Ai đang sở hữu vốn điều lệ tại VietinBank nhiều nhất?

Cập nhật: 11:14 | 07/08/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 6/8, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) đã công bố thông tin 3 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngân hàng này.

Cụ thể, VietinBank vừa công bố danh sách ba cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong danh sách này, có ba cổ đông đang sở hữu tổng cộng gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 21,95% vốn điều lệ tại VietinBank.

Ai đang sở hữu vốn điều lệ tại VietinBank nhiều nhất?
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của VietinBank đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Ảnh minh họa.

Cổ đông chiến lược MUFG Bank hiện đang là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu CTG, sở hữu hơn 1 tỷ cổ phiếu CTG, tương ứng 19,73% vốn điều lệ ngân hàng. Công đoàn VietinBank nắm giữ 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,15% vốn điều lệ.

Tiếp đến, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam sở hữu 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ. Ngoài ra, người liên quan của cổ đông này cũng sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu CTG, chỉ chiếm khoảng 0,05% vốn ngân hàng.

Ai đang sở hữu vốn điều lệ tại VietinBank nhiều nhất?
Nguồn: VietinBank

Về kết quả kinh doanh quý II, VietinBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 5.409 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 2/2024, hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 15.339 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, nguồn thu ngoài lãi sụt giảm như lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lao dốc 88%, lãi từ hoạt động khác giảm mạnh 39%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này đạt 14.567 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 7.817 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, do đó lợi nhuận trước thuế chỉ còn 6.750 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 5.409 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần của VietinBank đạt 30.513 tỷ đồng, tăng 20%. Ngân hàng báo lãi ròng trước thuế 12.960 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế tương ứng đạt 10.411 tỷ đồng, tăng 3% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của VietinBank đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 29% (còn 28.980 tỷ đồng), tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác đạt 334.405 tỷ đồng, tăng 29%, cho vay khách hàng 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 7%…

Về phía nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm lên gần 1.47 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước gấp 5 lần đầu năm (107.717 tỷ đồng). Đồng thời, cuối quý 2 cũng ghi nhận 3.523 tỷ đồng giao dịch mua và bán lại trái phiếu Chính phủ với Kho bạc Nhà nước.

Về chất lượng tín dụng, tính đến 30/06/2024 tổng nợ xấu của VietinBank là 24.645 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 1,13% đầu năm lên 1,57%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 33% lần lên 3.344 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ lên 13.456 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 17,% xuống 7.845 tỷ đồng.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Băng Di