Chính sách - Đầu tư

Bản đồ hành chính Hưng Yên sẽ thay đổi ra sao sau khi sáp nhập 71% xã phường?

Nguyễn Trang 24/04/2025 20:39

Tỉnh Hưng Yên sẽ giảm từ 139 xuống còn 39 đơn vị hành chính cấp xã, thông qua đề án sáp nhập được sự đồng thuận cao của cử tri.

Cải cách hành chính theo hướng đồng bộ và toàn diện

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (ĐVHC) vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên thống nhất cao tại hội nghị lần thứ 37, địa phương này sẽ tiến hành sáp nhập, giảm 71,9% số lượng đơn vị cấp xã hiện hữu. Cụ thể, từ 139 đơn vị (gồm 13 phường, 8 thị trấn và 118 xã), sau khi sắp xếp, Hưng Yên sẽ còn lại 39 đơn vị, gồm 6 phường và 33 xã.

bản đồ Hưng Yên sau sắp xếp
Bản đồ tỉnh Hưng Yên theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Đáng chú ý, tất cả các đơn vị hành chính mới đều được hình thành trên cơ sở sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính trở lên, cho thấy quy mô điều chỉnh lớn và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành.

Sáp nhập liên huyện: Thực hiện theo hướng mở và linh hoạt

Ngoài các sáp nhập trong nội bộ từng huyện, tỉnh Hưng Yên cũng thực hiện một số trường hợp liên huyện. Cụ thể, xã Mễ Sở (huyện Văn Giang) được sáp nhập thêm xã Bình Minh (huyện Khoái Châu); xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ) sáp nhập xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu); xã Tân Hưng (TP Hưng Yên) nhập thêm xã Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ).

sáp nhập TP Hưng Yên
Dự kiến tên gọi và vị trí đặt trụ sở xã, phường ở TP Hưng Yên (Ảnh: Báo Hưng Yên)
sáp nhập Văn giang
Dự kiến tên gọi và vị trí đặt trụ sở xã ở Văn giang (Ảnh: Báo Hưng Yên)
sáp nhập Văn Lâm
Dự kiến tên gọi và vị trí đặt trụ sở xã ở Văn Lâm (Ảnh: Báo Hưng Yên)
sáp nhập Tiên Lữ
Dự kiến tên gọi và vị trí đặt trụ sở xã ở Tiên Lữ (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Việc sáp nhập liên huyện cho thấy Hưng Yên không bó hẹp trong khuôn khổ địa giới hành chính truyền thống, mà hướng đến sự linh hoạt trong quy hoạch lại các đơn vị phù hợp với điều kiện thực tiễn, dân cư và kết cấu hạ tầng.

Theo đề án, sau khi sắp xếp, cơ cấu tổ chức cấp xã ở Hưng Yên sẽ được rút gọn mạnh mẽ. Thành phố Hưng Yên còn 3 phường và 1 xã; các huyện như Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm, Văn Giang, và thị xã Mỹ Hào đều chỉ còn từ 3 đến 5 đơn vị cấp xã hoặc phường.

Việc giảm 100 đơn vị hành chính cấp xã kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng chi ngân sách, đồng thời tăng cường khả năng phục vụ người dân một cách hiệu quả hơn.

Đồng thuận từ nhân dân – yếu tố then chốt

Một điểm sáng trong quá trình triển khai đề án là mức độ đồng thuận cao từ người dân. Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên, hơn 80% cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn đã tham gia bỏ phiếu và đồng ý với nội dung sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.

Nội dung lấy ý kiến bao gồm: phương án sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, tên gọi của tỉnh mới, trụ sở hành chính tỉnh sau sắp xếp; phương án sáp xếp các xã, tên gọi và trụ sở mới sau sáp nhập.

Kết quả này là thành quả của quá trình tuyên truyền, vận động tích cực từ hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể. Thông qua các hoạt động truyền thông, nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân đã nhận thức rõ hơn về mục tiêu, lợi ích lâu dài và vai trò chủ động trong tham gia xây dựng hệ thống chính quyền tinh gọn, hiệu quả.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bản đồ hành chính Hưng Yên sẽ thay đổi ra sao sau khi sáp nhập 71% xã phường?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO