Bài học khó quên từ một khoản đầu tư thua lỗ

Cập nhật: 07:30 | 03/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Cắt lỗ là một hành động mà ai cũng đau đớn trong đầu tư chứng khoán, nhất là khi số tiền cắt lỗ là tiền đi vay, tiền đòn bẩy tài chính. Nhưng đôi khi chúng ta buộc phải dũng cảm cắt lỗ nếu không muốn nhận thiệt hại nhiều hơn.

Đầu tư chứng khoán - Ai dám 'cắt" tay chân mình'?
Sự thiếu chuyên nghiệp đôi khi thể hiện ở hành động… chần chừ cắt lỗ, Đồ họa: Đức Anh

Cô bé với mái tóc dạt dẻ, đang nhâm nhi ly cafe trước cửa sàn giao dịch một công ty chứng khoán. Tôi không biết cô tên gì, có lẽ cô chưa có gia đình vì trên tay cô không đeo nhẫn. Tôi đã nghe kể về nhiều trường hợp phụ nữ có chồng, bỏ nhẫn ra để tiện làm ăn giao dịch. Đó chắc chắn không phải trường hợp cô bé này vì trông cô còn khá trẻ.

“Em mới làm broker, có gì anh ủng hộ em nhé!”, cô gái nói với tôi với điệu bộ ngập ngừng. Kiểu đó không giống với sự e dè giả tạo của đội môi giới... cáo già.

“Ok, tôi sẽ ủng hộ cô em!”, tôi đáp.

Sau đó cô gái ngồi thao thao bất tuyệt với tôi về độ tốt của một cổ phiếu ngành thép. Còn tôi đắm chìm trong trận đồ trải đầy hoa hồng và ánh sáng. Ôi, ngồn ngộn thông tin thốt ra từ đôi môi xinh đẹp của mỹ nhân có sức thuyết phục hơn nhiều so với cái miệng đầy râu ria của một gã trai nào đó!

Chỉ cần thế là đủ để tôi lên tàu với hơn chục anh em trong một đội nhóm. Cô broker xinh đẹp láy đi láy lại về một cơ hội đầu tư an toàn và lãi cao.

Tuy nhiên sau đó cổ phiếu bắt đầu vào chu kỳ lao dốc. Bạn đoán tôi sẽ lỗ nặng đúng không? Mới chỉ đúng một nửa. Đáng lẽ tôi sẽ không lỗ đến thế. Chỉ vì tôi không dũng cảm bán cắt lỗ.

Cắt lỗ là một hành động mà ai cũng đau đớn, nhất là khi số tiền cắt lỗ là tiền đi vay, tiền đòn bẩy tài chính. Nhưng nhiều khi chúng ta buộc phải dũng cảm cắt lỗ nếu không muốn nhận thiệt hại nhiều hơn.

Từ khi lập đỉnh hồi đầu năm đến nay, cũng như thị trường tăng mạnh năm 2007 rồi lao dốc sau đó, cũng như nhiều nhà đầu tư khác, tôi đã biết thế nào là cảm giác khi phải cắt lỗ, tự tay bán đi chính những hy vọng của mình.

Đau đớn, tức giận, sợ hãi, buồn tủi… Tất cả những cảm giác tồi tệ của một con người dường như thể hiện hết trong vai trò một nhà đầu tư thua lỗ.

Khi thanh khoản thị trường chứng khoán ở mức quá thấp và mã cổ phiếu ta đang nắm giữ lúc nào cũng trong tình trạng sập sàn thì ta chỉ có cơ hội ít ỏi để bán chúng đầu phiên hoặc khi có rung lắc. Với những người nắm quá nhiều cổ phiếu thì bán cắt lỗ kiểu đó là việc vô cùng khó vì không thể chạy hết trong 1 - 2 phiên. Đến khi bán hết thì số lỗ phải gánh chịu là vô cùng lớn. Đó là còn chưa kể ai thích chơi margin, hay mua cổ phiếu trên thị trường tự do (OTC) không có thanh khoản.

Trong đầu tư chứng khoán việc thua lỗ cũng là bình thường bởi không ai đoán chính xác được thị trường. Tuy nhiên, số lỗ đó có thể tăng thêm nếu cứ cố ôm mà không cắt lỗ. Khi đó kết cục mà ta phải nhận được là sự kết thúc đầu tư, hay tệ hơn là phải còng lưng ra cày để trả nợ. Rõ ràng không ai muốn điều đó.

Hẳn ai cũng biết lý thuyết đầu tư cơ bản: Xem xét bán khi đã lỗ 10%. Ở thị trường Việt Nam, một số nhà đầu tư cẩn trọng còn cắt lỗ khi mức thua lỗ là 7-9%. Sự cẩn thận đó là không thừa. Bởi, giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam cũng lên xuống thất thường theo tâm lý không ổn định của nhà đầu tư. Có thể giải thích tính chất đó là do số lượng nhà đầu tư cá nhân khá nhiều và sự chuyên nghiệp vẫn còn chưa cao. Sự thiếu chuyên nghiệp đó, đáng tiếc thay lại được thể hiện rõ ràng ở hành động… chần chừ cắt lỗ.

Giữa lý thuyết và thực hành luôn tồn tại một khoảng cách khó san lấp. Khi ta biết đến lúc phải cắt lỗ thì trong đầu ta bỗng xuất hiện luồng tư tưởng… ngăn lại. Rồi ta lại không bán cắt lỗ mà lật lại nghiên cứu chính cổ phiếu đang lỗ. Khi tìm ra một thông tin cơ bản tốt, ta lại tặc lưỡi: “Cùng lắm thì ôm vài năm sẽ lãi thôi, cổ phiếu tốt thế này mà bán lỗ”. Ai nỡ cắt vào tay, chân mình? Đó là sai lầm mà một nhà đầu tư rất dễ mắc phải. Rồi khi đã lỗ quá nặng nề, cảm giác sợ hãi xâm chiến toàn bộ lý trí thì quyết định “thôi kệ, bán hết rồi nghỉ chơi ván khác”. Vậy là bán đúng đáy, bởi khi toàn bộ thị trường sợ hãi thì đó chính là đáy.

Đáng buồn là khi mới đầu tư, tôi đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng đó: chần chừ trong cắt lỗ và khi cắt lại cắt đúng vùng đáy. Cái con tàu đắm đó, con tàu lao dốc không phanh mà tôi tưởng mình đang là thành viên “đội lái” đã lao một mạch mà không dừng lại lấy một lát.

Khi cổ phiếu mới giảm vài phiên, số lỗ đã lên tới 10%. Theo nguyên tắc đầu tư thì phải bán nhưng tôi lại lưỡng lự. Hai tuần sau, thiệt hại của “cổ phiếu chủ lực” của tôi khi đó lên tới 40%. Lúc đó tôi sợ hãi, do dự ghê lắm. “Hay đây đúng là công ty vớ vẩn, không tốt như mình đã tìm hiểu”. Rồi thị trường chung đi xuống, anh em đầu tư đã cắt lỗ hết và đứng nhìn thị trường lao dốc. Rồi những lời khuyên bán xuất hiện ở khắp nơi, từ sàn đến quán café, từ các nhóm chat đến forum. Không thể chịu nổi, tôi đã đặt lệnh bán khi số lỗ rất cao. Tôi đã cắt lỗ đúng đáy, tôi đã không kiểm soát được cảm xúc, không tuân theo nguyên tắc, do dự và lưỡng lự. Đó là lần mất tiền không thể chấp nhận.

Sau này, tôi đã cẩn trọng hơn trong việc nghiên cứu cổ phiếu, và rút ra một số điều: Thứ nhất, công ty dù tốt đến đâu cổ phiếu vẫn có thể lao dốc. Thứ hai, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc cắt lỗ 10%. Thứ ba, khi đã quyết định đầu tư trung, dài hạn thì tách hắn số cổ phiếu đó ra trong danh mục không lẫn lộn giữa đầu tư dài hạn và đầu cơ lướt sóng. Thứ tư, cố gắng để không rơi vào tình trạng cắt lỗ khi đã dùng đòn bẩy tài chính. Cuối cùng, không để những thứ có vẻ tin tưởng làm mờ mắt.

Đinh Thành Trung (Hà Nội)