128.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả, rủi ro thanh toán ngày càng tăng cao

Cập nhật: 11:28 | 25/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Tính tới thời điểm hiện tại, những khó khăn thực chất của nền kinh tế chính thức “thẩm thấu” vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khiến những rủi ro tiềm ẩn về khả năng thanh toán gốc, lãi cho trái chủ bắt đầu gia tăng.

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, chỉ tính riêng trong hai tuần cuối của tháng Năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm gần 50% giá trị đáo hạn tương đương 7.000 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỷ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỷ đồng…

Theo báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tính riêng trong năm 2023, giá trị trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm đạt gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý 3 lớn nhất với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023.

128.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả, rủi ro thanh toán ngày càng tăng cao
Giá trị đáo hạn TPDN theo ngành nghề. Nguồn: VCBS

Tổng giá trị TPDN chậm trả lên trên 128 nghìn tỷ đồng

Tính từ cuối quý 1 năm nay , nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rất lo lắng với thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố về danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi cho trái chủ (trong đó có trên 30 doanh nghiệp bất động sản).

Tình trạng này tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây. Theo FiinRatings (công ty xếp hạng tín nhiệm nội địa), tính đến tháng Năm, có tới gần 100 tổ chức phát hành công bố chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên tới 128 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% tổng quy mô trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành.

Về tổng quan, Bộ Tài chính cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển nhanh trong những năm gần đây và chiếm khoảng 12,6% GDP năm 2022. Tuy nhiên đến năm 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã giảm 45% so với năm 2021, đạt 337 nghìn tỷ đồng. Sang đến quý 1/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng và trong tháng Tư, thị trường ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu riêng lẻ phát hành thành công với trị giá 671 tỷ đồng.

128.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả, rủi ro thanh toán ngày càng tăng cao
Giá trị trái phiếu đáo hạn. Nguồn: VCBS.

Những khó khăn của thị trường trái phiếu đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề cập tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Chính phủ thừa nhận, do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài.

Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...

Theo góc nhìn của một số chuyên gia, việc các doanh nghiệp trậm trả thanh toán trái phiếu sẽ đẩy rủi ro thanh toán cả gốc, lãi cho trái chủ gia tăng. Việc lùi thời hạn trả chậm đồng nghĩa các doanh nghiệp sẽ phải trả thêm tiền lãi. Đó sẽ là bài toán khó đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh ạm đạm của nền kinh tế hiện nay. Nếu các doanh nghiệp phá sản vì không thể thanh toán được trái phiếu, thị trường chứng khoán cũng sẽ một phần phải chịu những tác động tiêu cực trong thời gian tới.

Hơn 21.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong tháng 5

Tính đến ngày công bố thông tin 5/5, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5/2023 là hơn 21.400 tỷ đồng. Một số ...

Chỉ có duy nhất 1 lô trái phiếu riêng lẻ được phát hành trong tháng 4

Lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản có kỳ hạn 16 tháng với lãi suất 14%/ năm – đây cũng ...

Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy phát triển an toàn, bền vững và tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vốn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vốn, thị trường chứng ...

Thành An