phát triển

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết đã phê chuẩn quyết định ban hành các điều khoản cho vay đa dạng đối với các nền kinh tế và nước thành viên đang phát triển, theo đó các nhóm có thu nhập cao hơn sẽ phải trả phần bù đáo hạn cao hơn cho các khoản vay dài hạn.

Theo thông báo của ADB, cơ chế mới sẽ được thực hiện từ ngày 1/1//2021.

Các nước nhận các khoản vay và trợ cấp từ ADB được chia làm ba nhóm A, B, và C theo tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người và tín nhiệm.

Danh sách các nước trong mỗi nhóm sẽ được cập nhật trước khi áp dụng cơ chế mới, với các số liệu mới nhất về GNI bình quân đầu người.

Các điều khoản tài trợ được đưa ra cho các nước và các nền kinh tế thuộc nhóm A và B đã được đa dạng hóa với sự kết hợp các khoản trợ cấp, các khoản vay ưu đãi và khoản vay theo thị trường.

Các nước nhóm C có sự chênh lệch lớn hơn về thu nhập bình quân đầu người nhưng cùng tuân thủ các điều khoản tài trợ chung.

Theo quy định mới, ADB cho biết các nước nhóm C sẽ được chia thành một số nhóm nhỏ theo GNI là nước có thu nhập trung bình thấp, trung bình cao và cao.

Các nước có thu nhập trung bình cao sẽ phải chịu phần bù đáo hạn đối với các khoản vay dài hạn cao hơn.

Theo ADB, quy định mới sẽ đưa ra các điều khoản có lợi hơn cho những nước dễ bị tổn thương hơn như các quốc đảo đang phát triển và các nước đang chuyển đổi từ nhóm B sang nhóm C.

Hoài Dương