Đất & Người

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam lăn bánh: Sẽ ghé qua ngôi chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á

Đình Tiến 09/07/2025 15:38

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam lăn bánh sẽ ghé qua ngôi chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á, uy nghi giữa non thiêng cố đô, điểm dừng chân đầy linh khí.

Điểm dừng mang dấu ấn địa linh giữa tuyến tàu cao tốc xuyên Việt

Khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024, kết nối Hà Nội với TP.HCM qua hành trình dài 1.541 km, người ta không chỉ nói về tốc độ 350 km/h hay số vốn gần 67 tỷ USD, mà còn nói đến những điểm dừng “hội tụ” tinh hoa văn hóa – tâm linh của đất Việt. Và Ninh Bình, với chùa Bái Đính kỳ vĩ giữa lòng Tràng An, là một điểm sáng không thể không nhắc tới.

bai đinh
Tháp Báo Thiên- Chùa Bái Đính

Nằm trên sườn núi ở cửa ngõ phía tây cố đô Hoa Lư, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, chùa Bái Đính là nơi đất trời như giao hòa, hội tụ cả linh khí non thiêng và dấu ấn nghìn năm Phật pháp. Quần thể chùa tọa lạc ở xã Gia Sinh (Gia Viễn), gần tuyến quốc lộ 38B – chính là điểm dừng chân tiềm năng của tuyến đường sắt cao tốc mới. Không gian nơi đây trải dài hơn 1.700 ha, ôm trọn núi rừng, hồ nước và những công trình kiến trúc đồ sộ mà vẫn đậm chất thuần Việt.

Bái Đính được biết đến như “chùa của những kỷ lục”: chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng Di Lặc đồng lớn nhất Đông Nam Á… Không chỉ là địa điểm du lịch, nơi đây từng là điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014 và nhiều sự kiện Phật giáo mang tầm quốc tế. Từ đây, Bái Đính không chỉ đại diện cho quá khứ thăng trầm của đất Hoa Lư, mà còn là hình ảnh sống động về một Việt Nam hội nhập nhưng vẫn vững gốc truyền thống.

Chùa cổ ngàn năm và vùng đất sinh Vua, sinh Thánh

Đứng trước không gian mênh mông của chùa Bái Đính cổ, du khách như bước vào một miền ký ức thời Lý – thời Đinh. Bái Đính cổ tự tọa lạc trên đỉnh núi Đính, nơi thiền sư Nguyễn Minh Không – Quốc sư thời Lý – khai sáng nên ngôi chùa từ hơn 1.000 năm trước. Theo truyền thuyết, ông từng tìm được cây thuốc quý tại núi này để chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, và từ đó dựng chùa thờ Phật, tạo vườn thuốc cứu dân.

di lac
Tượng Phật Di Lặc

Khu chùa cổ cách khu chùa mới khoảng 800 m, ẩn mình giữa núi đá và rừng cây. Tại đây, mỗi bước chân đều dẫn lối vào huyền thoại: hang Sáng, nơi vua Lê Thánh Tông từng đề thơ khắc đá; hang Tối thờ Mẫu và Tiên trong không gian kỳ ảo với nhũ đá tạo hóa; đền thờ thần Cao Sơn – một trong ba vị trấn thần của cố đô Hoa Lư. Nơi đây còn là vùng đất “sinh vua – sinh thánh – sinh thần” theo tín ngưỡng dân gian: vua Đinh, thiền sư Nguyễn Minh Không, và các thần như Cao Sơn, Quý Minh đều gắn bó với mảnh đất này.

Cũng không thể bỏ qua giếng Ngọc – nơi tương truyền Nguyễn Minh Không lấy nước chữa bệnh cho vua. Giếng có đường kính 30m, sâu 6m, quanh năm không cạn, được xác lập kỷ lục “giếng lớn nhất Việt Nam”. Với cấu trúc hình mặt nguyệt, bao quanh là bốn lầu bát giác, nơi đây như điểm tụ khí linh thiêng giữa đất trời.

Kiến trúc thuần Việt giữa công trình kỷ lục Phật giáo châu Á

Nếu khu chùa cổ mang vẻ u tịch, trầm mặc thì khu chùa mới Bái Đính lại là biểu tượng của sự hoành tráng, vươn mình ra thế giới. Được xây dựng từ năm 2003, chùa Bái Đính mới trải rộng trên diện tích 80 ha, gồm nhiều điện thờ và công trình phụ trợ: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông... Tất cả đều được xây dựng bằng vật liệu địa phương như đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết, ngói men Bát Tràng – tạo nên một bản sắc không thể nhầm lẫn.

Mỗi mái chùa uốn cong như đuôi chim phượng, không hề thô cứng như chùa kiểu Trung Hoa. Mỗi pho tượng Phật đều là kỳ công của hàng trăm nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống như mộc Phúc Lộc, đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên... Những kỷ lục được xác lập liên tiếp: tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt nặng 80 tấn; tượng Phật Thích Ca nặng 100 tấn; chuông đồng lớn nhất Việt Nam nặng 36 tấn; trống đồng nặng 70 tấn đặt dưới chuông như kết nối âm – dương.

tha bao
Bên trong tháp Báo Thiên

Tháp chuông có 24 mái cong vút, đậm nét nghệ thuật; điện Tam Thế đặt ba pho tượng đồng mỗi tượng nặng 50 tấn – đại diện cho ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và tương lai. Bảo tháp cao hơn 100m, gồm 13 tầng – nơi lưu giữ xá lợi Phật từ Ấn Độ và Myanmar, bên trong trần tháp khắc họa phong cách Ấn huyền bí, quanh tường gắn hàng nghìn tượng nhỏ – như dải ngân hà Phật pháp giữa nhân gian.

Điều đặc biệt là ngay cả khi công trình đang xây dựng, nơi đây vẫn mở cửa cho khách hành hương. Du khách được chiêm bái, quan sát công trình thành hình từng ngày – điều hiếm thấy với các di tích lớn. Từ một “đại công trường”, chùa Bái Đính trở thành điểm đến linh thiêng, biểu tượng giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ ngàn năm và một tương lai kết nối bằng đường ray tốc độ cao.

Đình Tiến