4 doanh nghiệp bất động sản đưa dư nợ trái phiếu về Zero

Cập nhật: 14:42 | 27/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Từ cuối năm 2023 đến nay, một số doanh nghiệp bất động sản đã công bố hết nợ trái phiếu sau một thời gian mua lại trước hạn dù kết quả kinh doanh vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG) mới đây thông báo đã tất toán lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng trong tháng 5/2024 qua đó đưa dư nợ trái phiếu về 0. Đây là lô trái phiếu do Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thu xếp phát hành với lãi suất thỏa thuận và có kỳ hạn 24 tháng, được bảo đảm bằng các dự án, bất động sản đầu tư thuộc sở hữu của An Gia và các tài sản khác của bên thứ ba.

An Gia chính thức đưa dư nợ trái phiếu về 0 ngay trong tháng 5 này, đúng như kế hoạch mà ban lãnh đạo công ty đã đề ra trước đó tại đại hội đồng cổ đông năm 2024. Đây cũng là doanh nghiệp bất động sản thứ hai ở TP.HCM đưa dư nợ trái phiếu về 0 sau Bất động sản Phát Đạt.

4 doanh nghiệp bất động sản đưa dư nợ trái phiếu về Zero

Hiện tại, Công ty chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu mới trong các đợt huy động vốn tiếp theo, thay vào đó là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược với mục đích sử dụng vốn duy nhất là M&A, phát triển dự án.

Trước An Gia, một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) cũng công bố đã trả khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị 2.500 tỉ đồng đúng hạn và trước hạn, đưa dư nợ vay trái phiếu về 0 đồng từ cuối năm 2023. Ngày 13/5 vừa qua, Phát Đạt đã chốt danh sách cổ đông để chào bán hơn 134,3 triệu cổ phiếu. Số tiền dự kiến thu được từ được chào bán này lên hơn 1.343 tỉ đồng sẽ được công ty sử dụng để thực hiện các dự án bất động sản.

Hay như trường hợp của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR) đã thanh toán lô trái phiếu trị giá 80 tỷ đồng trong năm 2023 và chính thức sạch nợ trái phiếu. Trong hai năm qua, công ty theo đuổi chiến lược thận trọng, không mở rộng dự án hay quỹ đất mà tập trung vào nội tại doanh nghiệp để ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) cũng chính thức đưa dư nợ trái phiếu về 0 đồng từ năm 2023, bao gồm tất toán dư nợ gốc 3.900 tỷ đồng và tiền lãi gần 162 tỷ đồng. Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, đầu năm 2023 chính sách tiền tệ được mở rộng trở lại, nguồn tiền công ty có nhưng sau đó sự kiện trái phiếu trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi kinh hoàng của toàn thị trường nên HĐQT quyết định "cắn răng" trả hết 4.000 tỷ đồng trái phiếu.

Ngoài các doanh nghiệp trên, tính đến tháng 12/2023, một loạt các doanh nghiệp bất động sản như Điền Phát Land, Vinh An Điền, Hoa Kim Anh, Minh Khang Điền, City Garden, Hong Lim Land, Downtown, Năm Bảy Bảy, C.E.O, Hà Đô Group… đã chi từ 157 tỷ đồng đến 770 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn, đồng thời xóa hết nợ trái phiếu.

Trong câu chuyện trái phiếu, điểm chung của tất cả các doanh nghiệp này đều nhằm giảm giải tỏa các nút thắt về trái phiếu, căn bằng tài chính tiến tới phát triển ổn định. Về tình hình kinh doanh, quý 1/2024, TTC Land ghi nhận gần 4,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng bằng lần so với mức gần 2 tỷ YoY. Lợi nhuận Phát Đạt cũng tăng 2,34 lần so với cùng kỳ lên mức 52,6 tỷ đồng. Ấn tượng nhất phải kể đến trường hợp của An Gia báo lãi 214 tỷ đồng, cao gấp 17,4 lần so với quý đầu năm ngoái.

Duy nhất Kinh Bắc báo lỗ 76,7 tỷ đồng trong quý 1/2024 (cùng kỳ lãi 1.056 tỷ). Nguyên nhân được công ty cho biết do không ghi nhận doanh thu từ thuê đất và cơ sở hạ tầng. Mảng cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ, xử lý nước thải mang lại gần 93 tỷ đồng. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản giảm gần 30%, chỉ còn vỏn vẹn 14,7 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, trong tháng 4, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 183.484 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 73.784 tỉ đồng, tương đương 40,2%.

Theo nhận định của Fiin Ratings, tuy áp lực đáo hạn và hoàn thành nghĩa vụ nợ sau khi thực hiện giãn hoãn hoặc cơ cấu vẫn còn, đơn vị này ghi nhận các doanh nghiệp vẫn đang đáp ứng đúng tiến độ.

2024-2025 sẽ là cao điểm đáo hạn trái phiếu nhóm bất động sản
2024-2025 sẽ là cao điểm đáo hạn trái phiếu nhóm bất động sản

Tính đến ngày 2/5, ước lượng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm đạt 257.170 tỷ đồng trong đó giá trị trái phiếu của nhóm ngành bất động sản đạt 100.260 tỷ - chiếm gần 39% và giảm 1/3 so với số liệu ghi nhận tại thời điểm đầu tháng 12/2023.

Nhóm phân tích cho rằng áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 là khá lớn, đặc biệt là đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023. Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ.

Central Capital: Chậm đóng bảo hiểm, 600 tỷ đồng trái phiếu chuẩn bị đáo hạn

Về Tổng Giám đốc Central Capital - ông Hoàng Văn Hậu từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư tài sản Koji ...

Doanh nghiệp bí ẩn tại Phú Yên huy động 1.500 tỷ đồng trái phiếu, nợ gấp 4 lần vốn chủ sở hữu

Tỷ suất ROE rơi về con số 0, doanh nghiệp còn 1.500 tỷ đồng trái phiếu chưa đáo hạn, năm vừa qua doanh nghiệp này ...

BIDV rao bán lô trái phiếu hơn 3.700 tỷ đồng của HAGL

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá lô trái phiếu do Công ...

Đức Anh

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm