Kiến thức

Thần dược giúp phục hồi cơ thể sau ốm, nhưng đừng dùng nếu bạn nằm trong 3 nhóm này

Hạ Vy 25/07/2025 5:30

Là loại nước giúp bồi bổ cơ thể, chống mệt mỏi, hỗ trợ tiết sữa. Tuy nhiên, có 3 nhóm người không nên dùng vì có thể gây hại sức khỏe.

Rễ đinh lăng: "Nhân sâm bình dân" nhiều công dụng quý

Trong kho tàng dược liệu của Đông y Việt Nam, rễ đinh lăng được ví như một vị thuốc quý, có giá trị tương đương “nhân sâm” với công dụng tăng cường thể lực, bồi bổ sức khỏe. Theo các nghiên cứu khoa học, rễ đinh lăng chứa khoảng 0,3% glucozit, các hoạt chất alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1 là những thành phần quan trọng có tác dụng giảm mệt mỏi, tăng sức đề kháng và chống viêm hiệu quả.

dinhlang1.png
Uống nước rễ đinh lăng đúng cách giúp giảm mệt mỏi, tăng đề kháng

Y học cổ truyền cho rằng rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, đi vào kinh Tỳ và Vị, có tác dụng khu phong, trừ thấp, tiêu viêm, thông kinh lạc và tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh. Đặc biệt, rễ đinh lăng thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị chứng đau nhức xương khớp, mệt mỏi mãn tính, rối loạn tiêu hóa, đau đầu và suy nhược.

Để phát huy tác dụng tốt nhất, rễ đinh lăng nên được thu hoạch từ cây trên 3 năm tuổi. Sau khi rửa sạch, rễ được thái mỏng, phơi khô và có thể dùng sắc nước, sao vàng hãm trà hoặc tẩm rượu gừng, mật ong rồi sao thơm để dùng lâu dài.

Một bài thuốc dân gian phổ biến là lấy 8–16g rễ đinh lăng khô, sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Ngoài ra, cũng có thể hãm 5–10g rễ đã sao tẩm như trà để dùng hằng ngày. Loại nước này giúp phụ nữ sau sinh giảm đau dạ con, lợi sữa, phục hồi sức khỏe nhanh.

dinhlang.png
3 nhóm người nên tránh xa loại nước từ rễ đinh lăng

Kết hợp rễ đinh lăng đúng cách để trị bệnh

Không chỉ sử dụng đơn độc, rễ đinh lăng còn có thể phối hợp với các thảo dược khác để điều trị một số chứng bệnh:

Giải cảm, hạ sốt, giảm đau nhức: Dùng 30g rễ đinh lăng tươi, kết hợp với vỏ quýt, lá tre, rau má, cam thảo dây… sắc uống mỗi ngày, chia 3 lần. Bài thuốc này giúp thanh nhiệt, lợi tiểu và làm dịu các triệu chứng viêm.

Hỗ trợ điều trị thiếu máu: Phối hợp rễ đinh lăng với thục địa, hà thủ ô, hoàng tinh, tam thất tán nhỏ, râu ngô… giúp tăng cường huyết sắc tố, cải thiện tuần hoàn và nâng cao thể trạng.

Giảm mệt mỏi, đau nhức cơ thể: Dùng rễ đinh lăng sao vàng, sắc nước uống hoặc dùng ngâm rượu xoa bóp vùng bị đau.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần loại bỏ phần lõi rễ già vì có thể gây tác dụng phụ nếu dùng nhiều. Phần lõi rễ có thể gây chóng mặt, hoa mắt hoặc mệt mỏi nếu dùng liều cao, kéo dài.

dinhlang.jpg

3 nhóm người không nên dùng rễ đinh lăng

Dù rễ đinh lăng là loại dược liệu lành tính, vẫn có những trường hợp cần tuyệt đối tránh hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng:

Phụ nữ mang thai: Do chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh tính an toàn tuyệt đối, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng rễ đinh lăng, nhất là dưới dạng nước sắc hoặc ngâm rượu.

Người mắc bệnh gan: Một số hoạt chất trong đinh lăng có thể khiến gan phải hoạt động nhiều hơn, gây gánh nặng lên gan, đặc biệt nếu đang điều trị viêm gan, men gan cao hoặc xơ gan.

Người đang dùng thuốc điều trị bệnh lý khác: Đinh lăng có thể tương tác với thuốc tây, gây giảm hoặc tăng tác dụng thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, những người có cơ địa nóng hay nổi mụn nhọt, táo bón cũng nên tránh dùng liều cao hoặc liên tục trong thời gian dài. Việc sử dụng nước sắc rễ đinh lăng cần tuân thủ liều lượng hợp lý, không lạm dụng như thức uống thông thường.

Hạ Vy