5 điểm mới trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021

Cập nhật: 14:18 | 26/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng bằng phiếu hoặc trực tuyến, điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, sử dụng Phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học... là những điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021.

Nhóm ngành học đại học có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất năm 2020

TPHCM: Trường hợp nào được tuyển thẳng và điểm cộng ưu tiên?

Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ba lần

Ngày 25/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm (CĐ SP) năm 2021. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 4 đầu cầu (Hà Nội, TP Hồ Chính Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ) với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết một số nội dung mới trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ SP năm 2021, đó là:

Thứ nhất: Năm nay, thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng theo một trong hai hình thức là bằng phiếu hoặc trực tuyến tại những nơi có điều kiện. Thay đổi này được cho phù hợp với điều kiện thực tế và góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

1624-tuyensinh1
Ảnh minh họa

Thứ hai: Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, theo phương thức trực tuyến. Bộ GD&ĐT cho biết, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là phương án đã có trong lộ trình đổi mới thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu của điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm cơ hội để điều chỉnh quyết định.

Chính sách tuyển sinh này cũng sẽ bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của các nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh.

"Việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần cũng không làm ảnh hưởng đến việc lọc ảo của hệ thống. Lọc ảo và điều chỉnh nguyện vọng là 2 quy trình ở các giai đoạn khác nhau", Bộ GD&ĐT thông tin.

Thứ ba: Bộ GD&ĐT cũng bổ sung yêu cầu về điểm trúng tuyển theo diện đặt hàng tại các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Theo đó, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung của ngành tuyển sinh.

Đối tượng thí sinh theo diện này phải là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp THPT tại địa phương. Địa phương phải có cam kết sử dụng những sinh viên này sau khi tốt nghiệp.

Thứ tư: Việc sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học. Để tránh tình trạng "giữ chỗ", Bộ GD&ĐT đề xuất thí sinh phải gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học. Như vậy, thí sinh sẽ không thể tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.

Thứ năm: Bộ GD&ĐT cũng đưa ra sự thống nhất về cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển, lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang chủ của trang thông tin điện tử, đảm bảo vị trí thuận lợi nhất để thí sinh dễ dàng tìm hiểu.

Thời gian công bố công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường, đối với hình thức đào tạo chính quy phải trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.

Đối với các trường có yêu cầu về tiêu chí phụ hay sơ tuyển trong tuyển sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải có giải pháp để kiểm soát thông tin này trước khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo, tránh tình trạng do các quy định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi tổ chức xét tuyển.

Thanh Hằng