AI vừa thực hiện một ca mổ phức tạp mà không cần bác sĩ: Bước ngoặt của ngành y hay hồi chuông cảnh báo?
Lần đầu tiên, một ca phẫu thuật phức tạp đã được tiến hành từ đầu đến cuối mà không có bàn tay bác sĩ. AI đang thay đổi y học nhanh hơn chúng ta tưởng.
Trong một đột phá mang tính bước ngoặt, các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã chứng minh khả năng của một hệ thống robot tự vận hành hoàn toàn. Robot này đã thực hiện thành công tám ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật trên nội tạng lợn với tỷ lệ thành công 100%.
Điều này khác biệt một cách căn bản với các hệ thống robot y tế hiện nay. Công nghệ mới này lại hướng tới một cấp độ tự chủ thực sự, nơi robot có thể tự ra quyết định và hành động.

Năng lực của robot đến từ sự kết hợp của thị giác máy tính và mạng nơ-ron, tương tự như công nghệ nền tảng của các AI tạo sinh như Google Gemini hay ChatGPT.
Quá trình này bắt đầu bằng giai đoạn huấn luyện, nơi robot không được lập trình theo từng bước cố định. Thay vào đó, nó "học" bằng cách phân tích hàng loạt video quay lại cảnh các bác sĩ phẫu thuật hàng đầu thực hiện quy trình tương tự. Mạng nơ-ron sẽ xử lý kho dữ liệu khổng lồ này để nhận diện các quy luật, từ trình tự thao tác, cách sử dụng công cụ cho đến việc vạch ra quỹ đạo tối ưu nhằm tránh va chạm.
Sau khi được huấn luyện, robot áp dụng kiến thức này vào thực tế thông qua một hệ thống thị giác máy tính tinh vi. Trong quá trình phẫu thuật, nó liên tục quan sát không gian làm việc, ra quyết định và thực thi nhiệm vụ.
Điểm đột phá nhất nằm ở khả năng tự sửa lỗi và thích ứng theo thời gian thực. Trong các thử nghiệm, robot đã tự điều chỉnh đường đi của dụng cụ trung bình sáu lần mỗi ca mà không cần con người can thiệp. Dù có thể chậm hơn một chút, chuyển động của nó lại mượt mà, ít đột ngột hơn và vạch ra quỹ đạo ngắn hơn so với con người.
Axel Krieger, phó giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Johns Hopkins, cho biết. "Điều chúng tôi đã làm ở đây là một quy trình đầy đủ. Đây là một nghiên cứu mang tính bước ngoặt khi một ca phẫu thuật mô mềm khó khăn như vậy có thể được thực hiện tự động."
Đối mặt thách thức
Dù thành công ấn tượng, con đường để đưa công nghệ này vào ứng dụng lâm sàng vẫn còn dài và đầy rào cản. Các chuyên gia hàng đầu trong ngành đều đồng tình rằng đây là một bước phát triển đầy hứa hẹn nhưng cũng cảnh báo về những thách thức thực tiễn.
Thử nghiệm trên nội tạng đã chết không thể mô phỏng được các biến số phức tạp của một cơ thể sống, như chuyển động của bệnh nhân khi thở, tình huống chảy máu đột ngột, các tổn thương ngoài dự kiến hay thậm chí là khói từ quá trình đốt điện làm che khuất tầm nhìn của camera.
John McGrath, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Robot của NHS England, cho rằng viễn cảnh một bác sĩ phẫu thuật có thể giám sát nhiều robot thực hiện các thủ thuật đơn giản cùng lúc là rất hấp dẫn. Nó có thể giúp thực hiện phẫu thuật nhanh hơn, chính xác hơn và giảm danh sách chờ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng an toàn bệnh nhân phải là ưu tiên tuyệt đối.
Ông Nuha Yassin từ Học viện Phẫu thuật Hoàng gia Anh, cho biết: "Bước tiếp theo phải là khám phá kỹ lưỡng những sắc thái trong lĩnh vực này để đánh giá cách thức chuyển giao công nghệ một cách an toàn và hiệu quả. Chỉ khi đó, phương pháp này mới có thể trở thành một mô hình bền vững cho tương lai."