Ba "bí kíp" giúp tôi "sống" khỏe trên thị trường chứng khoán

Cập nhật: 11:28 | 27/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp làm giàu bền vững, có được nguồn thu nhập thụ động và để những đồng tiền của mình tự sinh sôi, nảy nở, thì tôi chắn chắc rằng đầu tư chứng khoán là một trong những lĩnh vực giúp bạn thực hiện điều đó một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, muốn đạt đến cấp độ chuyên nghiệp ấy, những gì chúng ta cần phải làm là trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và tố chất để chiến thắng trên chiến trường khốc liệt này.

Và dĩ nhiên, trước khi chạm đến vinh quang, bất kỳ nhà đầu tư kỳ cựu nào cũng phải trải qua những mất mát đau thương, thậm chí là những thất bại vô cùng đau đớn trong sự nghiệp giao dịch của mình.

Sụt giảm tài khoản – nỗi đau mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng đã từng nếm trải

Nếu bạn đang loay hoay với những khoản thua lỗ liên tục trên thị trường và dần mất niềm tin vào năng lực của bản thân, hoặc thậm chí bạn đã tự trách chính mình tại sao lại lao đầu vào một trò chơi may rủi để rồi đánh mất phần lớn số tiền tích cóp được, thì hãy tin tôi, đó không phải là điều gì đáng xấu hổ, bởi trước khi đạt đến những thành công vang dội, thất bại là vị đắng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng đã từng nếm trải.

Ba
Ảnh minh họa

Nhìn lại sự nghiệp của những nhà giao dịch huyền thoại, tất cả đều có một điểm chung: họ luôn biết cách đứng dậy từ sai lầm của bản thân.

Jesse Livermore – huyền thoại trong giới đầu cơ, đã từng phá sản hai lần nhưng sau đó nhanh chóng kiếm được hàng triệu đô trên thị trường bằng chính sự tự tin và năng lực giao dịch của bản thân.

Mark Miniverni đã trải qua 7 năm liên tục thua lỗ cho đến khi biến 100.000 USD thành 5.000.000 USD chỉ trong vòng 5 năm và nhiều lần đứng đầu cuộc thi “Nhà vô địch đầu tư Hoa Kỳ”.

Trước khi trở thành một Trader huyền thoại, Dan Zanger đã trải qua 10 năm chật vật trên thị trường chứng khoán với 3 lần cháy tài khoản.

HIển nhiên, những ai đã tham gia thị trường sẽ không có ngoại lệ, trong thời điểm suy giảm khủng khiếp của chứng khoán, tài khoản của tôi có lúc đã giảm đến hơn 24% chỉ trong vòng 3 phiên giao dịch, thậm chí nhanh chóng mất hết khoản tiền đã kiếm được trước đó.

Điều gì không thể làm chúng ta gục ngã, chắc chắn sẽ khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn và khi bắt đầu nhìn nhận lại những sai lầm của bản thân cũng là lúc một cánh cửa hoàn toàn mới được mở ra ngay trước mắt.

Thất bại vốn dĩ là người thầy tuyệt vời và trong đầu tư - thua lỗ là một nhà giáo ưu tú, nó giúp chúng bừng tỉnh trong cơn say để hiểu được bản thân còn có rất nhiều thiếu sót.

Khởi đầu từ tư duy đúng - bạn sẽ tiết kiệm được vô số thời gian và hạn chế những sai lầm trên con đường trở thành nhà đầu tư xuất sắc.

Sau đợt suy giảm tài khoản gần như không có hồi kết, tôi bắt đầu rà soát lại từng giao dịch của chính mình để tìm câu trả lời cho nguyên nhân thua lỗ, tôi bắt đầu tìm hiểu về phương pháp giao dịch của những nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Có những sai lầm đáng ra tôi đã có thể tránh khỏi nếu hiểu được điểu này sớm hơn: khi muốn học bất cứ điều gì – hãy học nó từ những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ.

Hãy tưởng tượng xem, trong bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ cần bạn giỏi bằng khoảng 10% những con người kiệt xuất nhất. Họ có 10 phát minh, bạn ít ra sẽ có 1 phát minh để đời; họ sở hữu 10 doanh nghiệp, bạn cũng có thể làm chủ 1 doanh nghiệp tương tự; và họ kiếm được 10 triệu đô, bạn sẽ có khả năng kiếm được 1 triệu đô.

Ttrong đầu tư, khi học từ những nhà giao dịch huyền thoại, sẽ giúp bạn tiết kiệm được vô số thời gian và hạn chế tối đa những sai lầm không đáng có, bởi những quy tắc mà họ xây dựng đã được kiểm chứng qua vô số những lần thất bại và tạo được tỷ suất sinh lời bền vững qua thời gian.

Không những thế, tốc độ học tập của bạn sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần, bạn sẽ tiếp thu được kiến thức tinh hoa hơn, phát triển các kỹ năng cần thiết nhanh hơn và dĩ nhiên con đường đi đến thành công trong giao dịch sẽ rút ngắn đáng kể.

Và điều duy nhất bạn cần làm đó là kiểm chứng lại những gì đã học được trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau đó xây dựng hệ thống giao dịch của riêng mình.

Câu hỏi quan trọng bậc nhất trong đầu tư: Tại sao cổ phiếu lại tăng giá?

Sau khi nghiên cứu những nhà đầu tư xuất sắc thuộc các trường phái giao dịch khác nhau, tất cả đều thành công theo cách riêng của họ. Có người thành công vì mua doanh nghiệp tốt, có người thắng lợi vì biết cách cưỡi theo những con sóng khổng lồ …

Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó trong lòng chưa thỏa mãn, bởi lẽ còn những nghịch lý trên thị trường mà bản thân tôi chưa thể tìm thấy câu trả lời.

Ví dụ: mua cổ phiếu của doanh nghiệp tốt giá sẽ tăng, nhưng tại sao cùng một thời điểm, giá cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên thậm chí tăng còn mạnh hơn.

Hay như, cùng một loại đồ thị nến giống nhau – tại sao có cổ phiếu tăng, có cổ phiếu lại giảm.

Hoặc cùng một loại cổ phiếu, hình thành các chỉ báo giống nhau – giá cổ phiếu lúc tăng lúc giảm ở những thời điểm khác nhau.

Trong đầu tôi bỗng bật lên một câu hỏi: Vậy thì tại sao cổ phiếu lại tăng giá?

Điều gì khiến cổ phiếu này tăng, cổ phiếu kia lại giảm?

Điều gì khiến cùng một cổ phiếu – thời điểm này tăng, thời điểm kia lại giảm?

Để trả lời cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản đó, tôi đã mất gần hai năm thống kê lại dữ liệu của TTCK Việt Nam, đối chiếu lại đồ thị và kết quả kinh doanh của những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên thị trường và cho ra đáp án của riêng mình.

Không riêng gì cổ phiếu, giá của bất kỳ mặt hàng nào, dù là một cốc nước, một căn nhà, một loại hàng hóa – giá cả tăng chỉ bởi một lý do duy nhất: sự mất cân bằng về cung cầu theo chiều hướng Cầu lớn hơn Cung.

Trong thời kỳ dịch Covid – 19, Mỹ đã bơm ra thị trường tổng số tiền khoảng 4.500 tỷ USD để cứu trợ kinh tế và đưa lãi suất về mức thấp kỷ lục, điều này đồng nghĩa với tổng Cầu của toàn thị trường tăng rất mạnh.

Hoặc trong thời gian đại dịch, tất cả mọi người đều bị phong tỏa cách ly tại nhà, chỉ có thể làm việc online trên máy tính, nhu cầu đầu tư của người dân đột nhiên tăng mạnh đơn giản vì không còn việc gì khác để làm.

Hay như khi bạn nghe tin cổ phiếu nào đó có đang có lái làm giá, đồng nghĩa với việc có một lượng lớn cổ phiếu đang nắm giữ trong tay một số ít người – nghĩa rằng nguồn Cung cổ phiếu đang bị thắt chặt lại.

Hay khi phân tích được một doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả và có quá nhiều triển vọng trong tương lai, có khả năng rằng những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đó sẽ không muốn bán ra – nghĩa là nguồn Cung trong ngắn hạn cũng sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Tất cả những điều này khi kết hợp lại với nhau, sẽ làm cán cân Cung – Cầu nghiêng hẳn về một bên, từ đó dẫn đến giá cổ phiếu tăng rất mạnh.

Vì vậy, khi phân tích các tác động trên thị trường qua góc nhìn tương quan nhân quả giữa Cung và Cầu, việc chúng ta phải làm là kiên nhẫn chờ đến thời điểm cung cầu có sự mất cân bằng mạnh mẽ và chớp lấy thời cơ mua cổ phiếu.

Quan trọng bạn phải phát triển được các kỹ năng phân tích, chọn lọc giữa hàng trăm cổ phiếu để tìm ra cổ phiếu thể hiện sự mất cân bằng rõ ràng nhất, sau đó mua và nắm giữ cho đến khi các tín hiệu bán bắt đầu xuất hiện.

Thực tế, khi ứng dụng điều này trong các giao dịch của mình, tỷ lệ thắng trên tổng số giao dịch của tôi lên đến hơn 70% và có những giao dịch với tỷ suất sinh lời nhanh đến mức – gấp đôi tài khoản chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần.

Ba "bí kíp" cần có để thành công trên thị trường

Trải qua gần 8 năm thăng trầm trong đầu tư, từ con số 0 cho đến khi hoàn thiện hệ thống giao dịch, theo tôi có 3 tố chất (mà có thể gọi vui là "bí kíp") cực kỳ quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải rèn luyện, đó là: kiên nhẫn, kỷ luật và quyết đoán.

Kiên nhẫn chờ đến khi cổ phiếu đạt được tất cả tiêu chí mà bản thân đã đặt ra – hãy đợi đến thời điểm cán cân cung cầu trên thị trường nghiêng mạnh về một phía, đó cũng là lúc bạn sẽ kiếm được mức lợi nhuận nhanh nhất và ít rủi ro nhất.

Kỷ luật tuyệt đối trong từng giao dịch của chính mình, tuân thủ nghiêm túc mọi quy tắc trong quá trình giao dịch, chỉ có như vậy mới loại trừ được yếu tố cảm xúc – nguyên nhân chính dẫn đến những khoản thua lỗ cực kỳ đau đớn.

Quyết đoán mua cổ phiếu khi nhận thấy sự mất cân bằng cung cầu đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ - thậm chí có thể mua bằng mọi giá tại thời điểm đó và quyết đoán thoát vị thế khi nhận thấy được bản thân đang mắc sai lầm trong các giao dịch của mình.

Cuối cùng, khi bước chân vào chiến trường khốc liệt này, đừng bao giờ để cảm xúc chi phối những quyết định của bản thân, chúng ta có thể kỳ vọng vào những điều tốt đẹp nhất nhưng hãy luôn có kế hoạch cho những điều tồi tệ nhất.

Nguyễn Đức Linh