Chính sách thuế mới sẽ thúc đẩy minh bạch thị trường chứng khoán
Nhiều quy định thuế mới chính thức áp dụng với hoạt động chứng khoán từ ngày 1/7/2025. Theo chuyên gia Nguyễn Văn Được, thay đổi này sẽ giúp thị trường minh bạch hơn nhưng cũng đặt ra thách thức chi phí cho doanh nghiệp.
Từ ngày 1/7/2025, loạt chính sách thuế mới chính thức có hiệu lực, trong đó đáng chú ý là những thay đổi liên quan đến hoạt động chứng khoán. Theo chuyên gia Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, các quy định này vừa mở rộng cơ sở thu thuế, vừa tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy minh bạch và công bằng trên thị trường.
Thu hẹp diện miễn thuế, mở rộng cơ sở thu
Một trong những điểm thay đổi lớn trong Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 là việc thu hẹp danh mục các dịch vụ chứng khoán được miễn thuế. Cụ thể, từ ngày 1/7/2025, các hoạt động như môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư, quản lý quỹ và danh mục đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục được miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Tuy nhiên, các dịch vụ chứng khoán khác – vốn trước đây cũng được hưởng ưu đãi miễn thuế – như cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán, tổ chức bán đấu giá cổ phần, cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật... sẽ phải chịu thuế GTGT với mức thuế suất phổ thông 10%.

“Chính sách mới đã phân định rõ đâu là hoạt động cốt lõi của thị trường chứng khoán cần ưu đãi thuế và đâu là các dịch vụ bổ trợ mang tính thương mại nên phải chịu thuế như các ngành nghề khác. Đây là bước đi đúng hướng, vừa tạo nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Được phân tích.
Tác động đến nhà đầu tư và tổ chức phát hành
Theo chuyên gia Trọng Tín, việc mở rộng diện chịu thuế GTGT có thể khiến chi phí của nhà đầu tư cá nhân tăng nhẹ, do phần lớn họ không có quyền khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, ông cho rằng tác động này không đáng kể và sẽ không làm thay đổi hành vi đầu tư trên thị trường.
“Thực tế, các khoản thuế bổ sung ở mức vừa phải. Chẳng hạn, việc cộng thêm 10% thuế GTGT vào phí giao dịch hay quản lý tài khoản chỉ làm chi phí đầu tư tăng nhẹ. Do đó, nhà đầu tư cá nhân gần như không bị ảnh hưởng đáng kể”, ông Được nhận định.
Với các tổ chức kinh tế – đặc biệt là doanh nghiệp phát hành chứng khoán – tác động sẽ rõ nét hơn. Những chi phí như phát hành, tư vấn tài chính, truyền thông, bảo lãnh... giờ đây thuộc diện chịu thuế GTGT nhưng lại không được khấu trừ do hoạt động phát hành chứng khoán được phân loại là không chịu thuế. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phát hành thực tế sẽ tăng, ảnh hưởng đến quyết định huy động vốn qua kênh chứng khoán.
Hóa đơn điện tử: bước tiến về minh bạch
Bên cạnh thuế GTGT, một thay đổi quan trọng khác là quy định bắt buộc các công ty chứng khoán phải xuất hóa đơn điện tử cho từng giao dịch, thay vì được tổng hợp theo ngày hay theo tháng như trước đây.
Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Thông tư 32/2025/TT-BTC, từ ngày 1/7/2025, tất cả giao dịch chứng khoán phải có hóa đơn điện tử kèm theo, trừ một số dịch vụ như sản phẩm phái sinh hoặc dịch vụ đặc thù cần đối soát thì có thể lập hóa đơn chậm nhất vào ngày 7 của tháng kế tiếp.
“Việc bắt buộc xuất hóa đơn cho từng giao dịch là động thái nhằm tăng cường minh bạch và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân. Họ có thể dễ dàng kiểm soát chi phí, làm căn cứ đối chiếu và xử lý tranh chấp nếu có”, ông Được phân tích.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng thay đổi này sẽ khiến các công ty chứng khoán phải nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và tổ chức lại quy trình lập hóa đơn. Chi phí vận hành có thể tăng, đặc biệt với những đơn vị có lượng giao dịch cao mỗi ngày.
Cân bằng giữa thu ngân sách và chi phí tuân thủ
Chuyên gia Trọng Tín đánh giá, loạt thay đổi lần này cho thấy cơ quan quản lý đang đi theo hướng cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và yêu cầu hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển bền vững.
Về mặt vĩ mô, mở rộng cơ sở thuế là xu hướng tất yếu để đảm bảo ngân sách trong bối cảnh chi đầu tư công và chi an sinh xã hội tăng mạnh. Nhưng song song với đó, các quy định kỹ thuật như thời hạn lập hóa đơn, đối tượng chịu thuế, mức thuế suất… đều được thiết kế để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến thị trường.
“Chẳng hạn, với quy định hóa đơn điện tử, việc cho phép lập chậm tối đa 7 ngày đối với một số dịch vụ giúp giảm áp lực hành chính và cho phép các bên có thời gian đối soát dữ liệu – điều cực kỳ quan trọng trong hoạt động tài chính”, ông nói.
Tăng niềm tin vào thị trường chứng khoán
Trên bình diện thị trường, các chính sách mới sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
“Minh bạch về thuế và hóa đơn không chỉ tạo ra công bằng giữa các chủ thể tham gia thị trường, mà còn giúp cơ quan quản lý có đủ dữ liệu để giám sát, từ đó phòng ngừa các hành vi gian lận hoặc lách thuế”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến nghị các công ty chứng khoán và nhà đầu tư chủ động cập nhật các quy định mới, điều chỉnh quy trình và hệ thống nội bộ để sẵn sàng tuân thủ từ ngày 1/7/2025. “Đây là cơ hội để các tổ chức nâng cao tính chuyên nghiệp, chuẩn hóa hoạt động, tạo tiền đề phát triển bền vững”, ông nói thêm.