90% giao dịch ngân hàng đã số hóa, giá trị thanh toán không tiền mặt gấp 25 lần GDP
Chuyển đổi số giúp ngành ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng tiếp cận dịch vụ và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên toàn hệ thống.
Ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, ngành ngân hàng Việt Nam đang đóng vai trò then chốt, tiên phong đưa công nghệ vào mọi hoạt động tài chính. Bám sát các chủ trương lớn như Nghị quyết 57-NQ/TW về chuyển đổi số quốc gia, hệ thống ngân hàng đã đạt được những bước tiến ấn tượng, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ, số hóa dịch vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), sau hơn 3 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030, nhiều tổ chức tín dụng đã có hơn 90% giao dịch thực hiện qua kênh số. Đây là một cột mốc quan trọng, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của toàn ngành trong công cuộc chuyển đổi số.
Hiện tại, gần 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đã gấp 25 lần GDP – con số cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong hành vi tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Cạnh tranh bằng công nghệ, phát triển ngân hàng số toàn diện
Hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Ước tính, 94% ngân hàng đã bắt đầu hoặc đang triển khai chiến lược số hóa, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ lõi, hệ thống dữ liệu và nền tảng ngân hàng số.
Chẳng hạn, LPBank đã triển khai hệ thống Core Banking T24, giúp nâng cao hiệu suất vận hành và phát triển dịch vụ tài chính số nhanh chóng, an toàn, cá nhân hóa. SHB cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ, hướng đến xây dựng nền tảng ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu ASEAN vào năm 2035, với động lực đến từ hệ thống Core Banking trên nền tảng đám mây.
VietinBank giới thiệu trợ lý AI nội bộ có tên “Genie”. Được huấn luyện trên hơn 2.000 quy trình và chính sách của ngân hàng, Genie giúp cán bộ nhân viên giải đáp nghiệp vụ tức thì, giảm hơn 95% thời gian tra cứu và ước tính tiết kiệm hàng trăm nghìn giờ làm việc mỗi tháng.
Tại MB, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết mỗi năm ngân hàng thu hút 5–7 triệu khách hàng mới nhờ chuyển đổi số. Doanh thu từ các dịch vụ số đã tăng gấp 3 lần, khẳng định hiệu quả của ngân hàng số không chỉ trong quản trị mà còn trong tăng trưởng bền vững.
Các ngân hàng như Techcombank, TPBank, ACB... cũng đang dẫn đầu về công nghệ, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình phê duyệt tín dụng, định danh eKYC và tự động hóa hoạt động, giúp rút ngắn thời gian xử lý giao dịch từ vài ngày xuống chỉ vài giờ.
Đặc biệt, hệ sinh thái ngân hàng số dành cho doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện. Doanh nghiệp có thể thanh toán, nộp thuế, giám sát dòng tiền thông qua API kết nối với phần mềm kế toán, tối ưu hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí.
Cơ chế thử nghiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngành ngân hàng
Nhằm hỗ trợ quá trình đổi mới và số hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới trong môi trường kiểm soát rủi ro, trước khi triển khai rộng rãi.
Theo các chuyên gia, cơ chế này sẽ thúc đẩy hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn và tiện lợi hơn. Đồng thời, tạo điều kiện để ngành ngân hàng góp phần vào mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện, đặc biệt với nhóm khách hàng ở vùng sâu, vùng xa hoặc chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính truyền thống.
Với đà phát triển hiện tại, cộng với sự hỗ trợ chính sách và ứng dụng công nghệ tiên tiến, ngành ngân hàng được kỳ vọng tiếp tục là lực đẩy quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.