Ba kịch bản tác động đến Việt Nam khi Mỹ áp thuế đối ứng

27/03/2025 09:55

Ngày 2/4, chính quyền ông Donald Trump sẽ công bố chính sách thuế đối ứng mới, nhiều khả năng Việt Nam nằm trong nhóm bị áp thuế do thặng dư thương mại cao với Mỹ. Theo KBSV, nếu bị đánh thuế, GDP Việt Nam có thể giảm tới 1,3%, ảnh hưởng mạnh đến dệt may, da giày, FDI và tỷ giá.

Ngày 2/4 tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức công bố chính sách thuế đối ứng mới với các đối tác thương mại. Dù phạm vi ban đầu của kế hoạch được công bố là rất rộng – với dự định áp thuế lên toàn bộ quốc gia trên thế giới – nhưng theo thông tin từ Nhà Trắng ngày 23/3, phạm vi này đã được thu hẹp đáng kể và nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vào nhóm "Dirty 15", gồm các quốc gia bị Mỹ cáo buộc áp thuế quan không công bằng hoặc gây thâm hụt thương mại lớn cho Mỹ.

Nguồn: Bloomberg, KBSV

Đáng chú ý, Việt Nam có thể nằm trong danh sách này do thặng dư thương mại với Mỹ đạt mức cao, trong khi chưa có thông tin rõ ràng về phương thức tính thuế đối ứng mà ông Trump sẽ áp dụng. Ngoài thuế quan, các biện pháp có thể bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế ngoài lãnh thổ và các rào cản phi thuế quan.

Theo nhận định của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), khoảng 50% GDP và việc làm tại Việt Nam đang phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động xuất khẩu, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm tới 30% tổng kim ngạch. Do vậy, nếu Việt Nam bị áp thuế đối ứng, GDP có thể sụt giảm từ 0,7% đến 1,3%.

KBSV đưa ra ba kịch bản tác động đến Việt Nam:

Kịch bản 1 (40% khả năng): Mỹ áp thuế đối ứng nhưng không tính đến VAT, với mức thuế bình quân tăng thêm 5,8% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Trong trường hợp này, GDP có thể giảm 0,7%, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi doanh nghiệp chưa kịp chuyển hướng sang thị trường khác. Thu hút vốn FDI có thể chững lại, áp lực tỷ giá gia tăng do nguồn cung ngoại tệ suy giảm.

Ngành dệt may, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, ngành bất động sản khu công nghiệp và logistics có thể bị tác động ngắn hạn, nhưng về dài hạn, Việt Nam vẫn giữ lợi thế cạnh tranh. Các nhóm hàng máy móc, thiết bị điện tử và thủy sản có thể ít chịu ảnh hưởng hơn nhờ mức chênh lệch thuế nhập khẩu không lớn.

Nguồn: International Trade Centre (ITC), KBSV

Kịch bản 2 (40% khả năng): Mỹ áp thuế đối ứng có tính đến chênh lệch VAT. Khi đó, mức thuế có thể tăng đến xấp xỉ 11%, do cộng thêm chênh lệch giữa mức VAT 10% của Việt Nam và thuế bán hàng trung bình 5% tại các bang của Mỹ. Kịch bản này có thể khiến GDP Việt Nam giảm 1,3%, tác động tiêu cực lan rộng hơn đến các ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, máy móc thiết bị điện tử, bất động sản khu công nghiệp và logistics.

Kịch bản 3 (20% khả năng): Việt Nam không bị áp thuế đối ứng. Đây là kịch bản tích cực nhất, nhờ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước được thiết lập từ tháng 9/2023. Việt Nam cũng đã chủ động tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ như khí LNG, máy bay, nông sản… Đồng thời, các nỗ lực ngăn chặn hành vi "đội lốt hàng Trung Quốc" để xuất sang Mỹ đã được Washington ghi nhận. Nếu những động thái này được đánh giá tích cực, Việt Nam có thể tạm thời không bị liệt vào danh sách áp thuế trong kỳ rà soát này.

KBSV cho rằng, kể cả trong trường hợp bất lợi, Chính phủ Việt Nam vẫn có cơ hội xoay chuyển tình hình thông qua các chính sách linh hoạt và cân bằng hơn trong quan hệ thương mại song phương. Một tín hiệu tích cực gần đây là Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế tối huệ quốc (MFN) với 14 mặt hàng nhập khẩu chủ lực từ Mỹ – được xem là bước đi chủ động để tạo nền tảng đàm phán và giảm thiểu nguy cơ xung đột thương mại.

Nguồn: KBSV

Anh Vũ

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ba kịch bản tác động đến Việt Nam khi Mỹ áp thuế đối ứng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO