Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/10: Xử lí nợ xấu vướng từ qui định chồng chéo

Cập nhật: 09:09 | 21/10/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/10/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những tin chính như sau: Kienlongbank lãi sau thuế 188 tỉ đồng, tăng chi cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế 9 tháng của VietBank đạt 429 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kì,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2110 xu li no xau vuong tu qui dinh chong cheo

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/10: Nguy cơ rửa tiền từ đồng tiền điện tử

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2110 xu li no xau vuong tu qui dinh chong cheo

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/10: Lãi trước thuế của ABBank đạt 856 tỉ đồng sau 9 tháng

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2110 xu li no xau vuong tu qui dinh chong cheo

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 17/10: Lãi sau thuế 9 tháng của Saigonbank gấp đôi cùng kì

'Chính sách lãi suất âm có thể đầu độc môi trường kinh doanh'

Lãi suất thấp có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng cho vay vì nó thu hẹp biên lợi nhuận của họ. Trong môi trường lãi suất âm, hạ lãi suất sâu hơn đồng nghĩa rằng ngân hàng cho vay phải chi trả cho NHTW nhiều hơn nhằm duy trì vốn vượt hạn mức qua đêm (overnight excess fund).

Các ngân hàng châu Âu đã phải vật lộn trong nhiều năm trong một môi trường lãi suất thấp liên tục, lần đầu tiên chạm mức 0 vào năm 2012 trước khi chuyển sang lãi suất âm năm 2014.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa lãi suất xuống dưới mức 0 vào tháng 9 vừa qua, và các NHTW khác tại Đan Mạch, Thụy Điển và Nhật Bản cũng bắt chước theo.

"Chúng ta phải đảo ngược quá trình đó. Bình thường hóa lãi suất phải là ưu tiên hàng đầu trong việc quản lí nền kinh tế ở thì tương lai", ông Hedrick-Wong phát biểu. "Cơn nghiện tín dụng giá rẻ chính là vấn đề, chứ không phải giải pháp gì".

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất do lo ngại về sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu và bất ổn xoay quanh Brexit cũng như các chiến tranh thương mại.

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, từng cảnh báo NHTW Mỹ có thể hạ lãi suất "mạnh tay hơn nữa".

Sau cùng, chính sách tiền tệ "có thể kém hiệu quả hơn" trong việc hỗ trợ tăng trưởng khi hầu hết nền kinh tế lớn chủ yếu sử dụng nó như một công cụ chính sách, giáo sư Đại học Cornell Eswar Prasad cho hay.

Thay vào đó, ông Prasad khuyên chính phủ các nước nên cân bằng công cụ chính sách, trong đó có việc kích thích tài khóa.

"Sự phụ thuộc dai dẳng vào lãi suất âm khiến hệ thống tài chính dễ bị tổn thương và không mang lại nhiều tác động đến tăng trưởng", giáo sư Đại học Cornell viết trong một bài luận mới đây.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2110 xu li no xau vuong tu qui dinh chong cheo
Ảnh minh họa

Kienlongbank lãi sau thuế 188 tỉ đồng, tăng chi cho nhân viên trong 9 tháng đầu năm

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019 với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 236 tỉ đồng, tăng 5,9% so với cùng kì 2018 và thực hiện được 77% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỉ đồng, tăng 5,6%.

Trong 9 tháng đầu năm, hầu hết nguồn thu nhập của Kienlongbank đều ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 24%, mang về 892 tỉ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 25%, đạt 50 tỉ đồng; lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 76,5%, mang về 21 tỉ đồng; lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác đạt 21 tỉ đồng, tăng 35%.

Chứng khoán đầu tư là mảng kinh doanh duy nhất ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kì khi chỉ tạo ra 42 tỉ đồng lãi thuần, giảm hơn 60%.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của Kienlongbank đạt 1.026 tỉ đồng, tăng 15%; trong khi chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 15,8% lên mức 748 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ngân hàng đạt 278 tỉ đồng, tăng trưởng 12,7%.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, chí phí dự phòng rủi ro của Kienlongbank tăng mạnh hơn 74% lên mức 43 tỉ đồng.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản Kienlongbank đạt 46.875 tỉ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 8,3%, ở mức 31.907 tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt gần 31.494 tỉ đồng, tăng 7,8%.

Trong ba quí vừa qua, nợ xấu của ngân hàng đã tăng thêm 63 tỉ đồng lên 341 tỉ đồng, tương đương 22,8%. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu tăng từ 0,94% tại thời điểm cuối năm 2018 lên mức 1,07%.

Số dư trái phiếu VAMC mà Kienlongbank nắm giữ vào cuối tháng 9 là gần 111 tỉ đồng, giảm hơn 27% so với cuối năm 2018, trong đó đã trích lập dự phòng gần 80 tỉ đồng.

Lãi trước thuế 9 tháng của VietBank đạt 429 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kì

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank)công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 429 tỉ đồng, tăng 42% so với cùng kì năm 2018.

Thu nhập lãi thuần đạt 909 tỉ đồng, tăng 15% còn lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi lên 22 tỉ đồng.

Trong khi đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán giảm 52%, 19%, lần lượt xuống 9,6 tỉ đồng và 133 tỉ đồng. Lãi từ hoạt động khác lại tăng mạnh 146% lên 104 tỉ đồng.

Chi phí hoạt động trong kì của VietBank đạt 712 tỉ, tăng 10% so với cùng kì. Chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 54% xuống còn 36,6 tỉ đồng.

Tính tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của VietBank đạt 61.505 tỉ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 10,3% đạt 39.143 tỉ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 13,8% đạt 45.351 tỉ.

Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành 158 tỉ đồng, giảm 6% so với đầu năm, trong đó dự phòng trái phiếu đặc biệt 77,9 tỉ đồng, tăng 5,1%.

Nợ xấu của ngân hàng là 481 tỉ, tăng 8%, tỉ lệ nợ xấu tăng 1,29% giảm xuống còn 1,23%.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: VPBank dẫn đầu thanh khoản, giao dịch thỏa thuận EIB tăng đột biến

Kết thúc tuần tuần giao dịch vừa qua (14/10 - 18/10), giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM đạt 902.002 tỉ đồng, tăng 2.010 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước (ngày 11/10), tương ứng với mức tăng 0,2%.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 315.255 tỉ đồng, gấp 2,3 lần ngân hàng đứng thứ là BIDV (137.090 tỉ đồng) và gấp 3,7 lần ngân hàng đứng thứ ba là Techcombank (80.426 tỉ đồng).

Ngược lại, NCB, Kienlongbank và VietBank đang là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất lần lượt ở mức 2.649 tỉ đồng, 3.237 tỉ đồng và 6.746 tỉ đồng.

Trong tuần qua, chỉ có 7/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá; trong đó, NVB (NCB) là cổ phiếu tăng mạnh nhất (tăng 4,8%). Đứng sau NVB về mức tăng giá lần lượt là TCB (tăng 3,4%), CTG (tăng 2,1%). Ngoài ra, một số cổ phiếu có mức tăng giá trên 1% trong tuần như VPB (tăng 1,4%), TPB (tăng 1,3%) và MBB (tăng 1,1%).

Ở chiều ngược lại, có 7 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tuần với STB là mã giảm mạnh nhất (giảm 1,8%). Ngoài ra, BID và VIB cũng là hai mã giảm hơn 1% trong tuần qua. 4 cổ phiếu đứng giá trong tuần này gồm VBB, SHB, LPB và KLB.

Xét về thanh khoản, trong tuần có tổng cộng hơn 221 triệu cp ngân hàng được giao dịch tương ứng với giá trị đạt 4.628 tỉ đồng, tăng 18,8% về khối lượng và tăng 18,7% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 38,5 triệu đơn vị được trao tay, tương ứng với giá trị hơn 847 tỉ đồng.

Đáng chú ý, đây là tuần thứ hai liên tiếp VPB dẫn đầu thanh khoản nhóm ngành ngân hàng. Trong tuần trước, hơn 41,9 triệu cổ phiếu VPB cũng đã được trao tay giữa các nhà đầu tư.

Thanh khoản VPB tăng mạnh trong những tuần gần đây trong bối cảnh VPBank đang thực mua cổ phiếu quĩ với khối lượng dự kiến mua tối đa là 50 triệu cổ phiếu.

Xếp tiếp sau VPB về thanh khoản lần lượt là MBB với gần 34,6 triệu cp, EIB (21,4 triệu cp), CTG (21,1 triệu cp), STB (19,3 triệu cp), TCB (16,2 triệu cp), SHB (15,5 triệu cp) và ACB (13 triệu cp)…

Trong khi đó, TPB, VBB và KLB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất, lần lượt ở mức 2,4 triệu cp, 190.000 cp và 8.700 cp.

Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với 'quả bom nợ' 19.000 tỉ USD

Guardian dẫn báo cáo của quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, lãi suất thấp đang khuyến khích các công ty gia tăng vay nợ. Khối nợ này có thể trở thành một quả bom hẹn giờ 19.000 tỷ USD nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới xảy ra, IMF cảnh báo.

Trong báo cáo cập nhật bán niên về các thị trường tài chính thế giới, IMF cho biết gần 40% khoản nợ thuộc các công ty từ 8 nền kinh tế lớn của thế giới, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, là không thể chi trả, nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế với quy mô bằng một nửa so với cuộc khủng hoảng năm 2008 diễn ra.

Các quan chức IMF cảnh báo: “Các tập đoàn tại tám nền kinh tế lớn đang gánh nhiều nợ hơn và khả năng chi trả các khoản nợ này của họ đang suy yếu”.

Theo IMF, lãi suất thấp và các biện pháp kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu ở các nước phát triển và đang phát triển đã thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng vay nợ, mặc dù nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.

IMF cảnh báo các quốc gia thành viên không lặp lại những sai lầm đã mắc phải vào đầu những năm 2000, khi các dấu hiệu cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bị phớt lờ.

Họ nói thêm rằng, trong sáu tháng qua, các tổ chức tài chính phi ngân hàng, chẳng hạn như quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm, đã trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Hiện tại 80% quy mô của các nền kinh tế, tính theo GDP, được cho là đang chịu rủi ro, trong đó có các lĩnh vực tài chính quan trọng. Đây là một mức tương tự với độ rủi ro của cuộc khủng hoảng tài chính.

Xử lí nợ xấu vướng từ qui định chồng chéo

Qua hai năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lí nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), công tác xử lí nợ xấu đã có những kết quả rất tích cực.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), vẫn còn nhiều quy định chồng chéo và sự phối hợp chưa tích cực giữa các cơ quan quản lý và địa phương cần được khắc phục để nợ xấu thực sự được giải quyết hiệu quả.

Nghị quyết 42 lần đầu tiên quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu; cho phép tổ chức tín dụng, VAMC được áp dụng biện pháp thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, đồng thời cho phép tổ chức tín dụng và VAMC bán các tài sản đảm bảo này cho các tổ chức, cá nhân không phải công ty mua bán nợ, qua đó góp phần hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ xấu trong thời gian tới.

Đặc biệt, Nghị quyết 42 đã nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng. Cụ thể, VAMC thành lập từ năm 2013 đến nay, nhưng chỉ trong 2 năm từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực vào tháng 8/2017 đến nay, lũy kế thu hồi nợ đã chiếm tới 56% tổng nợ lũy kế từ khi thành lập VAMC.

Mặc dù Nghị quyết 42 đã tạo ra rất nhiều thuận lợi để đẩy nhanh công tác thu hồi nợ xấu, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp việc giải quyết nợ xấu chưa nhận được sự phối hợp của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, mua bán nợ còn gặp vướng mắc do sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Tôi lấy ví dụ đơn cử như trường hợp tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH Đầu tư APG mua lại tài sản của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành theo hình thức đấu giá.

Ngoài vướng mắc trên, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn gặp khó trong nghĩa vụ nộp thuế. Nghị quyết 42 đã có quy định cụ thể về thứ tự ưu tiên thanh toán.

Nghĩa là khi các ngân hàng hoặc VAMC xử lý tài sản được ưu tiên sử dụng số tiền thu hồi từ việc xử lý tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo, tuy nhiên khi làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng tài sản, vẫn còn một số cục thuế địa phương yêu cầu người trúng đấu giá hoặc tổ chức tín dụng, VAMC phải thực hiện thay nghĩa vụ thuế đó cho bên thế chấp.

Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

Thu Hoài

Tin cũ hơn
Xem thêm