Những giải pháp cấp bách giúp TTCK vượt “bão” Covid-19:

Bài 1: VASB trình 12 giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường và công ty chứng khoán

Cập nhật: 16:02 | 12/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã thay mặt các công ty hội viên trình Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường.

Vào ngày 03/3/2020, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) có văn bản gửi Bộ Tài chính, UBCKNN kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường và các công ty chứng khoán trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

2108-giai-phap-cap-bach
Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) trình 12 giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường và công ty chứng khoán trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Hình minh họa

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và UBCKNN, VASB đưa ra 12 giải pháp, cụ thể:

1. Giảm phí tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho các công ty chứng khoán nhằm hỗ trợ cho các công ty chứng khoán giảm phí cho nhà đầu tư. VASB kiến nghị giảm phí tại hai Sở giao dịch từ 0,03% ở thời điểm hiện tại xuống mức 0,01%.

2. Đề xuất giảm 50% các loại giá dịch vụ hiện đang áp dụng như giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ giao dịch chứng khoán, giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ kết nối trực tuyến, giá dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối…

3. Đề xuất giảm 50% các loại giá dịch vụ đang áp dụng hiện nay như giá dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, giá dịch vụ lưu ký và chuyển khoản chứng khoán, giá dịch vụ quản lý thành viên bù trừ, giá dịch vụ quản lý vị thế trong giao dịch chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh.

4. Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán từ 0,1% xuống 0,05%. Giảm thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, cổ tức, lãi tiền gửi từ 5% xuống 3%. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15%.

5. Xem xét áp dụng các biện pháp nhằm tăng nhanh thanh khoản của thị trường đã có sẵn khung pháp lý và đã được kiến nghị như nới rộng danh mục margin, giao dịch trong ngày, các sản phẩm mới như chứng quyền bán…

6. Kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế liên quan hạn mức chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo hướng nâng mức khống chế chi phí lãi vay và tính toán chi phí lãi vay theo cách tính chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) với thời hạn hiệu lực hồi tố từ 2017.

7. Kiến nghị sửa đổi Thông tư 87/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính theo các nội dung đề xuất cụ thể mà các công ty chứng khoán đã gửi và cũng đã tham gia cuộc họp thảo luận chi tiết với UBCK.

8. Kiến nghị việc bán lô lẻ của HOSE cần thực hiện giống cơ chế bán thỏa thuận lô lẻ HNX.

9. Khuyến khích tăng cường giao dịch trực tuyến thông qua việc sửa đổi quy định về giao dịch trực tuyến, cho phép e-KYC (định danh khách hàng điện tử) phù hợp với Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính ban hành tháng 12/2018.

10. UBCK nghiên cứu bãi bỏ quy định không cho phép thực hiện các giao dịch mua bán lại (repo) chứng khoán, đặc biệt đối với trái phiếu chưa niêm yết. Trong điều kiện thị trường cổ phiếu trầm lắng, chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh thì thị trường trái phiếu là kênh đầu tư hữu hiệu cho nhà đầu tư và công ty chứng khoán, cần được tạo điều kiện hỗ trợ.

11. Nghiên cứu rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

12. Trong tình hình dịch Covid-19, khuyến khích các công ty đại chúng giãn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, hoặc cho phép lấy ý kiến bằng văn bản thay thế họp nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Cùng với đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 với việc giảm và miễn phí 15 loại dịch vụ của thị trường chứng khoán. Trong đó, giảm giá từ 10% đến 50% đối với 9 dịch vụ và miễn phí đối với 6 dịch vụ nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ba dịch vụ bao gồm giao dịch trên thị trường cơ sở; thị trường phái sinh và dịch vụ lưu ký chứng khoán sẽ được giảm 10%. Dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh được giảm từ 15%-20%.

Đối với 4 dịch vụ bao gồm quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; thực hiện quyền; chuyển khoản chứng khoán; đấu giá và chào bán cạnh tranh mức giảm từ 30%-50%

Bộ Tài chính sẽ miễn phí hoàn toàn dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ quy định tại Thông tư này, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Điều 2 Thông tư số 128 ngày 27/12/2018 thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ do đơn vị mình cung cấp tương ứng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Trang Nhi

Tin cũ hơn
Xem thêm