Kiến thức

Ngành học là "vua" của các ngành nghề: Lương 2 tỷ đồng/năm, nhu cầu tuyển dụng cao trong vài năm tới

Vũ Linh 17/07/2025 11:20

Ngành học này là "vua" của các ngành, với nhu cầu tuyển dụng tăng vọt, mức lương cao chót vót.

Cơ hội nghề nghiệp bùng nổ

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghệ số đã kéo theo nhu cầu khổng lồ về các sản phẩm điện tử thông minh. Trong đó, ngành Thiết kế vi mạch (lĩnh vực chuyên sâu về nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các chip điện tử) đang nổi lên như một ngôi sao sáng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của học sinh, sinh viên và phụ huynh.

ngành học lương cao
Đây là ngành học được nhiều sĩ tử và phụ huynh quan tâm

Vi mạch (IC – Integrated Circuit) là bộ não điều khiển mọi thiết bị điện tử, từ smartphone, laptop đến xe ô tô tự hành hay các hệ thống công nghiệp tự động. Thiết kế vi mạch là bước khởi đầu quan trọng để tạo nên những con chip hiệu suất cao, tiêu thụ ít điện năng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thời đại số.

Hiện tại, hàng loạt tập đoàn lớn như Intel, Marvell, Renesas, Synopsys… đã và đang đặt trung tâm thiết kế tại Việt Nam. Thống kê đến cuối năm 2022 cho thấy có khoảng 5.000 kỹ sư vi mạch đang làm việc tại nước ta, trong đó TP.HCM chiếm 74%. Với tốc độ phát triển này, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn vào năm 2030, riêng lĩnh vực thiết kế vi mạch cần thêm 12.000–15.000 kỹ sư.

Sự thiếu hụt nhân lực trình độ cao khiến ngành học này ngày càng trở nên khan hiếm và có giá. Từ vai trò chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia đến việc được các tập đoàn công nghệ toàn cầu “săn đón”, thiết kế vi mạch xứng đáng là ngành học “đi trước đón đầu” cho thế hệ trẻ đam mê công nghệ.

Mức lương lên đến cả tỷ đồng mỗi năm

Điều khiến ngành thiết kế vi mạch trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết chính là mức thu nhập “khủng” mà ít ngành học nào có thể so sánh.

thiết kế vi mạch
Thiết kế vi mạch là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử

Theo chuyên gia, ngành Thiết kế vi mạch có tốc độ tăng trưởng thu nhập rất nhanh. Với người mới ra trường, mức lương phổ biến đã lên tới 15–20 triệu đồng/tháng. Sau 3–5 năm kinh nghiệm, mức thu nhập có thể nhảy vọt lên 35–50 triệu đồng và cơ hội ra nước ngoài làm việc tại Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… cũng rất rộng mở.

Với những kỹ sư giỏi, có kinh nghiệm lâu năm, con số này có thể chạm ngưỡng 46.000–80.000 USD/năm, tương đương 1,1–2 tỷ đồng, chưa kể phúc lợi hấp dẫn đi kèm.

Ngoài các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp nội địa đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp vi mạch như FPT Semiconductor, Viettel, VnChip, CoAsia, SemiFive… Nhu cầu tuyển dụng nhân sự thiết kế chip cao cấp luôn ở mức lớn, nhưng lại thiếu nguồn cung trầm trọng.

Học ngành thiết kế vi mạch ở đâu? Điểm chuẩn và định hướng nghề nghiệp

Nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo Thiết kế vi mạch. Hiện có hơn 35 cơ sở giáo dục đào tạo lĩnh vực bán dẫn hoặc ngành gần liên quan.

đại học bách khoa TP HCM
Đại học Bách khoa TP.HCM

Tại miền Nam, nổi bật có Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học CNTT (ĐHQG TP.HCM), Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Khu vực miền Bắc có Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội...

Ở mỗi trường, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch thường được chia thành ba hướng chính: Thiết kế số (Digital IC), Thiết kế tương tự (Analog IC) và Thiết kế tín hiệu hỗn hợp (Mixed-signal IC).

Tùy từng trường và năm, điểm chuẩn của các ngành liên quan như Kỹ thuật Điện – Điện tử, Viễn thông, Vật lý kỹ thuật dao động từ 16–27 điểm. Các trường top như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM có mức điểm chuẩn cao nhất (trên 25 điểm). Trong khi đó, các trường như ĐH Điện lực, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Mỏ - Địa chất có điểm chuẩn mềm hơn, chỉ từ 18–21 điểm.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí hấp dẫn: kỹ sư thiết kế kiến trúc vi mạch, thiết kế logic, kiểm thử vi mạch, kỹ sư giải pháp công nghệ... Đây đều là những công việc có triển vọng lâu dài và rất được săn đón tại các doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế.

Vũ Linh