Ba tỉnh nhập một, 'siêu tỉnh' rộng nhất nước xuất hiện, trung tâm hành chính sẽ đặt tại thành phố cao nhất Việt Nam
Sau khi ba tỉnh sáp nhập, tỉnh mới với diện tích hơn 24.233 km², dân số gần 3,9 triệu người.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ được sáp nhập để hình thành một tỉnh mới, dự kiến giữ tên là tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh mới này sẽ đặt tại thành phố Đà Lạt.

Sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 24.233 km² và quy mô dân số gần 3,9 triệu người, trở thành tỉnh rộng nhất cả nước. Việc sáp nhập không chỉ là sự kiện hành chính đơn thuần mà còn được xem là bước đi chiến lược nhằm phát huy tiềm năng liên vùng, giảm trùng lặp trong tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã khẳng định việc lựa chọn Đà Lạt làm trung tâm chính trị – hành chính không chỉ do tính biểu tượng, mà còn dựa trên điều kiện hạ tầng, vị trí địa lý và mạng lưới giao thông liên vùng thuận lợi.
Vì sao Đà Lạt được chọn làm trung tâm tỉnh mới?
Đà Lạt có vị trí gần như trung tâm giữa ba tỉnh, cách Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Phan Thiết (Bình Thuận) đều khoảng 160 km. Kết nối giao thông thuận lợi nhờ các tuyến quốc lộ huyết mạch như QL 28, QL 28B, QL 20, QL 27 và QL 55 giúp việc di chuyển giữa các khu vực diễn ra dễ dàng.

Ngoài vai trò hành chính, Đà Lạt còn đang được quy hoạch là trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa và khoa học kỹ thuật của Tây Nguyên. Nhiều dự án hạ tầng lớn đang triển khai như cao tốc Đà Lạt – Nha Trang, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương kỳ vọng sẽ gia tăng đáng kể năng lực kết nối và thúc đẩy các dòng đầu tư vào khu vực.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc đặt trung tâm tại Đà Lạt là để tận dụng tối đa vai trò “động lực tăng trưởng” của thành phố này trong cấu trúc phát triển vùng. Đà Lạt không chỉ có cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mà còn có trình độ dân trí cao, môi trường sống tốt – những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác điều hành chính quyền sau sáp nhập.
Kinh tế Đà Lạt giữ nhịp tăng trưởng tích cực
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, năm 2024 kinh tế Đà Lạt tăng trưởng khá đồng đều ở cả công nghiệp, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 50.051 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 23.563 tỷ đồng.
Lĩnh vực du lịch tiếp tục là thế mạnh, với hơn 2,6 triệu lượt khách được các cơ sở lưu trú phục vụ trong năm. Trong quý I/2025, tổng lượt khách đến Đà Lạt đã vượt mốc 2 triệu, tăng 6% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng 39% và khách nội địa tăng 3,29%.
Về tài khóa, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt trên 1.574 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm trước. Tuy nhiên, sang quý I/2025, tổng thu ngân sách ghi nhận chậm lại, đạt hơn 347 tỷ đồng – tương đương 14,74% kế hoạch năm, chủ yếu do những vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai 2024.
Về thu hút đầu tư, thành phố hiện có 197 dự án vốn ngoài ngân sách đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 40.130 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, dù có một số dự án chấm dứt hoạt động, thành phố vẫn tiếp tục đề xuất các dự án mới nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương.