7 "bí kíp" để trụ vững trên thị trường chứng khoán

Cập nhật: 21:43 | 17/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán không lúc nào giống lúc nào, mỗi một thời điểm lại có những bài học mới. Hi vọng rằng những chia sẻ của tôi sẽ phần nào giúp được mọi người trên con đường đầu tư của mình.

Hành trình nhân đôi tài khoản của tôi sau một năm đầu tư chứng khoán

Chứng khoán không phải là một "cuộc chơi"

Tâm sự của một F0 ... đu đỉnh

Thời điểm tôi biết đến chứng khoán là cách đây 10 năm. Khi đó thị trường Việt Nam quy mô còn rất nhỏ, một phiên giao dịch hơn 1000 tỷ đồng đã là thanh khoản rất lớn. Nếu có phiên giao dịch nào 2000 tỷ thì cả thị trường ... hỉ hả.

Suốt khoảng thời gian từ đó tới giờ, tôi cũng phải trải qua nhiều con sóng to có, nhỏ có. Thật may mắn tới giờ vẫn trụ lại ở thị trường. Dưới đây là những kinh nghiệm mà tôi rút ra từ những bài học của riêng mình.

1. Hãy học cách cân đối thu nhập trước khi nghĩ tới đầu tư

Đây là thứ mà tôi luôn dặn bạn bè và những người quen. Nguồn tiền dành cho đầu tư nên là nguồn tiền nhàn rỗi, không sử dụng đến trong ít nhất một năm và không bị ảnh hưởng bởi các nhu cầu của cuộc sống. Đa phần mọi người sẽ nghĩ tới đầu tư khi đột xuất có tiền chưa dùng tới mà chưa hề có hoạch định sẵn từ đầu. Điều này dẫn tới khi có nhu cầu đột xuất xảy ra mọi người sẽ rơi vào hoàn cảnh rất bị động. Sự bị động này có thể sẽ dẫn tới rất nhiều quyết định sai lầm.

Để đầu tư hiệu quả chúng ta cũng phải học rất nhiều, sai nhiều rồi sửa sai để đưa ra phương pháp đầu tư phù hợp
Sự bị động về nguồn vốn đầu tư có thể dẫn đến nhiều sai lầm. Ảnh minh họa

Vì thế, việc cần làm trước khi đầu tư là ổn định được thu nhập và chi tiêu, học cách tiết kiệm được một lượng tiền đều đặn mỗi tháng. Sau đó là học cách phân bố lượng tiền tiết kiệm. Lượng tiền cho đầu tư chỉ là một phần trong tiết kiệm. Hãy dành một phần cho tái đầu tư vào bản thân như học tập, chăm sóc sức khỏe để nâng cấp bản thân. Một phần nữa hãy dành cho gửi tiết kiệm hoặc mua vàng tích trữ để tránh các nhu cầu cần thiết xảy đến.

2. Luôn hiểu rõ bản thân mình là ai

Trước khi đầu tư hãy hiểu rõ bản thân mình là ai. Bạn có thể là nhà đầu tư dài hạn, đi cùng doanh nghiệp hoặc cũng có thể các bạn chỉ thích đầu cơ và có sở thích lướt sóng kiếm tiền dựa trên chênh lệch giá. Dù các bạn có là ai đi nữa thì điều đó chẳng có gì sai cả. Nhưng các bạn phải hiểu rõ bản thân mình là gì để có thể ra các quyết định cho phù hợp. Đa số mọi người không tìm hiểu xem chính bản thân mình là ai và nhu cầu như thế nào, điều đó khiến họ rất hoang mang khi ra quyết định đầu tư.

3. Trước khi đầu tư vào doanh nghiệp nào hãy luôn đảm bảo mình hiểu rõ nó

Thực sự thì việc hiểu rõ doanh nghiệp mà mình đầu tư là việc rất cần thiết đối với mỗi nhà đầu tư. Chỉ nên đầu tư khi bản thân chúng ta tìm ra được lý do để đầu tư. Mọi người thường hay sợ bỏ lỡ cơ hội khi tham gia mua - bán muộn, nhưng đối với tôi khi đầu tư mà bản thân chưa hiểu được rõ thì có nghĩa là các bạn đã tham gia vào một cuộc đánh bạc chứ không mang ý nghĩa đầu tư. Mà đánh bạc thì rủi ro lúc nào cũng cao hơn đầu tư rất nhiều.

Thậm chí đối với những người đầu cơ lướt sóng, tôi vẫn luôn luôn khuyên mọi người chỉ mua bán, giao dịch một vài cổ phiếu mà mọi người đã theo dõi và hiểu nó, hiểu cách dòng tiền của cổ phiếu đó vận hành. Khi danh mục của mọi người quá nhiều, quá tràn lan dẫn tới việc không hiểu đủ sâu, đủ sát thì việc ra quyết định chính xác sẽ giảm đi rất nhiều.

4. Luôn biết đủ và đừng quá tham lam, đừng quá kỳ vọng

Trong hơn mười năm đầu tư, tôi thấy đa số mọi người "chết" là do lòng tham. Dù là đầu tư hay đầu cơ, hiểu bản chất sự tăng giá của cổ phiếu do đâu và biết điểm dừng cho bản thân luôn là việc quan trọng.

Nếu là đầu tư, đi cùng doanh nghiệp hãy đừng đặt quá nhiều kỳ vọng và yêu cầu cao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào cũng có những câu chuyện riêng, cần thời gian cho sự phát triển. Hãy kiên nhẫn đi cùng doanh nghiệp rồi các bạn sẽ có thành quả.

Nếu là đầu cơ, hãy đừng đặt nặng việc mua đúng đỉnh và bán đúng đáy, hãy chỉ đặt mục tiêu mua bán có lời là được. Chính áp lực phải bán đúng đỉnh bán đúng đáy sẽ khiến chúng ta ra quyết định bị áp lực hơn và khó khăn hơn.

5. Đừng quá để ý tới đám đông

Tôi thấy có rất nhiều thống kê kiểu: "Có tới hơn 90% số nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường!”.

Nếu thực sự số người thua lỗ nhiều như vậy thì quá quan tâm với số đông làm gì cho mỏi mệt. Như tôi từng nói ở trên, đa số mọi người đều chưa tự nhìn lại xem bản thân mình là ai và cũng rất ít người bỏ thời gian ra tìm hiểu nội tại doanh nghiệp và đó là lý do chính khiến họ thua lỗ.

Mỗi khi ra quyết định, các bạn nên tin vào bản thân mình và đừng quá phụ thuộc vào ý kiến của đám đông ngoài kia. Tất nhiên tôi không có ý chê bai ai và bảo mọi người không nên tham khảo ý kiến các chuyên gia. Tôi chỉ khuyên mọi người đừng quá phụ thuộc vào người khác. Tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm cũng là một cách hay để chúng ta tự học nhưng cái chính mỗi người vẫn phải nhìn lại chính con người mình và vốn kiến thức của mình, tin vào chính mình và ra quyết định.

6. Mua vì lý do gì hãy bán vì lý do đó

Nếu các bạn mua vì nội tại doanh nghiệp, để đi cùng doanh nghiệp trong dài hạn thì đừng quá áp lực về những đồ thị kỹ thuật hay giao dịch của những người khác trên thị trường. Nếu các bạn chỉ đầu cơ lướt sóng và khi cổ phiếu đi vào "pha" giảm, đừng đem các chỉ số cơ bản, nội tại doanh nghiệp để tự huyễn hoặc mình.

Đa số mọi người "chết" vì biết quá nhiều chứ không phải chết do không biết gì. Hãy tìm ra điểm mạnh của mình và tập trung vào nó. Biết nhiều không phải lúc nào cũng hay.

7. Đầu tư cũng là một bài học của cuộc đời, hãy chấp nhận các thua lỗ và vượt qua nó

Đừng nghĩ rằng đầu tư là phải thắng mãi và không bao giờ có thua lỗ. Để đầu tư hiệu quả chúng ta cũng phải học rất nhiều, sai nhiều rồi sửa sai để đưa ra phương pháp đầu tư phù hợp.

Khi học thì việc sai lầm là không thể tránh khỏi. Thua lỗ đơn giản cũng chỉ là một sai lầm khi đưa ra quyết định đầu tư sai mà thôi. Hãy chấp nhận cái sai lầm của bản thân mình, đừng quá thất vọng, đừng quá tồi tệ hóa vấn đề. Sau đó hãy tìm cách sửa sai, tìm ra lý do bản thân sai lầm để lần sau có những quyết định chính xác hơn.

Tôi biết khi mất tiền ai cũng xót, ai cũng đau đớn. Nhưng cuộc đời ai cũng sẽ có lúc mất tiền do những sai lầm, và đó là bài học cuộc sống mà chúng ta phải trải qua. Hãy học từ những sai lầm và cố gắng không mắc lại nó lần thứ hai. Chỉ có như vậy càng ngày chúng ta càng hoàn thiện việc đầu tư của riêng mình.

Lời kết

Mỗi người còn rất nhiều thứ phải quan tâm. Chúng ta có chính mình là một chủ thể cần được tự yêu thương, chăm sóc, nâng cấp và nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Chúng ta có gia đình cần yêu thương và chăm chút. Chúng ta có bạn bè và các mối quan hệ xã hội cần xây dựng và mở rộng. Chúng ta có công việc, có đam mê, có sứ mệnh cần làm với cuộc đời này.

Ngoài đầu tư ra chúng ta còn rất nhiều thứ quan trọng cần quan tâm. Vì thế chúng ta cần cân đối thời gian bản thân cho tốt, đừng để thời gian cho đầu tư chiếm quá nhiều thứ trong quỹ thời gian của mình để rồi bỏ qua các giá trị khác.

Tôi từng thấy rất nhiều người quá đam mê đầu tư để rồi quên hết gia đình, con cái, người xung quanh và cũng làm sức khỏe của họ suy kiệt. Kiếm tiền để phục vụ nhu cầu của bản thân là tốt nhưng kiếm tiền trong khi sau đó lại bỏ tiền ra mua sức khỏe thì cũng không hay. Và bỏ qua các mối quan hệ xung quanh mình để rồi sau này có tiền rồi, nhìn lại thì các mối quan hệ đáng lẽ ra chúng ta cần chăm chút thì cũng không thể cứu vãn nổi.

Đầu tư là việc rất bình thường và cần thời gian dài để tích lũy, để học hỏi, để trải nghiệm và để sinh lời. Hãy cứ chấp nhận đầu tư như một phần của cuộc sống và cân bằng nó với những giá trị khác như chính mình, gia đình và các mối quan hệ. Khi cân bằng được tự khắc đầu tư cũng dễ dàng và hiệu quả thôi.

Hi vọng rằng những chia sẻ của tôi sẽ phần nào giúp được mọi người trên con đường đầu tư của mình. Chúc các nhà đầu tư thành công!

Đức Linh (Hà Nội)