Bản tin tài chính ngân hàng ngày 2/12: Ngân hàng ngoại thứ hai được chấp thuận áp dụng Basel II

Cập nhật: 10:09 | 02/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 2/12/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Standard Chartered Việt Nam trở thành ngân hàng ngoại thứ hai được chấp thuận áp dụng Basel II, chặn nguy cơ nợ xấu từ các dự án BOT giao thông,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 212 ngan hang ngoai thu hai duoc chap thuan ap dung basel ii

Sự kiện ngành ngân hàng nổi bật trong tuần qua (25/11 - 29/11)

ban tin tai chinh ngan hang ngay 212 ngan hang ngoai thu hai duoc chap thuan ap dung basel ii

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 29/11: Quy định mới giúp người chuyển khoản nhầm lấy lại tiền

ban tin tai chinh ngan hang ngay 212 ngan hang ngoai thu hai duoc chap thuan ap dung basel ii

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 28/11: Nắn dòng cho vay tiêu dùng các công ty tài chính

Standard Chartered Việt Nam trở thành ngân hàng ngoại thứ hai được chấp thuận áp dụng Basel II

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2472 về việc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam áp dụng Thông tư số 41.

Cụ thể, Thống đốc NHNN quyết định Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam áp dụng Thông tư 41 của Thống đốc NHNN qui định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kể từ ngày 1/12/2019 (Basel II).

Trước đó, NHNN đã phê duyệt cho 14 ngân hàng thương mại cho phép áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong hoạt động kinh doanh theo Thông tư 41 bao gồm: Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, VietCapitalBank, OCB, VIB, Shinhan Bank và VietBank.

NHNN yêu cầu Standard Chartered Việt Nam thực hiện chuyển hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng đối với hệ thống tính CAR trong tối thiểu một ngày làm việc theo qui định tại Thông tư số 18 để đảm bảo hệ thống có thể hoạt động liên tục trong trường hợp có thảm họa.

Standard Chartered Việt Nam phải ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các qui định nội bộ cam kết, đồng thời rà soát các khoản mục trên sổ kinh doanh và sổ ngân hàng theo kế hoạch cam kết.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 212 ngan hang ngoai thu hai duoc chap thuan ap dung basel ii
Ảnh minh họa

Chặn nguy cơ nợ xấu từ các dự án BOT giao thông

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay có nhiều dự án BOT giao thông đã hoàn thành và đi vào khai thác, nhưng doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn yêu cầu Công ty cổ phần BOT 38 thực hiện việc quản lý bảo trì dự án Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5, sau khi nhiều tháng không trả tiền cho đơn vị quản lý bảo trì dẫn đến ngừng việc bảo trì dự án này từ đầu tháng 11.

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã nhận được nhiều văn bản của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng báo cáo khó khăn trong quá trình thực hiện dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận điều chỉnh lại cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho nhà đầu tư.

Với các dự án BOT có doanh số sụt giảm lớn so với phương án tài chính ban đầu; trong đó có dự án BOT Quốc lộ 19, tại dự án này Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu đối với Tổng công ty 36, nếu không được các cơ quan chức năng cho phép giữ nguyên nhóm nợ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục cảnh báo các ngân hàng thương mại liên quan đến cho vay các dự án BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng của năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% so với cuối năm ngoái, nhưng cho vay các dự án BOT, BT giao thông chỉ tăng 1,85%.

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng.

Để giảm thiểu rủi ro trong cho vay, tăng tính khả thi của dự án, Ngân hàng Nhà nước xét thấy cần tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thu phí, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Ám ảnh “mưa” thưởng cổ phiếu ESOP cuối năm

Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tổng kết, nhìn lại một năm hoạt động kinh doanh và cũng không quên "tri ân" người lao động vì những đóng góp trong suốt một năm đã qua.

Một trong những hình thức khen thưởng phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng trong những năm gần đây, đặc biệt có xu hướng dày lên trong năm 2019, là phát hành cổ phiếu ESOP.

Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam dồn dập đón nhiều doanh nghiệp niêm yết thực hiện ESOP. Cuối năm, "cơn mưa" ESOP càng trở nên nặng hạt và ám ảnh đối với cổ đông, khi xuất hiện những kế hoạch lớn.

Một trong những doanh nghiệp tích cực phát hành cổ phiếu ESOP nhất trên sàn chứng khoán có thể kể đến CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG). Mới đây, MWG đã thông qua phương án phát hành hơn 10,6 triệu cổ phiếu ESOP (2,4% lượng cổ phiếu lưu hành) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, từ khi lên sàn giữa tháng 7/2014, chỉ duy nhất năm 2016 doanh nghiệp bán lẻ này không thực hiện phát hành cổ phiếu ESOP. Đáng chú ý, số lượng cổ phiếu ESOP phát hành hàng năm của MWG thường chiếm khoảng 2 – 3% lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này tại từng thời điểm.

Số cổ phiếu ESOP này thường bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm, trong đó mỗi năm sẽ có 25% cổ phần đã nhận được tự do chuyển nhượng. Không thể phủ nhận đây là một trong những chiến lược hiệu quả giúp MWG giữ chân lao động có năng lực.

Việt Nam vào nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới

Thống kê trong tháng 11, tỉ giá tiếp tục ổn định khi dao động trong biên độ hẹp. Giá USD trong ngân hàng thương mại chỉ tăng nhẹ 0,02% và gần như đi ngang so với đầu năm. Tỉ giá trung tâm tăng 1,45% so với đầu năm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối tích cực.

Đóng cửa cuối tuần, giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh mức 23.125 đồng/USD mua vào, 23.245 đồng/USD bán ra, gần như không biến động trong nhiều ngày qua.

Thậm chí, ngày cuối tuần, giá mua vào USD của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước bất ngờ được hạ xuống mức 23.175 đồng/USD, giảm 25 đồng mỗi USD so với mức niêm yết trước đó. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau 11 tháng (từ đầu tháng 1) đứng yên, trong khi giá bán ra vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 23.807 đồng/USD.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích những yếu tố giúp tỉ giá ổn định thời gian qua là nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cán cân thương mại lũy kế 11 tháng thặng dư tới 9,1 tỉ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng tốt với vốn giải ngân đạt 17,62 tỉ USD; Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, ước đạt 16,7 tỉ USD trong năm nay.

TP HCM hiện là địa phương thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về Việt Nam qua TP tăng khoảng 10% - 15% mỗi năm, có năm chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối cả nước.

Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Cơ quan TTGSNH) tọa đàm với KPMG về Quy trình ICAAP

Trong khi một số tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã bắt đầu hành trình triển khai ICAAP từ phía Ngân hàng, cơ quan quản lý cũng đang tích cực chuẩn bị cho quy trình đánh giá ICAAP của cơ quan quản lý (SREP).

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, KPMG rất vinh dự có hơn 50 cán bộ cấp cao của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Cơ quan TTGSNH) đã tham gia tọa đàm với KPMG về Quy trình ICAAP. Với nhận định ICAAP là một yêu cầu pháp lý quan trọng chiến lược trong Thông tư 13 (13/2018/TT-NHNN), các chuyên gia Quản lý rủi ro tài chính của KPMG bao gồm bà Trương Hạnh Linh – Phó Tổng Giám đốc, ông Amitava Mukherjee – Phó Tổng Giám đốc, ông Manpreet Rekhi - Phó Giám đốc, và ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Giám đốc đã chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tiên tiến về ICAAP đã được triển khai ở các thị trường khác. Các chuyên gia KPMG và các cán bộ (Cơ quan TTGSNH) cũng thảo luận nhiều thách thức thực tế và tác động quan trọng tiềm tàng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng như cách tiếp cận khả thi về yêu cầu vốn để lựa chọn kịch bản kiểm tra căng thẳng, tích hợp kinh doanh và rủi ro.

Là đơn vị Tư vấn hàng đầu tại Việt Nam, KPMG cam kết hỗ trợ cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tín dụng nhằm thúc đẩy một môi trường ngành tài chính ngân hàng vững mạnh.

Nới hay bỏ trần chi phí lãi vay?

Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết có hiệu lực thi hành từ 1/5/2017 quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (Khoản 3, Điều 8).

Phát biểu tại cuộc họp vừa qua của Chính phủ với một số bộ, ngành, doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI thẳng thắn chỉ ra rằng, quy định như Nghị định 20/2017/NĐ-CP có thể dẫn tới đánh thuế 2 lần trên cùng một giao dịch, thuế chồng lên thuế, làm cản trở việc tiếp cận tăng nguồn vốn cho hoạt động của các tập đoàn; đồng thời cản trở chủ trương phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, cũng như cản trở đến việc khuyến khích các tập đoàn tư nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, giáo dục, y tế thuộc các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư vào các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với hoàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam luôn thiếu vốn và trong điều kiện lãi suất ở Việt Nam luôn ở mức cao, thì không nên khống chế tổng chi phí lãi vay ở mức 20%, thậm chí là 50%, miễn là chi phí thật và hợp lý, hợp lệ cũng cần phải được chấp nhận.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng 20% là không có cơ sở thuyết phục và chưa tính đến đặc thù của Việt Nam, do doanh nghiệp Việt Nam luôn phải vay nợ nhiều và thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh như các quốc gia trên thế giới. "Việt Nam nên quy định trần chi phí lãi vay khoảng 28 - 30% theo khuyến nghị của OECD và hiện nhiều nước đang quy định ở mức 30%", TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, quy định này chưa chưa tính đến các ngành có đặc thù là đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên doanh nghiệp phải vay nhiều như điện lực, hạ tầng giao thông, bất động sản… Quy định cũng chưa phân biệt đối tượng ở đây là công ty mẹ/tập đoàn hay công ty con, riêng lẻ; cũng không nói rõ chi phí lãi vay ở đây là chỉ áp dụng trong giao dịch vay liên kết hay áp dụng đối với tất cả các khoản vay nên đang được hiểu là "tất cả".

Văn Khương