An ninh năng lượng Việt Nam: Từ lo thiếu đến lo thừa cung điện

Cập nhật: 11:33 | 18/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Sau 1 thập kỷ lúc nào cũng lo thiếu hụt nguồn cung, bước sang năm 2021, lần đầu tiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bỗng lo… thừa điện. Mới nhất tại báo cáo tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, “anh cả” ngành điện là EVN đã không dưới 2 lần nhắc đến chữ “thừa nguồn”.

Nhà máy điện "mọc như nấm sau mưa"

Những ngày đầu 2021, rất nhiều thành viên của Diễn đàn Năng lượng tái tạo Việt Nam không khỏi “bàng hoàng” khi chứng kiến một bản danh sách dài với hàng chục nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Đắk Nông được lên kế hoạch luân phiên “sa thải hoàn toàn”.

Kết quả hình ảnh cho điện mặt trời

Theo đó, trong các ngày từ 30/12/2020 đến 5/1/2021, mỗi ngày bình quân có khoảng 30 dự án điện mặt trời không được huy động dù chỉ là 1kWh để phát lên hệ thống điện quốc gia. Lý do là bởi “máy biến áp T1 của trạm 110 Cư Jút bị quá tải do phát ngược từ hệ thống điện mặt trời” của các dự án trong khu vực.

Trước đó ít hôm, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phải phát văn bản kêu cứu lên các cơ quan quản lý, thậm chí lên tận Thủ tướng Chính phủ vì tình trạng thừa điện, tức điện phát ra không bán được.

Cụ thể, theo phản ánh bằng văn bản của Công ty Công Lý, vào sáng 27/12/2020, Nhà máy điện gió Bạc Liêu khi đang phát điện dao động từ 6 - 11 MW thì nhận được lệnh điều độ yêu cầu giảm công suất về 2 MW.

Cũng trong ngày này, Dự án Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có công suất 450 MW của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã được yêu cầu giảm phát hơn 360 MW (khoảng 80% công suất thiết kế). Theo doanh nghiệp này, đây không phải là lần đầu, bởi từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án này thường xuyên bị cắt giảm công suất phát.

Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, trong năm 2020, có tới 365 triệu kWh điện mặt trời đã phải buộc giảm phát (cắt giảm). Riêng trong nửa cuối tháng 11/2020, do tăng trưởng rất nóng của điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái, buộc ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm do thừa nguồn, với tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh. Thế nhưng, con số phụ tải nói trên đến ngày 1/1/2021 đã một lần nữa tụt xuống rất nhanh.

Ghi nhận của A0 cho thấy, giờ thấp điểm nhất là trưa hôm đó, phụ tải chỉ còn 16.585 MW, chỉ bằng 25% so với tổng công suất đặt các nguồn điện hiện có của cả hệ thống (khoảng 68.000 MW). Điều này đồng nghĩa với việc, con số cắt giảm điện mặt trời chắc chắn cũng sẽ không hề nhỏ.

Cần phải nhắc lại rằng, câu chuyện giảm phát từng lác đác xảy ra hồi giữa năm 2019, nhất là tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận - “thủ phủ” của các dự án điện gió, điện mặt trời khi tình trạng các dự án điện mặt trời mặt đất chạy đua vào phát điện những ngày cuối tháng 6.2019 để kịp hưởng cơ chế giá ưu đãi.

Tuy nhiên, nếu như trước đó, việc giảm phát, sa thải điện mặt trời với nguyên nhân chủ yếu là vì quá tải đường dây thì ngày 1/1/2021, có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, A0 đã phải lên tiếng rằng “không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện” vì… thừa điện trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Báo cáo tổng kết hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra hồi giữa tháng 1/2021 vừa qua đã lần đầu nhắc đến chữ “thừa nguồn”. “Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần”, EVN nêu rõ.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0, cho hay trong năm 2021, A0 dự kiến sẽ phải cắt giảm 1,3 tỉ kWh điện ở khối năng lượng tái tạo, trong đó có 500 triệu kWh là do thừa nguồn, thấp điểm trưa và quá tải vận hành đường dây 500 kV.

Vậy nhưng, việc phải cắt giảm liên tục điện mặt trời khiến cho ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN đối mặt không ít áp lực từ những người làm điện mặt trời. Ông Thành kể, gần đây, các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin để phàn nàn về việc dự án của họ phải chịu cảnh cắt giảm.

“Họ kêu rằng cứ vận hành như thế thì làm sao chúng tôi có đủ tiền để trả ngân hàng. Với tập đoàn, thiếu đã rất đau đầu nhưng thừa điện còn mệt mỏi hơn”, ông Thành nói.

Chính phủ: Không phát triển ồ ạt điện mặt trời

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 414/TTg-CN ngày 8/4/2020 chỉ đạo tổ chức thực hiện Quyết định này trong đó yêu cầu Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch quy hoạch và đầu tư phát triển điện mặt trời ở nước ta theo đúng quy định, đảm bảo mục tiêu phát triển và hiệu quả kinh tế chung;

Kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng và các hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi; xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời đồng thời có hướng dẫn cụ thể về thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.

An ninh năng lượng Việt Nam: Từ lo thiếu đến lo thừa cung điện

Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời ở nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời có nhiều tiềm năng ở nước ta, qua đó đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW, trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12 năm 2020 gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.

Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỷ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỷ kwh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019.

Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư. Đã có nhiều phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án EVN dự kiến cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021.

Để đảm bảo việc phát triển điện mặt trời theo đúng quy định và phát huy hiệu quả chung tốt nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, EVN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

Thực hiện rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà hiện nay; hướng dẫn thực hiện theo đúng cơ chế, quy định đã được ban hành, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 414/TTg-CN ngày 8/4/2020 và các văn bản có liên quan; nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà thời gian qua, không để xảy ra các hậu quả xấu.

Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua, bảo đảm theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái thời gian qua.

Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý có hiệu quả tốt nhất đối với nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời trong thời gian tới, tuyệt đối không để xảy ra việc có sơ hở trong các cơ chế, chính sách ban hành; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và lãng phí nguồn năng lượng tái tạo của đất nước.

Chịu trách nhiệm rà soát tổng thể các nguồn điện hiện đang triển khai hiện nay, cập nhật cân đối cung - cầu điện giai đoạn tới để tăng cường công tác quản lý quy hoạch tốt nhất; đồng thời khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII đúng tiến độ quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật được cấp có thẩm quyền ban hành và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương về phát triển điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà;

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, EVN trong công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm nếu có.

Sẽ có cơ chế mới cho điện năng lượng tái tạo

Theo Bộ Công Thương, với các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ từng bước chuyển sang cơ chế đấu ...

Lợi nhuận EVNGenco 3 (PGV) tăng cao kỷ lục năm 2020

Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGenco 3 – Mã: PGV) vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh năm 2020, cho ...

T&T Group đồng loạt hòa lưới 3 nhà máy điện mặt trời

Với việc nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 lần lượt hòa lưới điện quốc gia vào ...

Văn Thắng T/H

Tin cũ hơn
Xem thêm