Khởi công dự án đường sắt huyết mạch cuối năm 2025
Dự án đường sắt này đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư, hướng tới khởi công vào cuối năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng đồng loạt tại 20 địa phương có tuyến đi qua, chuẩn bị tốt cho giai đoạn thi công quy mô lớn dự kiến từ năm 2026, bảo đảm tiến độ khởi công vào ngày 19/12/2025.
Các dự án đường sắt trọng điểm như Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được triển khai các thủ tục đầu tư theo đúng định hướng Nghị quyết 68; Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đang rốt ráo hoàn thiện thủ tục đầu tư, phấn đấu khởi công trong năm 2025.
“Riêng các dự án sắp triển khai, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cần được đẩy nhanh để đáp ứng tiến độ khởi công, trước mắt là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến khởi công vào ngày 19/12 năm nay”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo.
Trước đó, tại Thông báo kết luận số 342/TB-VPCP về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai–Hà Nội–Hải Phòng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, trước mắt cần tập trung hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư; lựa chọn một số hạng mục quan trọng như nhà ga, khu tái định cư để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi động trong năm 2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết 127/NQ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị quyết 187/2025/QH15 của Quốc hội, tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài khoảng 419km, điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới tại Lào Cai, điểm cuối tại ga Lạch Huyện, TP Hải Phòng.
Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD), với kế hoạch khởi công vào tháng 12/2025 và hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.
Dự án nhằm xây dựng một tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa và liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc;
Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; tăng cường kết nối mạng lưới đường sắt trong nước và khu vực; gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Việc triển khai hiệu quả tuyến đường sắt này sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu lớn mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết đã đề ra, tạo bước đột phá trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.