Bà Mai Thanh: “Vingroup cũng phải xếp hàng, còn REE đã chuẩn bị từ lâu cho cuộc chơi năng lượng tái tạo”
Bà Mai Thanh đánh giá sự tham gia của Vingroup là tất yếu, nhưng không làm thay đổi vị thế của REE trên thị trường năng lượng sạch.
Sáng ngày 1/4, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE, HOSE: REE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.
.jpg)
Trong phần thảo luận, nhiều cổ đông quan tâm đến tiến độ và định hướng bán điện của các dự án năng lượng tái tạo mà REE đang phát triển, như dự án điện gió với công suất 176 MW và nhà máy điện rác 40 MW tại Củ Chi.
Bà Mai Thanh cho biết, công ty có kế hoạch bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức giá khoảng 1.913 đồng/kWh – thấp hơn so với các năm trước, tuy nhiên chi phí đầu tư cũng đã giảm đáng kể. Với bài toán đầu tư hợp lý, REE kỳ vọng vẫn đạt mức lợi nhuận trên 10% và có thể cao hơn nữa nếu tối ưu vận hành.
Ngoài ra, công ty cũng đang theo đuổi cơ chế DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp) cho các dự án mới. REE đã tiếp xúc với hơn 50 khách hàng lớn, trong đó sắp tới sẽ ký biên bản ghi nhớ (MOU) với một doanh nghiệp nội địa quy mô lớn. Tuy nhiên, yếu tố giá bán điện vẫn là vấn đề then chốt được đối tác quan tâm nhiều nhất.
Trả lời về khả năng tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty điện như SBH, TMP và CHP, bà Mai Thanh khẳng định REE luôn sẵn sàng nghiên cứu mua lại cổ phần nếu Nhà nước có kế hoạch thoái vốn. Dù vậy, bà cũng lưu ý rằng mức định giá cao khiến nhiều đợt thoái vốn gần đây không thành công. Do đó, bà kỳ vọng Nhà nước sẽ có chính sách linh hoạt hơn, như hạ giá để thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh cần nguồn lực lớn cho các dự án chiến lược như điện hạt nhân hay truyền tải điện.
Khi được hỏi về tác động từ việc Tập đoàn Vingroup cũng bước vào mảng năng lượng tái tạo, ban lãnh đạo REE cho rằng điều này không gây ảnh hưởng lớn. Theo bà Thanh, cơ chế hiện hành là đấu thầu minh bạch, và bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần xếp hàng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ địa phương và Bộ Công Thương. REE đã có nhiều năm chuẩn bị và hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này nên không quá lo ngại trước sự cạnh tranh mới.
"Chúng tôi nghĩ mọi nhà đầu tư đều có cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo và Vingroup hoàn toàn tham gia, trước đó cũng có hàng trăm nhà đầu tư xếp hàng xin giấy phép đầu tư vào năng lượng tái tạo và chắc là Vingroup cũng xếp hàng.
Vingroup có thể thấy xu hướng cần thêm nguồn điện nên họ đăng ký, chúng tôi theo dõi rất sát các nhà đầu tư. Chúng tôi thấy bình thường, cũng cố gắng tiếp tục quan sát để đấu thầu với các nhà đầu tư" bà Thanh chia sẻ.
Liên quan đến khoản đầu tư tài chính vào cổ phiếu VIB, ban lãnh đạo cho biết REE đã giải ngân khoảng 700 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tính đến hiện tại, khoản đầu tư này đang ghi nhận lãi khoảng 60% so với giá mua ban đầu, tương đương gần 400 tỷ đồng. Với tiềm năng tăng trưởng của VIB trong năm 2025 và chính sách cổ tức hấp dẫn, REE có kế hoạch tiếp tục nắm giữ lâu dài khoản đầu tư này.
Trong chiến lược dài hạn, REE nhấn mạnh mở rộng công suất và quy mô kinh doanh là yếu tố then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận bình quân 15% mỗi năm. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.248 tỷ đồng (tăng hơn 22% so với 2024) và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 2.427 tỷ đồng, tăng gần 22%.
Theo bà Mai Thanh, quý I/2025 dự kiến sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nhờ vào hiệu quả của mảng điện và sự cải thiện trong lĩnh vực nước sạch. Đặc biệt, nhà máy nước Sông Đà đã được điều chỉnh giá bán mới và sẽ áp dụng từ quý II tới.