Bên trong trường đại học của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Gần 80% nhân viên dùng xe điện, 43% nữ lãnh đạo, hơn 26 triệu USD học bổng đã trao
Không chỉ là nơi đào tạo, đại học VinUni đang thực hành ESG ngay trong hạ tầng, học bổng, nhân sự và tương tác cộng đồng.
Điện mặt trời trên mái giảng đường và 1,5 triệu chai nhựa bị loại khỏi khuôn viên
Tại một trong những khuôn viên đại học hiện đại bậc nhất Việt Nam, Trường Đại học VinUni đang cho thấy cách một tổ chức giáo dục có thể đồng thời đạt chuẩn học thuật cao và thực hành phát triển bền vững trong từng hoạt động vận hành. Báo cáo phát triển bền vững 2024 của trường cho thấy, các cam kết về môi trường đã không còn dừng ở ý tưởng – mà đã được đo lường bằng số liệu cụ thể.

VinUni hiện có đến 84% diện tích khuôn viên là không gian xanh, với hơn 2.000 cây lớn được trồng trong khu vực giảng đường, nhà ở sinh viên và quảng trường trung tâm. Bên trên, hệ thống điện mặt trời áp mái 1.000 m² đã được đưa vào vận hành, tạo ra khoảng 150.000 kWh điện mỗi năm, giúp tiết kiệm khoảng 330 triệu đồng chi phí năng lượng, đồng thời giảm áp lực cho lưới điện quốc gia.
Nội bộ vận hành cũng đang được “xanh hóa” với hệ thống điều khiển tòa nhà thông minh (BMS), giúp kiểm soát điều hòa, chiếu sáng và thiết bị điện từ xa. Toàn bộ nước thải sinh hoạt (31.000 m³/năm) được xử lý bằng hệ thống hiện đại đạt chuẩn môi trường, một phần trong số đó được sử dụng lại cho tưới tiêu và vận hành kỹ thuật.
VinUni cũng mạnh tay cắt giảm rác thải nhựa. Toàn bộ đồ nhựa dùng một lần bị loại bỏ khỏi các sự kiện nội bộ, trong khi hệ thống nước uống công cộng đã giúp giảm tiêu thụ hơn 1,5 triệu chai nhựa mỗi năm. Các chính sách mua sắm được siết chặt, ưu tiên đơn vị cung cấp có chứng nhận xanh, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Giao thông trong trường cũng được hướng theo “xanh”: xe đạp, xe điện và đi bộ được khuyến khích, sinh viên – giảng viên được hỗ trợ ưu đãi mua xe điện, có chỗ đỗ và trạm sạc miễn phí trong khuôn viên. Theo báo cáo, 77% cán bộ, giảng viên tại VinUni hiện đã chuyển sang sử dụng xe điện. VinUni đặt mục tiêu đến năm 2027, 100% giảng viên và nhân viên của nhà trường sử dụng phương tiện giao thông xanh.
Các sáng kiến này không chỉ là yếu tố kỹ thuật, mà nằm trong chiến lược dài hạn của nhà trường: hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trước năm 2040, xây mới đạt chuẩn LEED và đẩy mạnh mô hình “đại học bền vững” theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc.
Từ học bổng “triệu đô” đến lớp học về phát triển bền vững
Tại VinUni, câu hỏi “sinh viên sẽ trở thành ai” quan trọng không kém “họ học được gì”. Báo cáo phát triển bền vững 2024 của trường cho thấy, yếu tố con người – bao gồm phúc lợi, hòa nhập và trách nhiệm xã hội – đang được đặt ngang hàng với chất lượng đào tạo trong mọi chiến lược vận hành.
Với triết lý phát triển toàn diện, 100% sinh viên VinUni được học ít nhất một môn học về phát triển bền vững, bên cạnh các chương trình thực hành, nghiên cứu và dự án cộng đồng. 43% các công bố khoa học năm 2023 của trường có liên quan trực tiếp đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), trong đó 85% là hợp tác quốc tế – cho thấy năng lực hội nhập mạnh mẽ của khối học thuật.
Ngoài phòng học, VinUni đặt trọng tâm vào đời sống tinh thần và sức khỏe toàn diện. Tỷ lệ hài lòng với sức khỏe tinh thần đạt 8,2/10, nhờ hệ thống tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, hotline hỗ trợ 24/7 và mô hình nhóm hỗ trợ đồng đẳng (peer-to-peer). Tất cả giảng viên và nhân viên đều được khám sức khỏe định kỳ, có chương trình tập luyện thể chất, ưu đãi xe điện và dịch vụ thành viên VinClub.
Yếu tố bình đẳng và hòa nhập được thể hiện rõ qua cơ cấu nhân sự. 43% vị trí lãnh đạo trong trường là nữ, và có tới 97% nhân viên khẳng định cảm thấy được đối xử công bằng. Toàn bộ cơ sở vật chất đều tuân thủ thiết kế tiếp cận cho người khuyết tật, có biển chỉ dẫn song ngữ, thang máy và đường dốc thân thiện.
Đối với cộng đồng bên ngoài, VinUni triển khai nhiều sáng kiến xã hội có chiều sâu. Dự án EZMeal cung cấp bữa ăn giá rẻ cho người lao động thu nhập thấp. Trường cũng tích cực tham gia hỗ trợ thiên tai, tổ chức hoạt động thiện nguyện và phát triển giáo dục tại vùng khó khăn. Đặc biệt, trong năm học 2024–2025, VinUni đã trao tổng cộng 26,3 triệu USD học bổng và tài trợ, tạo điều kiện học tập cho hàng trăm sinh viên tài năng trên toàn quốc.
Song hành với chương trình giảng dạy, VinUni khuyến khích sinh viên tiếp cận thực tiễn sớm. 30% sinh viên năm 3–4 đã từng thực tập hoặc làm việc trong các tổ chức liên quan đến phát triển bền vững, từ doanh nghiệp xã hội đến các tổ chức phi lợi nhuận trong nước và quốc tế.
VinUni không che giấu tham vọng định hình thế hệ công dân toàn cầu có trách nhiệm xã hội. Dự kiến đến năm 2027, trường sẽ tăng gấp rưỡi số lượng nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững, và đào tạo ít nhất 100 đại sứ trẻ về bền vững, 50 lãnh đạo môi trường thông qua hợp tác với UNESCO Chair.
Trong khi nhiều trường đại học mới chỉ bắt đầu xây dựng chiến lược ESG, VinUni đã đưa các mục tiêu xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cấu trúc vận hành. Từ sinh viên đến nhân viên, từ học thuật đến cộng đồng, hành trình phát triển bền vững của nhà trường được thực hiện bằng những con người thật, dữ liệu thật và cam kết lâu dài.