AI chen chân vào ngân hàng: Người làm thật có bị thay thế?
Ngân hàng Việt đang đẩy mạnh ứng dụng AI trong nhiều nghiệp vụ, đây là yếu tố chiến lược để cạnh tranh trong giai đoạn chuyển đổi số.
AI len sâu vào hệ thống ngân hàng
Từng được xem là xu hướng tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam. Từ hỗ trợ chăm sóc khách hàng đến phát hiện gian lận tài chính, AI đang góp phần thay đổi căn bản cách vận hành của ngành ngân hàng trong nước.

Đơn cử ngân hàng đã gửi hơn 680 triệu thông điệp cá nhân hóa đến khách hàng chỉ trong năm 2024 nhờ công nghệ AI. Việc ứng dụng AI không chỉ giúp ngân hàng cải thiện tương tác, mà còn hỗ trợ phân tích hành vi tài chính, khuyến nghị đầu tư và chăm sóc khách hàng theo thời gian thực. Kết quả là lợi nhuận trước thuế đạt 27.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước – một phần nhờ đóng góp của các nền tảng số tích hợp AI.
Có thể kể đến như trợ lý ảo ViePro sử dụng công nghệ generative AI trên nền tảng AWS đã được triển khai như một kênh tương tác chính với khách hàng. Không đơn thuần là chatbot trả lời câu hỏi, ViePro có thể đồng hành xuyên suốt hành trình giao dịch, hỗ trợ truy vấn thông tin, tư vấn sản phẩm và xử lý yêu cầu nhanh chóng – góp phần giảm tải cho bộ phận chăm sóc khách hàng truyền thống.
Không chỉ phục vụ tương tác khách hàng, các ngân hàng còn đầu tư mạnh vào AI trong quản trị rủi ro. Hệ thống phát hiện gian lận dựa trên machine learning cho phép phát hiện giao dịch bất thường với độ trễ chỉ vài mili giây.
Cuộc đua dữ liệu và bài toán nguồn lực
Theo khảo sát của Finastra (2023), có đến 94% tổ chức tài chính tại Việt Nam đã lên kế hoạch hoặc đang triển khai ứng dụng AI ở các cấp độ khác nhau. Không ít ngân hàng xác định AI là ưu tiên chiến lược giai đoạn 2024–2026, nhằm duy trì sự gắn bó của khách hàng và tối ưu hóa chi phí vận hành.

Tuy nhiên, việc triển khai AI không đơn giản là mua sắm công nghệ. Một lãnh đạo ngân hàng cấp trung thừa nhận: “Không phải ngân hàng nào cũng có dữ liệu đủ sạch để huấn luyện AI. Chúng ta đang thiếu chuẩn hóa dữ liệu, gặp khó về bảo mật thông tin và nhất là chưa có nhiều nhân sự hiểu cả ngân hàng lẫn công nghệ.”
Thách thức này càng rõ nét hơn ở những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Việc xây dựng hệ thống AI nội bộ không chỉ tốn kém mà còn đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật mạnh, trong khi bài toán chi phí và thời gian triển khai là điều mà các ngân hàng thương mại không thể bỏ qua.
Xu hướng AI-as-a-Service (AI dưới dạng dịch vụ) vì thế đang nổi lên như một giải pháp thay thế linh hoạt. Thay vì đầu tư từ đầu, các ngân hàng có thể thuê dịch vụ từ các đối tác công nghệ, vừa giảm chi phí vừa tiếp cận nhanh hơn với công nghệ mới. Các nền tảng cung cấp AI từ AWS, Microsoft hay Google Cloud đang dần trở thành lựa chọn phổ biến.
AI – Công cụ sinh tồn mới của ngân hàng thời chuyển đổi số
Không dừng ở một công cụ hỗ trợ, AI đang được nhìn nhận như yếu tố sống còn của ngân hàng trong giai đoạn chuyển đổi số. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt buộc các ngân hàng phải nâng cấp không ngừng, không chỉ để thu hút khách hàng mới mà còn giữ chân tệp khách hàng hiện có.
AI không chỉ giúp tăng trải nghiệm cá nhân hóa, mà còn hỗ trợ quản lý rủi ro chủ động, cải thiện hiệu quả vận hành và mở rộng kênh phân phối dịch vụ. Trong dài hạn, ngân hàng nào làm chủ được dữ liệu, tận dụng AI hiệu quả sẽ có cơ hội mở rộng thị phần, củng cố mô hình kinh doanh bền vững.
Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển mình với sự tham gia mạnh mẽ của các công nghệ như AI, blockchain, big data, cuộc đua đổi mới của các ngân hàng sẽ không dừng lại ở câu chuyện giao dịch điện tử – mà là cuộc đua chiến lược để giữ vững vị thế và chinh phục niềm tin của khách hàng trong kỷ nguyên số.