Dự án từng khai thác không hiệu quả, nay trở thành “mỏ vàng” tỷ đô cho PetroVietnam
Được chuyển giao với giá chỉ 1 USD, một dự án dầu khí sau 10 năm đã mang về 4 tỷ USD cho PetroVietnam, trở thành biểu tượng đầu tư hiệu quả.
Mỏ Đại Hùng từng được định giá chỉ 1 USD khi Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam; PVN) tiếp nhận từ nhà thầu quốc tế. Sau một thập kỷ vận hành đã mang về hơn 4 tỷ USD doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia. Đây được xem là một trong những dự án khai thác dầu khí tiêu biểu, thể hiện năng lực quản trị và tầm nhìn dài hạn của PetroVietnam.
Vào ngày 7/5/2025, dòng dầu thương mại đầu tiên từ giai đoạn 3 của mỏ Đại Hùng đã chính thức được khai thác, vượt tiến độ 20 ngày. Sản lượng ban đầu đạt 6.000 thùng mỗi ngày. Khi các giếng trong giai đoạn này đi vào khai thác ổn định, tổng lưu lượng toàn mỏ dự kiến đạt khoảng 18.000 thùng/ngày vào cuối năm, đóng góp thêm khoảng 2,5 tỷ USD doanh thu mỗi năm và khoảng 450 triệu USD cho ngân sách nhà nước.

Mỏ Đại Hùng nằm tại Lô 05-1(a), từng được khai thác theo hợp đồng dầu khí ký năm 1993 với tổ hợp nhà thầu quốc tế, trong đó BHP (Australia) là đơn vị điều hành chính.
Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác không đạt hiệu quả như kỳ vọng, đến tháng 10/2003, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định chuyển giao quyền điều hành và khai thác mỏ cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), trực thuộc PetroVietnam.
Khi tiếp nhận, giá trị sổ sách của mỏ được định giá tượng trưng là 1 USD. Đơn vị trực tiếp quản lý dự án là Công ty Dầu khí Đại Hùng - nay là Chi nhánh Điều hành Dầu khí trong nước (PVEP-POC).
Kể từ đó, PetroVietnam đã từng bước đầu tư, phát triển và vận hành mỏ bằng chính nguồn lực trong nước. Từ một tài sản gần như bị bỏ ngỏ, PetroVietnam đã biến mỏ Đại Hùng thành dự án dầu khí có hiệu quả cao.
Đến cuối năm 2024, mỏ đã khai thác gần 75 triệu thùng dầu, đạt doanh thu trên 4 tỷ USD và nộp ngân sách hơn 600 triệu USD. Dự án cũng góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động qua các giai đoạn đầu tư, xây dựng và vận hành.
Giai đoạn 3 mỏ Đại Hùng pha 3 Lô 05-1(a) được triển khai từ cuối năm 2022. Dự án bao gồm nhiều hạng mục kỹ thuật quy mô lớn như: giàn đầu giếng WHP-DH01 đặt tại độ sâu hơn 110 mét dưới mặt nước biển; hệ thống đường ống mềm dài 5,2 km kết nối với giàn xử lý trung tâm FPU hiện hữu.
Quá trình triển khai gặp không ít thách thức do biến động địa chính trị toàn cầu, khủng hoảng chuỗi cung ứng vật tư và thiết bị, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, điều kiện thời tiết phức tạp, cùng với đó là khoảng cách xa bờ (mỏ cách TP. Vũng Tàu khoảng 265 km). Dù vậy, đội ngũ kỹ thuật và vận hành của PetroVietnam đã nỗ lực vượt khó, đảm bảo tiến độ và hiệu quả khai thác.
Theo kế hoạch phát triển đến năm 2034, doanh thu toàn mỏ Đại Hùng sau khi đưa giai đoạn 3 vào vận hành được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 160.000 tỷ đồng (tương đương hơn 6 tỷ USD). Bên cạnh đó, sản lượng bổ sung ước tính sẽ là 76 triệu thùng dầu, góp phần quan trọng vào tổng sản lượng khai thác của PetroVietnam trong thập kỷ tới.