Chuyển động

Nhường Hòa Phát làm thanh ray, doanh nghiệp Việt này muốn sản xuất “trọn gói” tàu đường sắt cao tốc

Cao Trung 09/07/2025 04:00

Một doanh nghiệp Việt vừa đề xuất xây dựng một tổ hợp công nghiệp lớn, kỳ vọng từng bước sản xuất trọn gói đoàn tàu đường sắt cao tốc.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là dự án hạ tầng tầm vóc thế kỷ, mà còn là cơ hội lớn Việt Nam hình thành chuỗi công nghiệp đường sắt hiện đại, làm chủ công nghệ vận hành và sản xuất đoàn tàu cao tốc. Trong khi Tập đoàn Hòa Phát đã khởi động đầu tư sản xuất thép ray – nền tảng cơ bản cho hệ thống hạ tầng đường sắt, thì Hà Nội mới đây đề xuất hình thành một tổ hợp công nghiệp đường sắt quy mô lớn, kỳ vọng sản xuất trọn gói phương tiện đường sắt tốc độ cao “Made in Vietnam”.

hoaphat78.png
Hòa Phát hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Đông Nam Á có khả năng sản xuất thanh ray phục vụ tàu cao tốc

Tổ hợp 17.500 tỷ đồng hướng đến sản xuất đoàn tàu cao tốc

Theo đề xuất mới gửi Chính phủ, UBND TP. Hà Nội kiến nghị phê duyệt chủ trương đầu tư tổ hợp công nghiệp đường sắt đặt tại khu vực phía Nam thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 17.500 tỷ đồng. Quy mô khoảng 250 ha, tổ hợp sẽ được bố trí tại xã Chuyên Mỹ và xã Ứng Hòa, tích hợp vào các quy hoạch chiến lược Thủ đô và phù hợp định hướng của Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2025.

Điểm khác biệt của tổ hợp này không nằm ở quy mô hay vốn đầu tư, mà ở mục tiêu dài hạn: Làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất phương tiện đường sắt, từ linh kiện, đầu máy điện, toa xe khách đến đoàn tàu điện động lực (EMU) và tàu cao tốc. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) – đơn vị đề xuất cho biết, tổ hợp sẽ bao gồm nhà máy lắp ráp, trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), trung tâm bảo trì sửa chữa lớn và hệ thống kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia.

Giai đoạn đầu 2029–2031 sẽ tập trung sản xuất đầu máy sử dụng năng lượng sạch, toa xe khách và toa hàng tốc độ từ 120 – 160 km/h. Đến năm 2035, mục tiêu là làm chủ công nghệ sản xuất toa xe và phụ tùng với tỷ lệ nội địa hóa 30%. Đặc biệt, từ giai đoạn 2035 trở đi, tổ hợp sẽ tham gia lắp ráp đoàn tàu tốc độ cao theo mô hình chuyển giao công nghệ, và từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 80% vào năm 2050.

Nếu thành công, Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có thể tự sản xuất và bảo trì đoàn tàu cao tốc, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu như hiện nay.

duongsatcaotocbacnam102.jpg
VNR đặt mục tiêu năm 2035 sẽ làm chủ công nghệ sản xuất toa xe và phụ tùng với tỷ lệ nội địa hóa 30%

Hòa Phát bứt phá với dự án sản xuất thanh ray 14.000 tỷ

Trong khi tổ hợp công nghiệp hướng đến đoàn tàu hoàn chỉnh, Tập đoàn Hòa Phát đã chọn hướng đi chiến lược là đầu tư vào sản xuất thanh thép ray – phần “xương sống” của hạ tầng đường sắt. Tháng 5 vừa qua, Hòa Phát công bố đầu tư 14.000 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất thép ray và thép hình đặc biệt tại Khu liên hợp Dung Quất 2. Dây chuyền có công suất 700.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ của SMS Group (Đức), với thời gian hoàn thành khoảng 20 tháng và sản phẩm đầu tiên ra lò dự kiến vào quý I/2027.

Thanh ray do Hòa Phát sản xuất sẽ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc – những quốc gia đang dẫn đầu thế giới về công nghệ tàu cao tốc. Các thanh ray dài đến 100 mét, được kiểm tra bằng quét laser và siêu âm NDT để phát hiện lỗi, có độ cứng cao và bền bỉ trong điều kiện khai thác tốc độ lớn.

Khi nhà máy hoàn tất, Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Đông Nam Á có khả năng sản xuất thanh ray phục vụ tàu cao tốc. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long từng ví dự án này là “cơ hội nghìn năm” để ngành thép Việt góp phần chủ lực vào tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, và xa hơn là xuất khẩu vật tư đường sắt ra khu vực.

Tầm nhìn công nghiệp hóa từ chính dự án đường sắt cao tốc

Sự song hành giữa một bên là Hòa Phát sản xuất hạ tầng kỹ thuật (ray thép), một bên là tổ hợp công nghiệp hướng đến lắp ráp đoàn tàu, cho thấy Việt Nam đang từng bước xây dựng một chuỗi cung ứng đường sắt tốc độ cao khép kín. Đây là điều các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều phải trải qua hàng chục năm tích lũy.

Và trong bối cảnh tuyến đường sắt Bắc – Nam đang được tạo điều kiện để sớm khởi công, những bước đi này không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật, mà còn thể hiện khát vọng vươn lên của công nghiệp Việt Nam trên sân chơi công nghệ cao.

Cao Trung