6 yếu tố vĩ mô nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý trong năm 2023

Cập nhật: 14:50 | 16/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Năm 2023, nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vậy nhà đầu tư chứng khoán cần lưu tâm điều gì và các chỉ số vĩ mô có tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán trong năm 2023?

Động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Singapore và Brunei

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Nhật Bản sớm ký kết thỏa thuận về ODA thế hệ mới

Chia sẻ tại talk shows Phố Tài chính của VTV, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, năm 2023 nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức.

6 yếu tố vĩ mô nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý trong năm 2023
6 yếu tố vĩ mô nhà đầu tư chứng khoán cần lưu ý trong năm 2023

Thứ nhất: Xuất khẩu chậm lại

Giám đốc Phân tích VNDirect cho biết, đây là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nhưng năm 2023 sẽ có xu hướng khó khăn hơn khi tổng cầu thế giới suy giảm rõ rệt.

Theo những dự báo gần đây, nhu cầu tiêu dùng của thế giới sẽ giảm xuống dưới 1% trong năm 2023, cho dù Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế trở lại. Vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó đạt mức tăng trưởng hai con số như trong 2 năm gần đây.

Thứ hai: Lạm phát ở mức cao

Thách thức tiếp theo mà Giám đốc Phân tích VNDirect chỉ ra là lạm phát. Theo đó, áp lực lạm phát của năm 2023 có thể sẽ lớn hơn so với năm 2022.

Nếu như năm 2022, áp lực lạm phát chủ yếu đến từ những yếu tố bên ngoài như giá cả nguyên vật liệu cơ bản tăng mạnh thì năm 2023, đa phần nguyên nhân sẽ đến từ những yếu tố trong nước, như tăng giá điện hay tăng giá dịch vụ công thiết yếu khác, hoặc do tăng lương cơ bản từ tháng 7.

Bà Hiền cho rằng, mặc dù giá nguyên vật liệu có xu hướng hạ nhiệt, tuy nhiên do tỷ giá USD vẫn ở mức cao, nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới lạm phát trong nước cho đến ít nhất là giữa năm 2023.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect. (Ảnh: VTV).
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect. (Ảnh: VTV).

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, lạm phát cao và dự kiến đạt đỉnh vào quý I/2023 sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng từ đó gây ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Dữ liệu theo tháng cho thấy chỉ số CPI đã bắt đầu tăng tốc mạnh từ quý III/2022 với các yếu tố tác động tăng dịch chuyển dần từ nhóm năng lượng sang nhóm hàng hóa liên quan đến giáo dục và nhà ở. Điều này cũng khiến cho lạm phát cơ bản tăng mạnh hơn lạm phát chung, và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là khi Chính phủ sắp tăng giá điện hoặc dịch vụ y tế.

SSI cũng cho rằng, lạm phát lương thực và thực phẩm có thể là yếu tố rủi ro trong năm 2023 khi thuế VAT trở lại mức 10% hay giá thịt heo trong nước có thể sẽ bật tăng do việc mở cửa của Trung Quốc.

Thứ ba: Áp lực tỷ giá

Yếu tố tiếp theo cần lưu ý là việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Chuyên gia của VNDirect cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn ở mức cao ít nhất cho đến hết quý II/2023.

Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ tăng lãi suất vào tháng 2, tháng 3 và tháng 5 sẽ giữ lãi suất ở mức cao. Điều này gây áp lực không nhỏ đến điều hành tỷ giá của Việt Nam. Do đó, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và chỉ có thể nới lỏng đôi chút kể từ giữa năm.

Thứ tư: Lãi suất vẫn ở mức cao

Xuất phát từ việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước khó tránh khỏi việc phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và tránh dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Vì vậy, mặt bằng lãi suất khó có thể giảm trong nửa đầu năm.

Thứ năm: Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đóng bang

Thêm thách thức nữa cho nền kinh tế năm 2023 là việc thị trường bất động sản đóng băng cũng như việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa có những biện pháp rõ ràng để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

SSI chỉ ra rằng, lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong năm 2023 là rất lớn, trong đó có một phần trái phiếu doanh nghiệp đến hạn được dời từ quý IV/2022 sang quý I/2023). Các vụ việc sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang chờ xử lý.

Với Nghị định 65 sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp, hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và nhiều khả năng sẽ được thông qua trong Quý I/2023.

Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ đang nỗ lực tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ rất khó để thị trường sôi động trở lại ngay trong năm nay.

Thứ sáu: Trung Quốc mở cửa trở lại

Ngoài 5 thách thức kể trên, một trong những cơ hội có thể tác động đến kinh tế vĩ mô là việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Theo phân tích của SSI, việc Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chắc chắn tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam, ví dụ như đối với ngành xuất khẩu, du lịch.

Tuy nhiên, tác động rõ rệt có thể chỉ đến từ nửa cuối năm 2023, và cũng cần phải nhắc lại rằng ba năm COVID-19 đã phần nào thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như du lịch của du khách Trung Quốc, và các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực hơn để thích ứng với xu hướng du lịch đó.

Hồng Giang