Cáo bạch tài chính

Ôm dự án nghỉ dưỡng đình đám, một doanh nghiệp chưa thoát lỗ vẫn hút mạnh dòng tiền

Thu Hà 19/07/2025 10:30

Chưa thoát lỗ, vẫn ôm dự án nghỉ dưỡng dở dang, nhưng doanh nghiệp này lại bất ngờ hút dòng tiền lớn thông qua loạt thương vụ sang tay nghìn tỷ.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR) tiếp tục trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan, théo Báo cáo tài chính quý II/2025 vừa được công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 0,2% so với kế hoạch 1.793 tỷ đồng mà đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua cho cả năm.

Cát Bà
VCR hiện là chủ đầu tư dự án khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina quy mô hơn 172 ha tại vịnh Cái Giá, huyện Cát Hải, Hải Phòng

Trừ đi giá vốn 2,7 tỷ đồng, công ty thu về 455 triệu đồng lợi nhuận gộp, tương ứng biên lãi gộp 14,4%. Đây là lần đầu tiên sau gần hai năm, VCR có lãi gộp từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, số lãi này vẫn quá nhỏ để bù đắp các khoản chi phí vận hành, trong đó riêng chi phí quản lý doanh nghiệp đã lên tới 6 tỷ đồng.

Kết quả là công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ sau thuế 5,1 tỷ đồng trong quý II – đánh dấu quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp kể từ quý II/2023. Dù vậy, mức lỗ này có phần được thu hẹp so với con số âm 6,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo lý giải từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân khiến mức lỗ năm nay biến động trên 10% là do đã có doanh thu phát sinh, trong khi chi phí quản lý không thay đổi nhiều.

Tổng cộng 6 tháng đầu năm, Vinaconex ITC lỗ lũy kế 10,6 tỷ đồng.

Tiền mặt hạn chế, tài sản chủ yếu nằm ở dự án Cát Bà Amatina

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 5.375 tỷ đồng – tăng 3,7% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn giá trị tài sản (93,6%) đang nằm ở chi phí xây dựng dở dang, tương đương 5.030 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến đại dự án Khu du lịch Cái Giá - Cát Bà (hay còn gọi là Cát Bà Amatina).

Tình trạng thanh khoản của công ty không mấy khả quan khi lượng tiền mặt và tương đương tiền chỉ ở mức 1,1 tỷ đồng – con số khá nhỏ so với quy mô tài sản đang nắm giữ.

Ở chiều nợ, tổng nợ phải trả ghi nhận 3.802 tỷ đồng, chiếm tới 70,7% tổng nguồn vốn. Trong đó gồm 856 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 1.658 tỷ đồng nợ dài hạn.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục âm 269 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giảm khoản phải trả cho nhà cung cấp. Cùng thời gian, dòng tiền đầu tư cũng âm 143 tỷ đồng do công ty tiếp tục bơm vốn vào các hạng mục xây dựng.

Điểm sáng duy nhất là dòng tiền tài chính ghi nhận dương 414 tỷ đồng – chủ yếu nhờ các khoản vay mới lên tới 643 tỷ đồng, dù công ty cũng đã chi 229 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Tuy nhiên, nguồn tiền đi vay vẫn không đủ để giúp công ty tránh được khoản lỗ khi doanh thu quá thấp không đủ gánh chi phí điều hành.

Vinaconex rút lui khỏi vai trò công ty mẹ

Một thay đổi lớn về mặt cơ cấu sở hữu cũng vừa diễn ra tại Vinaconex ITC. Trong hai phiên giao dịch ngày 15 và 17/7, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – VCG) đã bán tổng cộng 55,65 triệu cổ phiếu VCR, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống còn 24,5%. Như vậy, Vinaconex đã chính thức không còn là công ty mẹ của VCR.

Các giao dịch này được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với mức giá 49.600 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, ngày 15/7 có 8,4 triệu cổ phiếu được sang tay với tổng giá trị khoảng 417 tỷ đồng; ngày 17/7 ghi nhận thêm 47,73 triệu cổ phiếu giao dịch, trị giá xấp xỉ 2.368 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 3/7, Công ty TNHH Sàn Giao dịch BĐS Hà Nội Anpha đã mua vào 48,43 triệu cổ phiếu VCR, chiếm 23,06% vốn điều lệ. Tiếp đó, ngày 9/7, Công ty TNHH Imperia An Phú gom thêm 50,7 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 24,14%. Mới đây nhất, Công ty Kinh doanh Quốc tế Silver Field cũng tham gia mua vào 47,25 triệu cổ phiếu vào ngày 17/7, chiếm 22,5% vốn điều lệ sau giao dịch.

Được biết, các thương vụ thoái vốn này là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc danh mục đầu tư của Vinaconex, công bố từ tháng 6/2025. Mức giá chào bán tối thiểu đưa ra trước đó là 48.000 đồng/cổ phiếu – tương đối sát với mức giá thực tế của các giao dịch gần đây.

Theo phân tích của Chứng khoán KBSV, tính đến giữa năm nay, tổng giá trị hợp đồng xây dựng chưa thực hiện (backlog) của Vinaconex đã vượt 26.000 tỷ đồng, trong đó nhóm dự án sân bay, cao tốc và hạ tầng đô thị chiếm gần 20.000 tỷ đồng. Việc bổ sung nguồn lực tài chính từ thoái vốn VCR được xem là động lực quan trọng giúp Vinaconex duy trì tiến độ và năng lực thi công các dự án hiện hữu.

Thu Hà