Bất ngờ: Hòa Phát (HPG) có thể bất lợi ngay trên sân nhà
Một dòng thép tăng vọt nhập khẩu ngay trước thời điểm áp thuế, lại nằm ngoài diện điều chỉnh, khiến Hòa Phát khó hưởng trọn ưu thế bảo hộ.
HRC khổ rộng vẫn nằm ngoài phạm vi áp thuế
Ngày 4/7/2025, Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế dao động từ 23,1% đến 27,83%, có hiệu lực từ ngày 6/7 và kéo dài 5 năm. Quyết định này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đáng kể cho các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là Hòa Phát – doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong phân khúc HRC.

Tuy nhiên, bức tranh thị trường đã có những chuyển động đáng chú ý từ trước thời điểm áp thuế, khi dòng thép HRC khổ rộng – loại không nằm trong phạm vi điều chỉnh tăng trưởng đột biến về sản lượng nhập khẩu. Điều này khiến lợi thế kỳ vọng từ chính sách mới có thể không được như mong đợi.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcap, chỉ trong tháng 5/2025, tức trước thời điểm Bộ Công Thương ban hành thuế CBPG chính thức, Việt Nam đã nhập khẩu tới 181.000 tấn HRC khổ rộng từ Trung Quốc, gấp 25 lần so với cùng kỳ 2024. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng lượng nhập khẩu HRC khổ rộng đạt 430.000 tấn, tăng gấp 12 lần, trong đó loại có khổ 2.000mm chiếm gần 87%.
Điểm đáng chú ý là HRC khổ rộng không nằm trong diện chịu thuế, do không được xác định là gây thiệt hại trong quá trình điều tra trước đó. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh về khối lượng và tần suất nhập khẩu đang cho thấy một xu hướng cạnh tranh mới đang hình thành trên thị trường, vốn có thể làm suy yếu hiệu quả của biện pháp thuế CBPG vừa được ban hành.
Thay vì thép khổ hẹp bị đánh thuế cao, các doanh nghiệp nhập khẩu dịch chuyển sang khổ rộng để tối ưu chi phí, dù tính năng sử dụng trong nhiều trường hợp không khác biệt đáng kể.
Hòa Phát chịu sức ép lớn
Là nhà sản xuất HRC nội địa lớn nhất cả nước, Hòa Phát đước cho là bên hưởng lợi trực tiếp từ quyết định áp thuế. Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong quý II cho thấy doanh nghiệp này đã sớm chịu sức ép, khi thép HRC khổ rộng giá thấp tràn vào, tạo ra mặt bằng cạnh tranh mới.
Đầu tháng 7, Hòa Phát phải điều chỉnh giảm giá bán HRC giao tháng 8 khoảng 1,8%, một phần do yếu tố mùa vụ, phần còn lại xuất phát từ thực tế cung ứng dư thừa trên thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hạ nguồn như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) lại có cơ hội tạm thời tiết giảm chi phí đầu vào nhờ nguồn HRC khổ rộng giá rẻ, nhất là khi lượng hàng tồn kho giá thấp từ trước đang dần cạn.
Việc nhập khẩu HRC khổ rộng tăng mạnh trước khi chính sách được ban hành đang đặt ra thách thức trong triển khai thực tiễn. Nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng, Bộ Công Thương có thể cần thu thập thêm dữ liệu để xem xét mở rộng phạm vi điều tra hoặc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, nhằm đảm bảo mục tiêu bảo hộ không bị vô hiệu hóa trên thực tế.