Chuyển động

Nhận làm việc khó, một doanh nghiệp nhắm vai “nhạc trưởng” tại tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Thu Hà 07/07/2025 07:07

Được xem là nòng cốt tại tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, doanh nghiệp này vừa định hướng chuyển từ vai trò thi công sang mô hình nhà tổ chức thực hiện.

Tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức

Ngày 4/7/2025, Tập đoàn Đèo Cả tổ chức cuộc họp Hội đồng Quản trị nhằm tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và hoạch định các định hướng phát triển trong thời gian tới. Cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng, Hội đồng Cố vấn, Ban điều hành, lãnh đạo các Ban chuyên môn cùng đại diện các đơn vị thành viên.

Đèo Cả
Chủ tịch Hồ Minh Hoàng chủ trì cuộc họp HĐQT, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng: doanh thu đạt 5.778 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 246 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban điều hành cũng chỉ rõ nhiều vấn đề cần tập trung xử lý để bảo đảm hoàn thành mục tiêu năm và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.

Năm 2025, khối lượng công việc của Đèo Cả được đánh giá vượt trội so với các năm trước. Trong lĩnh vực đầu tư, Tập đoàn đang xúc tiến nghiên cứu, đề xuất 7 dự án lớn với tổng vốn đầu tư trên 310.000 tỷ đồng, trong đó một số dự án đã được phê duyệt chủ trương.

Hoạt động thi công cũng diễn ra đồng loạt tại 13 dự án trải dài nhiều địa phương. Một số dự án then chốt đang đẩy nhanh tiến độ, như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đạt hơn 71% khối lượng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh đạt 32%, Hữu Nghị - Chi Lăng đạt 25%, và sân bay Long Thành đã vượt mốc 74% giá trị hợp đồng.

Mảng vận hành khai thác và thu phí tiếp tục duy trì ổn định với 19,4 triệu lượt phương tiện qua các công trình. Doanh thu từ thu phí đạt 2.316 tỷ đồng, chiếm gần một nửa kế hoạch năm.

Tập trung nâng cao chất lượng nhân lực, quản trị và đổi mới chính sách đãi ngộ

Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, Tập đoàn đặt mục tiêu điều chỉnh chính sách tiền lương theo cơ chế khoán sản phẩm, song song với đẩy mạnh công tác đào tạo và hợp tác chiến lược cùng các trường đại học uy tín để xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao.

Đèo Cả
Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huy báo cáo kết quả “quản việc”

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Đèo Cả đã tổ chức 14 chương trình đào tạo đa dạng: cấp chứng chỉ hành nghề, chuyên sâu kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Đặc biệt, các lĩnh vực mới như công nghệ TBM, đường sắt đô thị, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và đào tạo tiếng Trung được chú trọng để đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng hiện đại.

Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng biểu dương nỗ lực của các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban điều hành trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm tiến độ dự án và năng lực tài chính trong điều kiện thị trường nhiều biến động. Đồng thời, ông yêu cầu từng phòng ban, đơn vị tự tiến hành đánh giá, làm rõ vai trò, trách nhiệm để kịp thời đề xuất các quyết định khen thưởng, kỷ luật, điều động và đào tạo bù đắp các điểm yếu.

“Để đạt được mục tiêu lớn, phải chuẩn bị kỹ về sức bền và khả năng bứt phá. Mỗi giai đoạn tăng tốc đều cần kiểm soát chặt chẽ và liên tục rút kinh nghiệm cho bước đi kế tiếp,” Chủ tịch nhấn mạnh.

Liên quan những khó khăn tồn đọng ở các dự án, Ban lãnh đạo cùng Hội đồng Cố vấn đã phân tích nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp xử lý, yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp và chịu trách nhiệm đến cùng.

Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ trọng điểm trong 6 tháng cuối năm

Trong giai đoạn cuối năm, Tập đoàn ưu tiên ba trọng tâm: tăng tốc thi công các dự án, đẩy nhanh công tác đầu tư phát triển và nâng cao năng lực quản trị vận hành.

Với lĩnh vực xây lắp, Đèo Cả định hướng chuyển từ vai trò thi công trực tiếp sang mô hình nhà tổ chức thực hiện, tập trung quản lý tổng thể, điều phối nguồn lực, kiểm soát chất lượng, an toàn và tiến độ, đồng thời lựa chọn các đối tác, nhà thầu có năng lực phù hợp để giao khoán.

Trong hoạt động đầu tư, nhiều dự án hạ tầng chiến lược đã sẵn sàng bước vào giai đoạn hoàn tất thủ tục để triển khai như: cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2 (12.072 tỷ đồng), cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (18.002 tỷ đồng), TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (39.800 tỷ đồng), Phú Yên - Đắk Lắk (30.000 tỷ đồng), Sơn La - Điện Biên (15.000 tỷ đồng) và đặc biệt là dự án đại lộ ven sông Hồng quy mô tới 195.000 tỷ đồng.

Về công tác đào tạo, Tập đoàn đang triển khai đề án đào tạo thực hành sát với yêu cầu thực tiễn, phối hợp các trường đại học để tuyển chọn, “đặt hàng” sinh viên giỏi, tổ chức thực tập hưởng lương và nhiều chế độ hỗ trợ khác. Chủ tịch chỉ đạo các đơn vị tăng cường truyền thông về chương trình đào tạo và tổ chức các sự kiện như “Ngày hội hướng nghiệp” để thu hút lao động tay nghề cao và sinh viên ngành kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các trung tâm và viện đào tạo của Tập đoàn cũng mở rộng đào tạo nhiều nghề then chốt như lái máy, vận hành hầm, kỹ thuật metro, với phương pháp kết hợp lý thuyết và thực hành trực tiếp tại dự án.

Năm 2025 đánh dấu 40 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn Đèo Cả. Bước sang một giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức song hành, Tập đoàn tiếp tục giữ vững phương châm “Tự lực - Tự cường - Tự tôn dân tộc” và giá trị cốt lõi “Khát vọng - Kiên định - Tri ân”, để kiến tạo các công trình hạ tầng bền vững và góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông quốc gia.

Mắt xích quan trọng tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả khẳng định sẵn sàng đóng vai trò then chốt trong quá trình triển khai siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Cụ thể, Đèo Cả đề xuất đảm nhận phần hạ tầng nền đường, cầu và hầm xuyên núi – các hạng mục đòi hỏi năng lực thi công phức tạp mà doanh nghiệp này đã tích lũy kinh nghiệm qua nhiều dự án trọng điểm như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân mở rộng.

Đường sắt cao tốc bắc nam
Đèo Cả định hướng chuyển từ vai trò thi công trực tiếp sang mô hình nhà tổ chức thực hiện, tập trung quản lý tổng thể, điều phối nguồn lực, kiểm soát chất lượng, an toàn và tiến độ...

Để đảm bảo nguồn lực tài chính cũng như công nghệ, Đèo Cả chủ động xây dựng phương án liên danh với các tập đoàn lớn của quốc tế, trong đó có Tập đoàn China National Financial Investment (Trung Quốc) nhằm khai thác thế mạnh vốn và giải pháp kỹ thuật về đường sắt tốc độ cao.

Song song đó, doanh nghiệp cũng mở rộng đàm phán với đối tác Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc để tiếp cận công nghệ thi công tiên tiến, đào tạo nhân lực và quản lý vận hành sau này.

Về cơ chế đầu tư, Đèo Cả kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mô hình hợp tác công – tư (PPP), trong đó nhà đầu tư tư nhân tham gia bỏ vốn thực hiện một phần hoặc toàn bộ các đoạn tuyến, giảm gánh nặng ngân sách.

Trong phát biểu chính thức, lãnh đạo Đèo Cả nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không chỉ sẵn sàng về năng lực kỹ thuật và nhân sự, mà còn chuẩn bị đầy đủ phương án huy động tài chính, sẵn sàng tham gia vào các gói thầu lớn của dự án ngay sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và phương án phân kỳ triển khai.

Thu Hà