190.000 "ông chủ" của Hòa Phát sẽ quy tụ trong hôm nay
Đại hội cổ đông Hòa Phát – “doanh nghiệp quốc dân” với hơn 190.000 cổ đông đang thu hút mọi sự chú ý của giới đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động của ngành thép nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Sáng nay ngày 17/4, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Hà Nội. Đây không chỉ là một sự kiện thường niên, mà còn là thời khắc được hàng trăm nghìn nhà đầu tư ngóng đợi – bởi lẽ Hòa Phát từ lâu đã được ví như “doanh nghiệp quốc dân” của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với hơn 190.000 cổ đông, cổ phiếu HPG là một trong những mã có thanh khoản cao, độ phủ rộng và được “ôm” rất nhiều bởi các nhà đầu tư cá nhân. Chính vì vậy, mọi chuyển động tại đại hội năm nay đều được thị trường theo dõi sát sao – từ chiến lược kinh doanh, tiến độ dự án, cho đến những phát ngôn nổi bật từ Chủ tịch Trần Đình Long.

Mục tiêu 2025 tham vọng giữa làn sóng biến động toàn cầu
Theo tài liệu đại hội, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng – tăng lần lượt 22% và 25% so với kết quả thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, kế hoạch chia cổ tức 500 đồng/cổ phiếu bằng tiền mặt (trích từ 3.200 tỷ đồng lợi nhuận) tạm thời bị hoãn lại. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ biến động bất ngờ về chính sách thương mại, đặc biệt là việc Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên thép Việt Nam.
Đây chỉ là một phần trong làn sóng bảo hộ thương mại đang lan rộng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Mexico, Canada, Ấn Độ... Thép mạ Hòa Phát cũng không nằm ngoài tầm ngắm, khi bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá lên tới 49,42%.
Cơ hội trong nước và những “cú đấm thép” tỷ đô
Dù thị trường xuất khẩu gặp khó, nhưng Hòa Phát vẫn còn nhiều dư địa trong nước. Bộ Công Thương vừa áp thuế chống bán phá giá với HRC và tôn mạ Trung Quốc – biện pháp được kỳ vọng giúp Hòa Phát mở rộng thị phần nội địa, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đang dần phục hồi.
Bên cạnh đó, tâm điểm của đại hội năm nay chắc chắn sẽ là tiến độ và triển vọng của hai dự án trọng điểm:
Hòa Phát Dung Quất 2 – tổ hợp thép quy mô 85.000 tỷ đồng, diện tích 280 ha, công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm, dự kiến vận hành toàn bộ trong 2025, nâng tổng công suất Tập đoàn lên 15 triệu tấn/năm.
Dự án thép tại Phú Yên – tổng đầu tư 86.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành trong 3 năm, là bước đi tiếp theo trong chiến lược “thép hóa” toàn diện của Hòa Phát.
Không dừng lại ở sản xuất, Hòa Phát còn thể hiện tham vọng lấn sân hạ tầng, khi công bố muốn tham gia vào các siêu dự án đường sắt quốc gia – thị trường được định giá hơn 100 tỷ USD. Nhà đầu tư kỳ vọng đại hội sẽ hé lộ thêm các bước chuẩn bị và chiến lược “dài hơi” của Tập đoàn ở lĩnh vực mới này.
Vị chủ tịch thường chiếm trọn "spotlight" đại hội
Còn nhớ tại Đại hội 2024, Chủ tịch Trần Đình Long đã làm dấy lên làn sóng truyền thông và giới đầu tư với những phát ngôn đầy cảm xúc nhưng cũng không kém phần chiến lược:
“Ông trời đã bắt Hòa Phát phải làm việc khó”
“Từ năm 2025, Hòa Phát sẽ chia cổ tức trở lại”
“Cổ phiếu Hòa Phát từ tốt đến rất tốt”
“Bạn giữ một cổ phiếu thì cũng là chủ”
“Tôi đang rút dần khỏi Hòa Phát”

Với cá tính mạnh mẽ, cùng triết lý đầu tư gắn bó dài hạn, ông Long thường là tâm điểm mỗi kỳ đại hội. Trong bối cảnh thị trường thép đang chịu sức ép từ cả trong lẫn ngoài nước, sự hiện diện và thông điệp của ông tại Đại hội năm nay sẽ được xem là chỉ dấu định hướng cho không chỉ Hòa Phát, mà còn cả nhóm cổ phiếu ngành thép.
Nhìn chung, tại đại hội năm nay, nhà đầu tư không chỉ chờ đợi các con số, mà còn chờ đợi sự cam kết, chiến lược và tầm nhìn từ ban lãnh đạo – đặc biệt trong thời điểm nhiều biến động như hiện nay.