Đất & Người

Bản đồ du lịch Hà Nội: Một địa điểm "check-in" thiêng liêng dịp lễ 30/4 mà bạn không nên bỏ lỡ

Uyên Chi 20/04/2025 10:44

Trước thềm dịp lễ 30/4, địa điểm đắc địa này trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân và du khách, mang đậm dấu ấn lịch sử và tinh thần dân tộc Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 4, khu vực đường Độc Lập phía trước Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) rộn ràng hơn bao giờ hết. Dù thời tiết đã bắt đầu oi bức, dòng người đổ về nơi đây vẫn tấp nập từ sáng sớm đến chiều muộn.

quangtruong2.jpg
Quảng trường Ba Đình: Trái tim của thủ đô, chứng nhân của lịch sử hào hùng

Họ là những người trẻ háo hức ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ, là những gia đình đưa con nhỏ về cảm nhận hồn thiêng đất nước, là những cặp đôi lưu lại hình ảnh bên quốc kỳ đỏ thắm. Tất cả cùng hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

“Check-in” bên biểu tượng thiêng liêng của thủ đô

Giữa không gian lịch sử ấy, hình ảnh người dân trong tà áo dài truyền thống, tay cầm cờ Tổ quốc, nở nụ cười rạng rỡ bên nền cờ đỏ sao vàng trở thành khoảnh khắc xúc động. Không chỉ là nơi tham quan, Quảng trường Ba Đình còn là “tọa độ check-in” mang tính biểu tượng cho mỗi dịp lễ lớn của dân tộc.

quangtruon2g.jpg
quangtruong1.jpg
Những hình ảnh người dân trong tà áo dài truyền thống, tay cầm cờ Tổ quốc, nở nụ cười rạng rỡ bên nền cờ đỏ sao vàng trở thành khoảnh khắc xúc động

Các em nhỏ theo chân bố mẹ về đây không chỉ để chụp ảnh, mà còn được dạy về tình yêu quê hương từ những câu chuyện giản dị của ông bà, cha mẹ. Trong ánh mắt trong veo của trẻ thơ là niềm vui hồn nhiên, còn trong ánh nhìn của người lớn là sự tri ân quá khứ và kỳ vọng về một tương lai bền vững cho đất nước.

quangtruong.jpg
Những mầm non tương lai của đất nước cũng được bố mẹ dẫn tới Quảng Trường

Hành trình lịch sử của một không gian đặc biệt

Ít ai biết rằng, vị trí hiện tại của Quảng trường Ba Đình từng là khu đất hoang thời đầu thế kỷ 20. Sau khi người Pháp san lấp hồ ao, nơi đây được xây dựng thành vườn hoa Puginier, còn gọi là Quảng trường tròn. Xung quanh khu vực này là các biệt thự, công sở của Pháp thuộc, cho đến khi bác sĩ Trần Văn Lai – Thị trưởng Hà Nội thời kỳ Cách mạng Tháng Tám – quyết định đổi tên khu vực này thành Quảng trường Ba Đình để tưởng nhớ phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Đinh Công Tráng ở Thanh Hóa.

Chỉ hơn một tháng sau khi chính thức mang tên Ba Đình, nơi đây trở thành sân khấu của thời khắc trọng đại nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Ngày 2/9/1945, tại chính quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện đã biến mảnh đất từng là vườn hoa phương Tây thành trái tim chính trị – lịch sử của cả dân tộc.

Nơi lưu giữ ký ức dân tộc

Sau sự kiện 2/9, Quảng trường Ba Đình lần lượt chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng. Từ năm 1954, khi Hà Nội được tiếp quản, nơi đây trở thành trung tâm hành chính, với Phủ Chủ tịch – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc cho đến năm 1969.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình được khởi công năm 1973 và khánh thành vào năm 1975, đã trở thành nơi hội tụ tinh thần của cả dân tộc. Không chỉ là địa điểm tổ chức các lễ tưởng niệm, chào mừng nguyên thủ quốc tế hay mít tinh quốc gia, lăng Bác còn là điểm đến đầu tiên trong hành trình của nhiều người Việt Nam khi đến với Thủ đô.

Phía sau lăng là Bảo tàng Hồ Chí Minh, công trình khánh thành nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1990), với hàng chục nghìn hiện vật lưu giữ cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Cạnh đó, Hội trường Quốc hội (nay là Hội trường Ba Đình mới) và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng, tạo thành một quần thể kiến trúc – lịch sử – chính trị quy mô, gắn liền với những dấu ấn không thể phai mờ của dân tộc Việt Nam hiện đại.

Quảng trường Ba Đình ngày nay là khuôn viên rộng lớn, dài 320m, rộng 100m, có sức chứa lên đến 200.000 người. Với 168 ô cỏ xanh mướt đan xen lối đi rộng, nơi đây trở thành “phòng sinh hoạt chính trị ngoài trời” cho biết bao thế hệ.

Cột cờ giữa quảng trường cao 30m là nơi thường xuyên diễn ra nghi thức chào cờ vào sáng thứ Hai hàng tuần, thu hút hàng trăm người dân và du khách. Vào các dịp lễ lớn như Quốc khánh, Tết Độc lập, kỷ niệm 30/4, nơi đây lại rộn ràng không khí vui tươi, trang nghiêm nhưng gần gũi, gắn kết.

quangtruong4.jpg
Quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, trở thành niềm tự hào của nhân dân thủ đô và nhân dân cả nước

Quảng trường Ba Đình – nơi kết nối ký ức và khát vọng

Không chỉ là “bản đồ du lịch” quen thuộc của Hà Nội, Quảng trường Ba Đình là không gian nơi ký ức lịch sử hòa quyện cùng nhịp sống hiện đại. Là điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về cội nguồn, là nơi lan tỏa tình yêu Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong các dịp lễ trọng đại như 30/4 – ngày mà dân tộc Việt Nam vinh danh độc lập, thống nhất và tinh thần đoàn kết.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bản đồ du lịch Hà Nội: Một địa điểm "check-in" thiêng liêng dịp lễ 30/4 mà bạn không nên bỏ lỡ
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO